Định chế tài chính (Financial Institution)
Định nghĩa
Bạn đang đọc: Định chế tài chính (Financial Institution) là gì? Phân loại
Định chế tài chính trong tiếng Anh là Financial Institution.
Định chế tài chính là một loại hình doanh nghiệp mà tài sản chủ yếu của nó là các tài sản tài chính hay còn gọi là các hình thức trái quyền như cổ phiếu, trái phiếu và khoản cho vay – thay vì tài sản thực như nhà cửa, công cụ và nguyên vật liệu. Định chế tài chính cho khách hàng vay hoặc mua chứng khoán đầu tư trong thị trường tài chính.
Ngoài ra, các định chế tài chính này còn cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính khác, từ bảo hiểm và bán các hợp đồng hưu bổng, cho đến giữ hộ tài sản có giá và cung cấp một cơ chế cho việc thanh toán, chuyển tiền và lưu trữ thông tin tài chính. (Rose, 1980)
Vai trò
Các định chế tài chính là tổ chức kết nối những người có vốn và những người cần vốn. Do đó các định chế tài chính có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Các vai trò của định chế tài chính có thể kể đến như:
– Giảm thiểu chi phí các giao dịch: Các định chế tài chính, một bộ phận quan trọng của hệ thống tài chính, đã giúp những người tiết kiệm và những người đầu tư giảm các chi phí giao dịch như: chi phí tìm kiếm, chi phí thực hiện giao dịch, chi phí do qui mô, chi phí hiểu biết;
– Giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư: Các loại hình định chế tài chính rất đa dạng. Các sản phẩm dịch vụ mà các định chế tài chính cung ứng cũng rất phong phú và đa dạng. Chính điều đó giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư nhờ đa dạng hóa danh mục đầu tư. Ngoài ra, các định chế tài chính còn giúp giảm thiểu rủi ro do thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư nhờ tính chuyên nghiệp cao của các định chế tài chính;
– Tạo lập cơ chế thanh toán: Một số định chế tài chính đảm nhiệm vai trò cung cấp những phương thức và phương tiện thanh toán, điển hình như là ngân hàng thương mại. Sự phát triển của các phương thức thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt và vô cùng quan trọng, giúp cho thị trường vận hành nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phân loại
Các định chế tài chính có thể chia làm 2 nhóm: Định chế tài chính trung gian và Định chế tài chính bán trung gian.
Các định chế tài chính trung gian là các tổ chức tài chính đứng giữa các nguồn cung và nguồn cầu vốn với tư cách là một nhà đầu tư trung gian, nhằm giúp cho cung và cầu vốn có thể gặp nhau thông qua việc bán các tài sản tài chính của họ và mua các tài sản tài chính của chủ thể cầu vốn. Thực chất, đây chính là các giao dịch tài chính gián tiếp trên thị trường tài chính. Các định chế tài chính trung gian bao gồm:
– Các tổ chức nhận tiền gửi: Ngân hàng thương mại, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, ngân hàng tiết kiệm tương trợ, các liên hiệp tín dụng, hợp tác xã tín dụng
– Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng: Công ty bảo hiểm, quĩ trợ cấp
– Các trung gian đầu tư: Công ty tài chính, quĩ đầu tư.
Các định chế tài chính bán trung gian là những tổ chức đứng giữa các nguồn cung và nguồn cầu vốn với tư cách là một nhà môi giới, nhằm giúp cho cung và cầu vốn có thể gặp nhau.
Họ không tạo ra các tài sản tài chính của chính họ như các định chế tài chính trung gian. Họ chỉ giúp chuyển các tài sản tài chính từ người phát hành đến người cần mua, từ đó giúp chuyển vốn từ người có cung vốn đến người cần vốn. Liên quan đến các định chế tài chính bán trung gian, ví dụ như: công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)
>>>>>Xem thêm: Cách viết thư xin việc bằng tiếng Anh khiến NTD không rời mắt