Chuyện ngày xưa
Ai ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ chắc hẳn cũng quen thuộc với tục “cầm phan” khi người đã mất được 49 ngày. Những dấu ấn tuổi thơ của tôi gắn với những câu chuyện ma mãnh một thời người lớn hay kể cho chúng tôi nghe mỗi buổi tối khi đã hết việc.
– Đầu ngõ nhà mình có con ma lon, nó chạy nhanh lắm!
– Cây gạo đầu làng đầy ma, tối toàn nghe tiếng khóc!
Rồi tất thảy mấy đứa rúm ró nghe chuyện. Đứa nào đứa nấy xuýt xoa cho những câu chuyện huyền bí mà chúng nghe. Cả thế giới tâm linh của ông, của bà gửi gắm qua những chuyện tối muộn như vậy. Cho chúng tôi biết cuộc sống mình vốn đầy màu sắc.
Ngoài khoa học là cánh cửa của một thế giới khác, thế giới của những người đang sống cùng tôi. Sau này lớn lên, tôi vẫn giữ cho mình những câu chuyện ấy. Chuyện cha ông dù nhiều người vẫn nửa tin nửa ngờ, hay phản đối những thứ siêu hình như thế.
Có đợt nhà tôi tổ chức 49 ngày cho cụ. Sau những ngày đằng đẵng cách biệt, cái niềm tiếc nhớ mất đi người thân. Tôi lại háo hức một lần khi nghe bà kể là, cụ sẽ lên nói chuyện với con cháu bằng cành phan đỏ. Thứ sức mạnh vô hình khiến chúng tôi tin rằng, cả nhà sắp được hàn huyên sau sự ra đi đầy đau buồn ấy.
Nhà chùa thoang thoảng mùi hương. Các bà vãi ra đông lắm. Ai cũng áo nâu sòng trang nghiêm. Bà tôi ngồi ngay ngắn trước Tam Bảo, tay cầm “cành phan đỏ”. Tất cả im lặng hồi hộp, nhìn lên cành phan trang nghiêm mà cầu nguyện. Tất thảy chỉ “A di đà phật”, bà thầy ghé vào tai bà tôi đang trùm khăn đỏ, cành phan đỏ lắc lư trong tay bà. Ai cũng đổ dồn về bà tôi, tất cả đồng thanh: “Có phải cụ không, cụ lên tiếng về thăm con cháu”. Bà tôi bật khóc, nói giọng thều thào.
Thì ra là vậy, cành phan là nơi cư ngụ của người đã mất. Bấy lâu nay, tôi chỉ đọc qua sách báo nói về hiện tượng văn hóa này. À, mà đúng giọng của cụ, không sai tí nào. Cụ bảo không nói được nhiều, chỉ tiếc vì ra đi chưa kịp trăng trối lại với con cháu. Cụ khóc nhiều vì nhớ chúng tôi, dưới đó lạnh lắm, không ấm như ở nhà.
“Sinh ra hay chết đi giờ như dĩ vãng”
Rồi mọi người từng người một, cành phan đu đưa như cơn gió, sà vào từng con cháu trong nhà. Trong khoảnh khắc ấy thật lạ, giữa hai thế giới như có sự kết nối nào đó. Mà bà tôi sau tấm vải đó, trở nên giống cụ đến lạ thường. Được đôi lúc, cụ bảo mệt nên “thăng”, bà cũng ngã sõng soài ra đất. Cuộc kết nối âm dương kết thúc trong nước mắt.
Đã đi qua bao buồn vui kiếp sống, hết một đời người. Khi về với cứu huyền thất tổ, những người là ông bà mình vẫn không thôi tiếc thương con cháu. Tôi không biết về sự hiện diện đó có đúng hay không, khoa học có chấp nhận chúng hay không. Nhưng, sự tương phùng đặc biệt ấy, tôi cảm nhận được tình cảm gia đình.
Người tay bế tôi xa rồi, họ chỉ còn là một thế giới vô hình nhưng mãi mãi bên cạnh chúng ta. Và một lúc nào đó, người băng qua con đường chia hai thế giới ấy. Dù mọi thứ phai mờ nhưng tình cảm khi họ còn sống mãi mãi đong đầy. Tôi nhớ mãi giây phút dưới cành phan đỏ, sự chia ly như một sự tương phùng.
Thì ra, người ta chết đi không phải đi mãi mãi. Cửu huyền thất tổ luôn bên cạnh, che chở, bảo vệ chúng ta trong suốt những năm tháng dài. Dù ở thế giới nào, âm hay dương, tình cảm dành cho con cháu luôn là vô hạn. Dù không thể nhìn thấy, nghe thấy nhưng tim ta cảm nhận được đó là hạnh phúc.
…
Chúng ta không thể nào biết được!
Chúng ta chỉ có thể biết được chính mình và khó có thể biết được điều gì nơi người khác. Có lẽ sẽ tốt hơn là: Trước khi nhận định, phán xét một ai, chuyện gì, điều ta nên làm là nhìn lại chính mình đầu tiên. Tâm niệm trong ta thế nào thì cuộc sống của ta sẽ gần giống như vậy. Cũng giống như những người đi ra, khi sống họ tử tế, khuất bóng họ để lại sự tử tế. Dù có thể, bạn không tin vào những điều bạn thấy nhưng hãy tin vào những điều bạn làm. Khi soi chiếu dưới thiện tâm mỗi người!
Tôi vẫn nhớ, cụ về dưới cành phan đỏ, cụ chỉ khóc vì nhớ chúng tôi, chứ chưa hề khóc vì sự thiếu thốn nào ở một thế giới khác. Dù nơi ấy có lạnh lẽo, cô đơn hay thiếu thốn đủ thứ như chúng ta vẫn hay nghĩ.
Nhìn lại cuộc đời như những tán là trên cành. Ai cũng sẽ từ mầm xanh rồi khô héo. Dù thế nào, không ai cãi lại được tạo hóa, định mệnh của kiếp người. Hãy sống tốt khi còn có thể. Để khi băng qua con đường giữa hai thế giới, dưới cành phan đỏ ấy, chúng ta vẫn gặp nhau trong tình thương.
Chuyện tâm linh con người muôn hình, muôn vẻ. Người đời nói sống sao thác vậy. Vạn định con người cũng tùy mối nhân duyên. Sống gửi thác về, tôi lớn lên cũng tìm những kiến thức khoa học để giải thích phần nào những câu chuyện mà tôi hay được nghe. Nhưng, không hẳn cuộc sống ai cũng tin vào chuyện ma quỷ, chắc hẳn nhiều điều khoa học cũng không giải thích nổi. Đó là tùy thế giới quan mỗi người. Chỉ duy nhất một điều nhắc nhở chúng ta, dù thế giới nào, cửu huyền thất tổ luôn dõi theo bước chân chúng ta. Tình cảm ông bà luôn ở bên mỗi người dù sống hay đã họ mất. Hãy sống tốt bên nhau những giây phút trọn vẹn, dù sống hay chết, dù âm hay dương. Hãy luôn tử tế!
Dưới cành phan đỏ, không chỉ là ông bà mà là cả quê hương, cuộc sống, phong tục và những tình cảm đầy trân quý dạy chúng ta thế nào là “Tâm”!