Giao tiếp sư phạm là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển nhân cách của thầy và trò

(ĐHVH)- Tâm lý, nhân cách con người hình thành và phát triển trong quá trình con người tiếp thu kinh nghiệm xã hội lịch sử do loài người tích lũy được, biến những tri thức đó thành cái riêng (tâm lý, nhân cách) của mỗi người, nhờ đó con người có khả năng tác động vào hoàn cảnh và tác động vào chính mình trong quá trình vận động và phát triển của xã hội và bản thân.

Giao tiếp sư phạm (GTSP) là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách người thầy giáo và học sinh. Trong quá trình giao tiếp này người thầy sẽ truyền thụ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm của xã hội, bản thân….để học sinh tiếp thu và dần dần bồi dưỡng cho nhân cách phát triển tích cực. Bản thân người giáo viên khi trao đổi, chia sẻ với trò sẽ tự rút ra những phẩm chất cần bồi đắp thêm để hoàn thiện nhân cách, tâm lý cho chính mình.

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần hiểu được nội hàm khái niệm giao tiếp sư phạm là gì?

Về khái niệm GTSP, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong nội hàm khái niệm. Đã có nhiều tác giả, trong nhiều cuốn sách đã được xuất bản, đưa ra các khái niệm theo quan điểm riêng với nhiều điểm khác nhau và có phạm vi khác nhau.

Nhìn chung khi nghiên cứu về khái niệm GTSP thì từ trước tới nay có thể hệ thống theo hai xu hướng sau:

+ Xu hướng thứ nhất: các tác giả theo hướng này thường bó hẹp phạm vi của GTSP vào trong việc giảng dạy, truyền thụ tri thức sao cho hoạt động này diễn ra có hiệu quả. Đồng thời hạn chế đối tượng chỉ là HS. Hay nói cách khác, họ cho rằng GTSP là phương tiện để thực hiện hoạt động dạy – giáo dục của người GV. Đại diện là N.D. Levitốp với quan niệm: “Giao tiếp sư phạm là năng lực truyền đạt tri thức cho trẻ bằng cách trình bày rõ ràng, hấp dẫn”.

Ph.N. Gônôbôlin thì cho rằng: “Giao tiếp sư phạm là năng lực truyền đạt một cách dễ hiểu để các em học sinh nắm vững và ghi nhớ tốt tài liệu”.

Hay A.I. Secbacov quan niệm: “Năng lực giao tiếp sư phạm giúp xác lập nên mối quan hệ qua lại đúng đắn với trẻ, sự khéo léo đối xử sư phạm, việc tính toán tới đặc điểm cá nhân và lứa tuổi”.

Tác giả A.A.Lêônchiev lại cho rằng “Giao tiếp sư phạm đó là giao tiếp nghề nghiệp của giáo viên với học sinh trong và ngoài giờ học (trong quá trình giảng dạy và giáo dục), có những chức năng sư phạm nhất định (nếu giao tiếp là trọn vẹn và tối ưu) nhằm tạo ra bầu không khí thuận lợi cũng như sự tối ưu khác về tâm lý cho quá trình học tập, cho việc xây dựng mối quan hệ giữa thầy và trò, cũng như trong nội bộ tập thể học sinh”

Như vậy, nhìn chung các tác giả theo xu hướng này đều cho rằng GTSP là một nhân tố rất quan trọng trong việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của người GV. Tuy nhiên, các tác giả chỉ bó hẹp chủ thể giao tiếp là người GV. Trên thực tế, để dạy học và giáo dục cho HS nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách HS thì đòi hỏi khi thực hiện hoạt động dạy học và giáo dục của mình thì người GV phải biết kết hợp với các đồng nghiệp, với gia đình HS và các lực lượng xã hội khác, tức các chủ thể giáo dục khác.

Như vậy, các định nghĩa theo hướng này đã làm hẹp nội hàm khái niệm GTSP.

+ Xu hướng thứ hai: các tác giả theo hướng này đã tiếp thu và khắc phục những hạn chế của hướng trên và mở rộng phạm vi nghiên cứu GTSP và đã đưa ra được những định nghĩa bao quát hơn. Và đồng thời cũng nhấn mạnh hơn đến bản chất và chức năng của GTSP.

Tác giả Ngô Công Hoàn quan niệm “Giao tiếp giữa con người với con người trong hoạt động sư phạm được gọi là giao tiếp sư phạm”.

Theo tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình trong luận án Phó tiến sĩ khoa học đã đưa ra khái niệm: Giao tiếp sư phạm là quá trình tiếp xúc tâm lý, trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin, cảm xúc, nhận thức và tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nhằm thiết lập nên những mối quan hệ giáo dục giữa nhà giáo dục với đối tượng giáo dục, giữa nhà giáo dục với các lực lượng giáo dục, giữa các nhà giáo dục với nhau để thực hiện mục đích giáo dục”. Theo tác giả, thì trong hoạt động GTSP, nổi lên không chỉ có mối quan hệ giữa GV – HS mà còn có cả mối quan hệ giữa GV – các lực lượng giáo dục, giữa GV – GV. Như vậy, tác giả đã mở rộng phạm vi chủ thể giao tiếp trong hoạt động sư phạm của mình.

Như vậy, các tác giả theo hướng này đã có quan niệm bao quát hơn về GTSP. Chủ thể GTSP không còn bó hẹp là GV mà là tất cả các lực lượng có liên quan đến việc giáo dục HS. Đồng thời, mục tiêu cuối cùng của GTSP không phải chỉ là sự truyền đạt tri thức một cách có hiệu quả mà còn nhằm thiết lập các mối quan hệ sư phạm và phát triển nhân cách HS. Do đó, GTSP còn là quá trình trao đổi thông tin, tiếp xúc tâm lý, tình cảm, nhận thức, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các chủ thể tham gia giao tiếp.

Khi tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng các khái niệm theo hướng thứ hai đã thể hiện khá đầy đủ và bao quát về GTSP. Do vậy, trong đề tài này, chúng tôi đồng tình theo hướng này.

Sau khi phân tích và tiếp thu các khái niệm về GTSP, chúng tôi thấy rằng nội hàm của khái niệm GTSP có các ý sau:

– GTSP là một phạm trù tương đối độc lập và gắn bó chặt chẽ với hoạt động sư phạm: nó vừa là điều kiện của hoạt động sư phạm vừa là một thành tố của hoạt động sư phạm. Do vậy, GTSP là mặt bản chất của quá trình sư phạm.

– GTSP là một quá trình tiếp xúc tâm lý giữa các chủ thể giáo dục với nhau và với đối tượng giáo dục (HS) nhằm đạt được mục đích giáo dục nhất định.

Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng khái niệm GTSP như sau:

GTSP là quá trình tiếp xúc tâm lý, trong đó diễn ra sự trao đổi thông tin, cảm xúc, nhận thức và tác động, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nhằm thiết lập nên những mối quan hệ giáo dục giữa các chủ thể liên quan đến quá trình giáo dục và giữa chủ thể giáo dục với đối tượng giáo dục để thực hiện mục đích giáo dục.

* Chủ thể của giao tiếp sư phạm

GTSP với đặc thù vừa là điều kiện vừa là phương tiện để nhà sư phạm thực hiện hoạt động sư phạm của mình nên chủ thể của GTSP là các nhà sư phạm trực tiếp tham gia quá trình giáo dục HS. Tuy nhiên, để có thể giáo dục HS thì nhà sư phạm phải kết hợp với các lực lượng giáo dục khác như các đoàn thể, phụ huynh HS, các tổ chức xã hội khác. Do đó, GTSP có chủ thể là toàn bộ các lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục. Tuy nhiên, nhà sư phạm có vị trí chủ chốt trong hoạt động giáo dục nói chung và GTSP nói riêng. Do đó, để giáo dục HS tốt thì đòi hỏi nhà sư phạm phải hết sức tinh tế trong khi giao tiếp và phải có phương pháp GTSP khoa học phù hợp với đối tượng, mục đích và hoàn cảnh giao tiếp.

Trong khi thực hiện hoạt động sư phạm, các nhà sư phạm giao tiếp với nhau, giao tiếp với các lực lượng giáo dục khác nhằm giáo dục HS nên HS vừa là đối tượng của hoạt động sư phạm lại vừa là đối tượng của hoạt động GTSP. Tuy nhiên, trong khi giao tiếp thì HS cũng là chủ thể. Vì vậy, HS cũng có những nhận xét, những đánh giá mang tính chủ quan và dựa vào trình độ nhận thức của các em về đối tượng giao tiếp. Việc đánh giá đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động học tập mà còn ảnh hưởng đến quá trình hình thành và rèn luyện nhân cách của HS. Do vậy, khi giao tiếp với HS thì nhà sư phạm cần hết sức khéo léo và mô phạm.

* Nội dung và phương tiện trong quá trình GTSP giữa thầy giáo và học sinh.

+ Tri thức và phương thức giành lấy tri thức (thông qua hình thức dạy học).

Theo nghĩa rộng, tri thức là những hiểu biết, những kinh nghiệm mà loài người đã tích lũy về tất cả các mặt như tự nhiên, xã hội, con người v.v… Hay nói cách khác tri thức là toàn bộ nền văn hóa của nhân loại đã được tích lũy theo thời gian. Trong dạy học thì tri thức là kiến thức đã được kiểm nghiệm, được đánh giá, được chứng minh là khoa học và đúng đắn nên những tri thức đó được gọi là những tri thức khoa học. Còn những kiến thức khác được gọi là tri thức thông thường.

Bản chất của quá trình dạy học là quá trình tổ chức, điều khiển, điều chỉnh hoạt động học của HS nhằm tái tạo lại tri thức mà loài người đã phát hiện ra từ đó làm tâm lý trò phát triển.

Trong dạy học GV sử dụng hệ thống tri thức làm phương tiện, bằng các phương pháp dạy học khoa học để tác động tới HS, giúp các em hiểu và vận dụng được các tri thức đó vào trong hoạt động học và vào ngay cuộc sống thường ngày của các em. Do đó, tri thức đối với GV là một công cụ then chốt trong quá trình dạy học. Đồng thời tri thức đó cũng là đối tượng cơ bản và chủ yếu mà HS cần chiếm lĩnh thông qua hoạt động học. Nhờ có việc tiếp thu, lĩnh hội nắm vững và vận dụng các tri thức này một cách tích cực, chủ động, tự giác vào trong hoạt động sống của mình mà HS có thể hình thành kỹ năng, năng lực và phát triển nhân cách tốt đẹp. Hơn nữa, khi thực hiện hoạt động học, HS lại lấy các tri thức đã lĩnh hội làm phương tiện để nhận thức, đánh giá và bổ trợ cho các tri thức các em đang cần chiếm lĩnh. Do đó, trong dạy và học, GV và HS đều lấy tri thức làm nội dung và phương tiện cho giao tiếp của mình.

Trong dạy học, GV không chỉ sử dụng các tri thức khoa học làm phương tiện để dạy học mà ngay cả những tri thức thông thường mà họ tiếp thu, học hỏi trong cuộc sống cũng được GV sử dụng như phương tiện bổ trợ cho bài giảng của mình. Đồng thời từ việc giảng dạy, GV lại tự nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp thu các tri thức về khoa học cũng như về đời sống để hoàn thiện hơn nữa hoạt động dạy của mình, làm cho bài giảng sâu sắc hơn, dễ hiểu hơn và khoa học hơn.

Tri thức được giảng dạy trong hoạt động sư phạm không chỉ là những tri thức đã được hệ thống hóa trong sách giáo khoa, trong tài liệu về các mặt của đời sống mà còn là cả những tri về bản thân của hoạt động dạy học như cách dạy và học, phương pháp giành lấy tri thức tối ưu v.v.. những tri thức này góp phần không nhỏ vào hiệu quả của hoạt động dạy và học.

Tóm lại, hệ thống tri thức trong quá trình dạy học rất rộng lớn, đa dạng và sâu sắc. Đòi hỏi GV và HS phải có sự chủ động, tích cực và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để nắm vững các tri thức cơ bản, vận dụng được vào hoạt động của mình và mở rộng được các kiến thức khác nhằm hình thành và phát triển nhân cách của bản thân theo yêu cầu của xã hội, làm cho GV trở thành người vừa “hồng” vừa “chuyên”, còn HS vừa có hiểu sâu biết rộng lại hình thành cho bản thân những kỹ năng, kỹ xảo tương ứng với những tri thức đã được tiếp thu.

+ Phẩm chất đạo đức của nhân cách người thầy giáo với tư cách là một phương tiện trong quá trình GTSP.

Trong dạy học, người GV không chỉ sử dụng các tri thức, kinh nghiệm của loài người tích lũy được làm phương tiện giúp HS hình thành và phát triển nhân cách của mình mà ngay bản thân người GV với những phẩm chất, năng lực của mình chính là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của HS. Đặc biệt HS chịu ảnh hưởng rất lớn từ những phẩm chất đạo đức của người thầy mà dạy các em. Do đó GV được coi là tấm gương lớn cho HS soi mình vào đó mà học tập và tu dưỡng đạo đức bản thân.

Phẩm chất đạo đức của người GV thể hiện trong cái tâm của họ. Mỗi thầy, cô giáo phải luôn thể hiện rõ cái tâm trong sáng trong nghề nghiệp. Cái tâm của người thầy, giáo được biểu hiện ở sự gần gũi, tận tình trong dạy bảo HS trong mọi lúc, mọi nơi mà không quản ngại gian nan, khó nhọc. Cái tâm trong sáng còn được thể hiện ở sự công bằng, vô tư trong đánh giá đối với HS mà không bị khúc xạ bởi những cám dỗ vật chất tầm thường.

Cái tâm trong sáng của người thầy còn được thể hiện ở lòng dũng cảm, sự kiên quyết trong đấu tranh chống cái xấu, cái sai trong xã hội, những tiêu cực lệch lạc trong suy nghĩ và hành động của những đồng nghiệp và trong chính bản thân mình.

Trong GTSP, mỗi cử chỉ, điệu bộ, thái độ và hành vi ứng xử cũng như lời nói của GV đều được HS coi như những chuẩn mực để các em học tập và làm theo. Vì vậy, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, mỗi người thầy giáo hôm nay phải không ngừng tự đổi mới, tự rèn luyện đạo đức, tác phong mẫu mực của nhà giáo để mỗi người thầy thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức cho HS noi theo.

GTSP có vai trò quan trọng trong hoạt động sư phạm nói chung và trong việc hình thành nhân cách người GV và HS nói riêng.

Cuộc đời đi học trong nhà trường của mỗi người kéo dài trên dưới 20 năm và trong khoảng thời gian đó, mỗi cá nhân với tư cách là người học hay còn gọi là học sinh, được tiếp xúc, học hỏi với rất nhiều nhà giáo dục khác nhau và ở các trình độ khác nhau, bao gồm từ GV trực tiếp giảng dạy, các nhà quản lý giáo dục cho đến các lực lượng giáo dục khác. Vì vậy, trong hoạt động sư phạm, GTSP của nhà giáo dục với HS nhằm mục đích giúp HS tiếp thu những tri thức khoa học trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống mà loài người đã tích lũy được theo phương pháp nhà trường. Qua đó các loại tri thức mà HS đã tiếp thu trở thành công cụ, phương tiện tác động vào thế giới xung quanh, đồng thời tác động vào bản thân mỗi HS. Trong quá trình đó, các phẩm chất và năng lực (nhân cách) từng bước được hình thành và phát triển ngày càng ở trình độ cao hơn, hoàn thiện hơn đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự phát triển xã hội và phát triển cá nhân. Nói cách khác, GTSP là điều kiện không thể thiếu thực đẩy sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện của HS, đảm bảo cho các em một cuốc sống thực sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Theo nghĩa đó, sẽ là bất hạnh nếu trẻ em vì một lý đi nào đó mà không được tới trường, không có cơ hội GTSP với thầy, cô giáo – đại diện cho giao tiếp của xã hội đối với HS.

Trong GTSP, GV có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với các chủ thể giáo dục khác và với lớp lớp các thế hệ HS. Vì vậy, GV ngày càng thấu hiểu trọng trách của mình đối với việc góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Và từ đó họ càng yêu tha thiết nghề nghiệp, làm việc hết mình vì HS thân yêu, không ngại gian khổ, hy sinh vươn lên trau dồi năng lực và phẩm chất mẫu mực của nhà giáo. Nói cách khác, GTSP với HS và các lực lượng giáo dục khác trở thành điều không thể thiếu và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách tốt đẹp của nhà giáo. Thông qua GTSP, GV có thể đánh giá được những mặt mạnh cũng như hạn chế của mình về ngôn ngữ, về trình độ chuyên môn và xã hội, về kinh nghiệm, vốn sống của bản thân so với các đối tượng đó. Từ đó, họ sẽ tìm mọi biện pháp khắc phục những nhược điểm và trau dồi những tri thức cũng như rèn luyện cho mình cách thức ứng xử, giao tiếp sao cho phù hợp với đối tượng, đạt hiệu quả giao tiếp đồng thời khẳng định được bản thân. Vì thế, GV có thể ngày càng hoàn thiện PCGTSP của bản thân nói riêng cũng như nhân cách nói chung.

Giảng viên: Trần Thị Phương Thảo (Khoa: LLCT và Khoa học cơ bản )

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *