(Last Updated On: 31/07/2021)
Địa tô tư bản chủ nghĩa là gì? Tìm hiểu bản chất địa tô và các hình thức địa tô tư bản chủ nghĩa.
Bản chất địa tô Tư bản chủ nghĩa
Khi quan hệ sản xuất TBCN xâm nhập vào trong nông nghiệp thì nông nghiệp TBCN hình thành nên ba giai cấp: Địa chủ sở hữu ruộng đất, tư bản kinh doanh nông nghiệp và công nhân nông nghiệp là người trực tiếp lao động. Địa tô tư bản chủ nghĩa biểu hiện mối quan hệ kinh tế giữa ba giai cấp này.
Vậy, địa tô TBCN là bộ phận lợi nhuận siêu ngạch ngoài lợi nhuận bình quân của tư bản đầu tư trong nông nghiệp do công nhân nông nghiệp tạo ra mà nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải nạp cho địa chủ, người sở hữu ruộng đất (ký hiệu R).
Địa tô TBCN vạch rõ, địa chủ đã thông qua tư bản kinh doanh nông nghiệp, cùng với tư bản kinh doanh nông nghiệp phân chia giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp tạo ra.
Các hình thức địa tô tư bản chủ nghĩa
Địa tô chênh lệch
Địa tô chênh lệch là phần lợi nhuận siêu ngạch ngoài lợi nhuận bình quân thu được trên ruộng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi so với ruộng đất có điều kiện sản xuất xấu nhất. Nó là số chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung được quyết định bởi điều kiện sản xuất trên ruộng đất xấu nhất và giá cả sản xuất cá biệt trên ruộng đất tốt và trung bình.
Địa tô chênh lệch có hai loại: Địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II.
- Địa tô chênh lệch I là loại địa tô thu được trên những ruộng đất có điều kiện thuận lợi. Độ màu mở tốt, trung bình và có vị trí địa lý gần thị trường hay gần đường giao thông.
Địa tô chênh lệch I thuộc về địa chủ sở hữu ruộng đất. Địa chủ thu địa tô chênh lệch I bằng cách cho thuê ruộng đất với giá cả khác nhau. Ruộng đất tốt giá cao hơn trung bình, ruộng đất trung bình cao hơn ruộng đất xấu, ruộng đất ở gần thị trường cao hơn ruộng đất ở xa thị trường.
- Địa tô chênh lệch II là địa tô thu được gắn liền với thâm canh tăng năng suất, là kết quả của tư bản đầu tư thêm trên cùng một đơn vị diện tích.
Trong thời gian hợp đồng thuê đất, lợi nhuận siêu ngạch do đầu tư thâm canh đem lại thuộc tư bản kinh doanh ruộng đất. Chỉ đến khi hết thời hạn hợp đồng thuê ruộng đất, địa chủ mới tìm cách nâng giá cho thuê ruộng đất, tức biến lợi nhuận siêu ngạch do đầu tư thâm canh đem lại, tức địa tô chênh lệch II thành địa tô chênh lệch I. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn: nhà tư bản thuê đất muốn kéo dài thời gian thuê, còn địa chủ lại muốn rút ngắn thời gian thuê đất. Do đó, trong thời gian thuê đất, nhà tư bản tìm mọi cách quay vòng, tận dụng, khai thác độ màu mỡ của đất đai.
Địa tô tuyệt đối
Địa tô tuyệt đối là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, được hình thành do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp mà tất cả các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp đều phải nạp cho địa chủ dù ruộng đất tốt hay xấu, xa hay gần.
Trong TBCN, nông nghiệp thường lạc hậu hơn công nghiệp về mặt kỹ thuật, vì thế cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp. Điều này dẫn đến: nếu trình độ bóc lột ngang nhau, thì một tư bản ngang nhau sẽ sinh ra trong nông nghiệp giá trị thặng dư hơn trong công nghiệp.
Ví dụ: Có hai nhà tư bản nông nghiệp và công nghiệp đều có tư bản là 100, cấu tạo hữu cơ của tư bản trong công nghiệp là 4/1, cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp là 3/2. Giả sử m’ = 100% thì giá trị sản phẩm được sản xuất ra trong từng lĩnh vực là:
Trong công nghiệp: 80c + 20v + 20m = 120 Trong nông nghiệp: 60c + 40v + 40m = 140
Giá trị thặng dư trong công nghiệp là 20, còn giá trị thặng dư trong nông nghiệp là 40. Tuy nhiên, nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp chỉ được hưởng 20 giá trị thặng dư dưới hình thái lợi nhuận bình quân, còn 20 chuyển thành địa tô tuyệt đối cho địa chủ.
Địa tô độc quyền
Địa tô độc quyền là hình thức địa tô đặc biệt trong chủ nghĩa tư bản. Nó tồn tại trong nông nghiệp, công nghiệp khai thác và thành thị.
Trong nông nghiệp, nó tồn tại trên những mảnh đất có điều kiện khí hậu và chất đất cho phép sản xuất được nhiều nguồn lợi nhuận lớn.
Lý luận địa tô không chỉ vạch rõ bản chất quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mà còn là cơ sở khoa học cho Đảng và nhà nước ta xây dựng chính sách thuế nông nghiệp một cách khoa học, là cơ sở để giao khoán ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân, khuyến khích họ đầu tư thâm canh ruộng đất.