Fluor có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa sâu răng, tái khoáng men răng làm răng cứng chắc hơn.
Cơ chế hoạt động của Fluor trong phòng ngừa sâu răng
-
Lớp men răng có thành phần chủ yếu là apatit (96%). Việc khuếch tán liên tục Fluor nồng độ thấp (không mùi không vị) vào xoang miệng làm thúc đẩy quá trình tái khoáng men răng.
-
Fluor biến các apatit thành fluoroatit làm men răng cứng chắc và giảm khả năng hòa tan.
-
Fluor ức chế quá trình chuyển hóa đường của vi khuẩn (quá trình này làm biến đổi đường thành axit dưới tác động của vi khuẩn) nên có tác dụng phòng ngừa sâu răng.
Tình trạng thiếu và thừa Fluor trong cơ thể
Thiếu Fluor
Nguyên nhân: Mối tương quan đảo ngược giữa nước uống và tình trạng sâu răng đã được xác định. Khi lượng fluor trong nước 0,5mg/l thì thường xảy ra các biểu hiện thiếu fluor, gây nguy cơ sâu răng, loãng xương.
Biểu hiện: Các răng sâu được kiểm nghiệm thấy rõ lượng flour thấp hơn hẳn so với các răng bình thường. Thiếu fluor nên mức độ bảo vệ răng trước ảnh hưởng của axit hữu cơ hòa tan giảm hẳn xuống.
Tuy Fluor giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em từ 20 – 40% nhưng không loại trừ được hoàn toàn sâu răng do còn có vai trò của các loại đường, vấn đề vệ sinh răng miệng. Tuy vậy, vai trò quan trọng của fluor là không thể phủ nhận. Khi nhận thấy tình trạng sâu răng do thiếu fluor, cần nhanh chóng bổ sung thêm fluor trong khẩu phần ăn, nước uống.
Thừa Fluor
Nguyên nhân: Tình trạng thừa fluor thường xuất hiện ở những vùng có lượng fluor cao trong đất và nước. Việc dung nạp quá nhiều fluor vào cơ thể hoặc sống trong vùng ô nhiễm fluor đều có thể xảy ra hiện tượng ngộ độc, hủy hoại men răng.
Biểu hiện: thiểu sản men răng (men răng vàng), trên răng có vạch vàng, đốm trắng với kích thước to dần, chuyển dần từ màu xám sang vàng. Trên men răng cũng xuất hiện các rãnh bờ bị ăn mòn làm răng trở lên dễ vỡ. Bệnh chỉ gây tổn thương ở các răng vĩnh viễn.
Ngoài ra ở các vùng công nghiệp hay sử dụng fluor vào công nghệ sản xuất (như sản xuất nhôm, magie, xi măng, phân bón…), các chất thải bỏ của nhà máy super – photpho cũng làm tăng lượng fluor trong không khí, đất, nước và rau quả tại khu vực đó. Việc nhiễm độc fluor ngoài việc gây ra các biến đổi với răng còn gây ra những rối loạn chuyển hóa canxi photphat khiến xương biến dạng, dễ gãy.
Nếu người bệnh thường xuyên dùng nước có nồng độ fluor lớn hơn 4ppm sẽ bị nhiễm fluor, 5 – 8ppm sẽ tổn hại cơ xương (với 10% xơ cứng xương), 50ppm sẽ gây tổn thương tuyến giáp, 100ppm làm cơ thể chậm phát triển, 125ppm tổn thương thận và 10 – 80mg/ngày sẽ gây cứng khớp. Như vậy, mức độ ảnh hưởng của fluor do liều dùng quyết định.
Dấu hiệu quá liều Fluor và biện pháp xử trí
Giới hạn cho phép của Fluor trong khẩu phần ăn là 2,4 – 4,8mg/kg thực phẩm hoặc các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. Giới hạn cho phép Fluor có trong nước ăn sinh hoạt hàng ngày là 1,2mg/l. Nếu bổ sung Fluor quá giới hạn sẽ dẫn đến tình trạng thừa fluor gây độc.
Nếu nuốt phải Natri flour 0,2% bệnh nhân trải qua các triệu chứng trúng độc như: cảm nhận được vị mặn, mùi xà phòng; miệng tiết nhiều nước bọt, cảm giác buồn nôn, đau thắt ở bụng sau đó ói mửa, khát nước và vã mồ hôi. Đối với trường hợp này cần phải cấp cứu bằng cách cho nạn nhân uống thật nhiều sữa, dùng ngón tay đưa sâu vào họng ấn đáy lưỡi kích thích cho nôn ói càng nhiều càng tốt. Các trường hợp nặng hơn cần được chuyển đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất.
Tóm lại, như bất cứ chất dinh dưỡng nào, fluor cần được bổ sung hàng ngày với liều lượng vừa đủ. Hãy cho trẻ ăn uống đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, giúp trẻ thực hiện các biện pháp vệ sinh nói chung, trong đó có vệ sinh răng miệng như biết chải răng với kem đánh răng đúng cách, đúng lúc.
Phương pháp bảo vệ răng bằng Fluor
Đối với trẻ từ khi mới sinh đến 7,8 tuổi, fluor thường được hấp thu thông qua nước uống, sữa, muối viên…và từ từ ngấm vào men răng. Sau 8 tuổi trở đi, nếu dùng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có pha fluor thì các ion fluor sẽ ngấm thêm vào men răng cho đến khi 15 tuổi. Như vậy Fluor có khả năng ngấm vào men răng tốt nhất là từ 7 – 15 tuổi.
Để phòng ngừa sâu răng do thiếu Fluor, người ta thường bổ sung thêm fluor qua đường miệng và thực phẩm ăn uống.
-
Tất cả các loại kem đánh răng được lưu hành trên thị trường đều chứa fluor để bổ sung thêm chất khoáng cần thiết này. Thuốc đánh răng có fluor nên được dùng hàng ngày, tối thiểu 2 lần/ ngày.
-
Mọi người được khuyến khích nên súc miệng bằng nước có fluor tối thiểu mỗi tuần/ lần.Khi súc miệng nên ngậm dung dịch trong 2-3 phút để fluor có thể ngấm vào răng. Sau khi súc miệng trong vòng 30 phút không nên ăn uống để không làm mất tác dụng của fluor trên bề mặt răng.
-
Một số thành phố đã đề ra biện pháp tăng lượng fluor có trong nước ăn sinh hoạt. Nếu dùng nước giếng mà thấy răng bị đổi màu nhiều thì nên kiểm tra lượng fluor có trong nước.
Các thực phẩm cung cấp fluor
-
Trà xanh, trà đen được coi là thực phẩm giàu flour tự nhiên nên được bổ sung hàng ngày để có hàm răng chắc khỏe.
-
Các loại nho khô lẫn nho tươi đều là thực phẩm chứa nhiều fluor. Mỗi ngày bạn có thể uống 1 ly nước ép nho để giúp răng chắc khỏe. Ăn nho khô còn giúp giảm táo bón, ngăn ngừa thiếu máu, sốt và rối loạn chức năng sinh lý.
-
Các hải sản như tôm, cua, hàu đều chứa vi chất fluor do hàm lượng fluor có sẵn trong nước. Ngoài ra chúng còn giàu protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
-
Rượu vang trắng có chứa khoảng 0,06 miligam flour nên bạn có thể cung cấp thêm fluor cho cơ thể thông qua việc dùng 2 ly vang trắng mỗi ngày.
-
Khoai tây cung cấp khoảng 0,14 miligam fluor, có thể chế biến đa dạng thêm trong khẩu phần ăn hàng ngày.
-
Các loại rau quả như rau xanh, bắp cải, súp lơ, cà chua, cà rốt, dưa chuột, đậu…đều là nguồn cung cấp fluor hiệu quả.
- Lấy cao răng có ảnh hưởng gì đến răng không?
- Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng độ tuổi
- Cách xử lý khi bị ê buốt chân răng