Có nhiều người khi ăn các thực phẩm nêm nếm bột ngọt/mì chính thường bị “say” bằng các triệu chứng đau mỏi gáy, lạnh sống lưng, chân tay bủn rủn, thậm chí buồn nôn, vậy nguyên nhân do đâu và cách phòng chống như thế nào?
Theo BS CKI Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Dinh dưỡng NutiFood: Hiện tượng một số người ăn mì chính cảm thấy mỏi gáy, lạnh sống lưng… trước hết cần loại trừ nguyên nhân khác trùng lắp như cơ thể đang mệt, bị nhiễm siêu vi, dị ứng với các thành phần khác trong thức ăn có nêm mì chính… Nếu không tìm thấy nguyên nhân hoặc cùng loại thức ăn đó nhưng không cho mì chính thì không bị thì có thể nghi ngờ cơ thể nhạy cảm với mì chính, khi đó khắc phục bằng cách tránh sử dụng mì chính trong chế biến thực phẩm. Cũng theo BS Nguyệt, điều này không loại trừ khả năng do mua hoặc dùng phải bột ngọt không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.
Cùng đồng tình với ý kiến trên, BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho hay: “Hiện tượng một số người khi ăn các sản phẩm nêm nếm bột ngọt thì xuất hiện tình trạng mỏi vai gáy, tê lưỡi, tê bì chân tay, thậm chí một số người tim đập nhanh… đây là biểu hiện của một số người không dung nạp hoặc dị ứng với mì chính hay còn gọi là bột ngọt. Hiện tượng này là do cơ thể chuyển hóa hoặc hấp thu thành phần nào đó trong bột ngọt không phù hợp”.
Làm gì khi có hiện tượng “say” bột ngọt?
Nên tránh ăn các món nêm gia vị bột ngọt khi cơ thể kích ứng với loại gia vị này. Ảnh: Internet
Theo BS Diệp, mặc dù có nhiều người bị dị ứng và có các biểu hiện trên song thực tế những biểu hiện này đều lành tính, xuất hiện sau khi ăn và thông thường sau khoảng thời gian tầm 30 phút đến hai giờ đồng hồ thì những triệu chứng này mất đi. Ngày xưa, người ta gọi hiện tượng này là “hội chứng nhà hàng Trung Hoa” (Chinese Restaurant Syndrome). Vì vậy, những người này không nên ăn bột ngọt hoặc các sản phẩm nêm nếm gia vị này.
Theo một số thông tin trên Internet, một trong những cách tốt nhất để chống lại các hiện tượng trên là uống ngay một ly nước chanh ấm pha với muối (không dùng đường) và nằm nghỉ ở nơi thoáng mát 15-20 phút, nếu nôn được càng tốt. Cũng có thể uống nhiều nước ấm để lợi tiểu, thanh lọc cơ thể và giải độc.
Lưu ý, không tùy tiện dùng bất cứ loại thuốc nào, đề phòng biến chứng. Nếu có lỡ uống thuốc, nên mang theo vỏ thuốc trong trường hợp người bị ngộ độc phải nhập viện. Nếu các triệu chứng không giảm sau xử lý tức thời, người bị ngộ độc nên được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, theo dõi và xử lý y tế.
Với những trường hợp bị dị ứng, nên ngưng sử dụng bột ngọt trong một thời gian để tránh tái dị ứng và theo dõi liệu có phải do gia vị này gây ra không. Sau đó, khi dùng lại thì chỉ dùng với một lượng nhỏ để nêm nếm vào món ăn giúp tăng hương vị. Ngoài ra, nên cảnh giác với các món ăn đường phố bởi rất có thể họ sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và sử dụng “siêu bột ngọt”.