Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)
Định nghĩa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếng Anh là Small and medium-sized enterprises – SME.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là các doanh nghiệp có tên riêng, có trụ sở giao dịch ổn định, có số lượng lao động ít và số vốn nhỏ, được đăng kí kinh doanh theo qui định của pháp luật nhằm thực hiên các hoạt động kinh doanh.
Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Có thể khái quát vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trên một số mặt sau:
– Thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư khá lớn trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lí.
– Đóng góp đáng kể cho hoạt động xuất khẩu, khơi dậy và làm sống lại nhiều làng nghề thủ công mĩ nghệ truyền thống.
– Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, khai thác được các tiềm năng về trí tuệ, tay nghề tinh xảo, vốn, bí quyết nghề nghiệp… trong nhân dân
– Bảo đảm công ăn việc làm cho một lượng lao động đáng kể, tạo ra thu nhập ổn định cho người lao động.
Nguyên tắc điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ba nguyên tắc điều hành doanh nghiệp nhỏ và vừa gói gọn trong cách viết tắt của doanh nghiệp nhỏ và vừa SME.
– Nguyên tắc thứ nhất: Tính bảo mật (S for Security)
Bảo mật là ưu tiên hàng đầu và trước hết của việc điều hành một doanh nghiệp.
– Nguyên tắc thứ hai: Tính di động (M for Mobility)
Nguyên tắc thứ hai là viết tắt của tính di động, vì SME được biết là có lợi thế về tính linh hoạt và khả năng đáp ứng.
– Nguyên tắc thứ ba: Tính hiệu quả (E for Efficiency)
Hiệu quả là linh hồn của sự xuất sắc, là đích đến của mọi doanh nghiệp.
(Theo HKT Enterprise Solutions, The Three Principles of Running a Small and Medium Enterprise)
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo qui mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỉ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỉ đồng.
2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỉ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo qui định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỉ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo qui định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỉ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo qui định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỉ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỉ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo qui định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Nghị định 39/2018/NĐ-CP)