DVD-ROM tốc độ cao – Báo Người lao động

Nhận diện DVD-ROM: DVD là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “digital video disc” (đĩa video kỹ thuật số) hay “digital versatile disc” (đĩa đa chức năng kỹ thuật số). Đây là thế hệ mới của công nghệ lưu trữ bằng đĩa quang. Nhờ sức chứa dữ liệu khổng lồ, nó mở ra nhiều khả năng mới trong việc lưu trữ dữ liệu. Với một đĩa có kích thước như CD, DVD có thể lưu trữ 4,7 GB dữ liệu trên một lớp/một mặt. Nếu là đĩa 2 lớp/2 mặt, chỉ một DVD là đủ chứa tới 17 GB dữ liệu.

Bạn cần phân biệt sự khác biệt giữa các định dạng vật lý (physical format) như DVD-ROM hay DVD-R với các định dạng ứng dụng (application format) như DVD-Video hay DVD-Audio. Trong khi DVD-ROM là định dạng cơ bản (để lưu trữ dữ liệu), DVD-Video (quen gọi là DVD) chứa các chương trình video, như các bộ phim. Tốc độ đọc dữ liệu cao nhất của ổ DVD-ROM hiện có trên thị trường Việt Nam là 16x. Ở DVD, trị số của x là 1,38 MBps (16x có nghĩa tốc độ truyền tải tối đa đạt khoảng 22 MBps). Trong trị số x ở CD-ROM chỉ là 150 KBps.

Các ổ DVD-ROM hầu như đều đọc được các định dạng của CD-ROM (như CD-R, CD-RW, VideoCD,…). Nhờ hạn chế của tốc độ đã được cải thiện, ổ DVD-ROM 16x có thể đọc DVD-ROM với tốc độ tối đa 16x và đọc CD-ROM với tốc độ tối đa 48x. Vì vậy, giờ đây, bạn chỉ cần gắn vào máy vi tính một ổ DVD-ROM là đủ. Tuy nhiên, xin lưu ý: Do đặc điểm của mình, các ổ DVD-ROM chỉ đọc tốt các đĩa chuẩn, đặc biệt là với các CD. Hiện tượng “kén đĩa” này của ổ DVD-ROM khó khắc phục hơn CD-ROM.

Mua DVD-ROM nào? : Có mấy nguyên tắc bạn cần nắm khi đi “tậu” ổ DVD-ROM. Tiền nào của nấy, hàng nguyên hộp đáng tin hơn hàng trần trụi (tray), hàng của các hãng đã nổi tiếng về ổ đĩa quang đáng tin cậy hơn của các nhà sản xuất lạ.

Sau quá trình sàng lọc của người tiêu dùng, hiện nay trên thị trường TPHCM hầu như chỉ còn lại các ổ DVD-ROM của các “đại gia” Sony, Asus, LG và Samsung, tất cả đều là hàng chính hãng và được bảo hành 12 tháng. Chúng đều có giao diện E-IDE/ATAPI với tốc độ đọc 16x (21.600 KB/s DVD-ROM) và 48x (7.200 KB/s CD-ROM), ngoại trừ ổ DVD của Sony chỉ đọc CD với tốc độ 40x (6.000 KB/s).

– Asus DVD-E616 (60,5 USD) được quảng cáo là nhanh nhất và có nhiều chức năng nhất. Nó cũng là ổ DVD-ROM duy nhất hiện nay hỗ trợ tốc độ giao tiếp UltraATA/100 (các ổ DVD-ROM khác vẫn ở lì mức UltraATA/33), nghĩa là có tốc độ truyền tải dữ liệu giữa DVD-ROM và máy vi tính lên tới 99,9 MB/s. Thời gian truy xuất data trên đĩa cũng nhanh (DVD: 105 ms (1 ms bằng 1/1.000 giây) và CD: 85 ms). Ngoài các định dạng đĩa phổ biến như các ổ DVD khác, ổ Asus này còn hỗ trợ các chuẩn DVD mới nhất DVD-R/RW, DVD+RW. Ổ DVD này có 2 chức năng khác là hệ thống treo động lực kép thế hệ thứ 2 (DDSS II) giúp chống rung và ồn. Công nghệ tự động điều chỉnh tốc độ thông minh (AIASAT) sử dụng trí thông minh nhân tạo để giúp ổ DVD-ROM tự động thay đổi tốc độ theo tình trạng vật lý và chất lượng ghi của đĩa, cũng như tùy theo định dạng đĩa. Nó có thể thay đổi vòng quay của mô-tơ giúp làm nhẹ gánh CPU và giảm tiếng ồn không cần thiết.

– LG DRD-816B (giá 60 USD) hỗ trợ giao diện UltraATA/33 (tốc độ truyền tải data 33,3 MB/s). Với DVD, nó hỗ trợ các định dạng DVD-R/RW, DVD-ROM, DVD-Video. Thời gian truy xuất data DVD: 120 ms và CD: 100 ms.

– Samsung SD-616 T (giá 48 USD) có các chức năng riêng: Sử dụng đầu đọc mặt nạ hình khuyên (AML), tối ưu hóa chất lượng âm thanh với hệ thống giảm ồn âm thanh (ARS) và chống rung bằng hệ thống tự động cân bằng đĩa (ABBS). Với DVD, nó chỉ hỗ trợ các định dạng DVD-ROM, DVD-R, DVD-Video. Thời gian truy xuất data DVD: 100 ms và CD: 90 ms.

– Sony DDU-1621 (giá 52 USD) có thời gian truy xuất dữ liệu: DVD: 100 ms và CD: 85 ms. Đây là ổ DVD hỗ trợ nhiều định dạng đĩa nhất. Với DVD, nó hỗ trợ DVD-ROM, DVD-Video, DVD-R/RW và DVD+RW. Ổ DVD-ROM của Sony ít kén đĩa, có dàn cơ và mắt laser bền, có gioăng cao su ở khay để chống bụi, chạy rất êm, phát AudioCD và VideoCD/DVD-video với chất lượng âm thanh và hình ảnh tuyệt vời.

Kết luận: Hai ổ DVD-ROM được đánh giá cao nhất và được người tiêu dùng ưa chuộng nhất là Sony DDU-1621 và Asus DVD-E616. Tuy nhiên, ổ Sony có phần trội hơn do giá rẻ hơn, ít kén đĩa hơn, cho chất lượng âm thanh và hình ảnh “đã” hơn. Có một điều xin mách nhỏ với bạn: cùng một Audio CD hay Video CD, nhưng chơi trên ổ DVD-ROM vẫn “đã ngứa” cả mắt lẫn tai hơn là dùng ổ CD-ROM.

Thêm một điều mà bạn cần lưu ý: Do tuân thủ luật bản quyền, các ổ DVD-ROM chỉ cho phép chỉnh sửa mã vùng (Region Code) tối đa là 5 lần và sẽ giữ chết mã vùng của lần thứ 5 làm mặc định. Vì thế bạn không nên táy máy thay đổi mã vùng trong các phần mềm DVD Player. Trong trường hợp lỡ tay điều chỉnh sai, bạn có thể tìm kiếm trên Internet các patch để can thiệp vào firmware của ổ DVD-ROM để mở khóa. Cũng có những phần mềm như DVD Genie, Drive Region Info, Remote Selector, Universal Selector, Zone Selector… có thể giúp bạn giải quyết các ổ DVD-ROM đã lỡ bị khóa sai mã vùng. Bạn có thể tham khảo ở địa chỉ sentayho.com.vn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *