Hiện diện thương mại là gì?

Hiện diện thương mại không còn là khái niệm xa lạ trên thị trường, đặc biệt là trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết rõ về khái niệm này. Vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi xin cung cấp cho Quý vị những thông tin liên quan đến hiện diện thương mại như: Hiện diện thương mại là gì? Các hình thức hiện diện thương mại phổ biến và những lưu ý cho doanh nghiệp khi cung ứng dịch vụ qua phương thức này.

Hiện diện thương mại là gì?

Hiện diện thương mại là phương thức cung ứng dịch vụ của một thành viên, thông qua việc thành lập một hiện diện thương mại ở lãnh thổ của một nước thành viên khác theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều I Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO.

Về cơ bản, phương thức cung ứng này là hoạt động đầu tư và nó tạo thành phần cốt yếu của thương mại dịch vụ.

Để giúp Quý vị hiểu rõ hơn hiện diện thương mại là gì? trên thực tế, chúng tôi sẽ đưa ra ví dụ cụ thể: Công ty Honda Nhật Bản thành lập các chi nhánh bán xe máy, linh kiện và phụ tùng của hãng trên lãnh thổ Việt Nam

Hiện diện thương mại tiếng Anh là gì?

Hiện diện thương mại tiếng Anh là Commercial presence.

Hiện diện thương mại có những đặc điểm gì?

– Dịch vụ có sự dịch chuyển qua biên giới nhưng người cung ứng dịch vụ không nhất thiết phải di chuyển sang lãnh thổ quốc gia khác.

– Khi thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ quốc gia phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật của quốc gia đó đối với từng hình thức hiện diện thương mại cụ thể trong từng ngành, nghề kinh doanh.

Các hình thức hiện diện thương mại phổ biến gồm những hình thức nào?

– Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC): là sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, theo đó các bên cùng kinh doanh, góp vốn, phân chia lợi nhuận và chịu rủi ro chung mà không thành lập một pháp nhân mới.

Hình thức này cho phép các bên hoạt động với tư cách pháp lý độc lập, linh hoạt giải quyết vấn đề nhưng vẫn có thể hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

– Công ty có vốn đầu tư nước ngoài: Là doanh nghiệp được thành lập dựa trên sự góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào từng ngành, nghề kinh doanh mà Nhà nước cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc bát buộc liên doanh với thương nhân Việt Nam theo một tỷ lệ vốn góp nhất định.

– Chi nhánh: Là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

– Văn phòng đại diện: Là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.

Khi thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ quốc gia khác, các doanh nghiệp cần lưu ý về những vấn đề gì?

Thứ nhất: Doanh nghiệp phải xem xét liệu một quốc gia có cho phép thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ quốc gia đó hay không căn cứ vào biểu cam kết của từng quốc gia trong WTO và pháp luật của quốc gia đó.

Thứ hai: Doanh nghiệp phải lưu ý các điều kiện về tiếp cận thị trường để có thể thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ quốc gia đó.

Theo đó, các quốc gia sẽ được phép đưa ra các hạn chế tiếp cận thị trường được quy định tại khoản 2 Điều XVI hiệp định GATS vào trong phần cam kết cụ thể của biểu cam kết trong WTO để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Các hạn chế đó bao gồm:

+ Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ theo phương thức này

VD: Đối với Dịch vụ vận tải hàng hóa, trừ vận tải nội địa (CPC 7212), Việt Nam quy định số lượng liên doanh do các công ty vận tải biển nước ngoài được phép thành lập tại thời điểm gia nhập không được vượt quá 5. Sau đó, cứ hai năm một sẽ cho phép thêm 3 liên doanh. Sau 5 năm kể từ khi gia nhập, không hạn chế số lượng liên doanh.

+Hạn chế tổng trị giá các giao dịch về dịch vụ hoặc tài sản của hiện diện thương mại

VD: Trong ngành Dịch vụ tài chính, đối với dịch vụ Cho vay dưới tất cả các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng cầm cố thế chấp, bao thanh toán và tài trợ giao dịch thương mại, Trong vòng 5 năm kể từ ngày gia nhập WTO, Việt Nam có thể hạn chế quyền của một chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi bằng Đồng Việt Nam từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo mức vốn mà ngân hàng mẹ cấp cho chi nhánh phù hợp với lộ trình:

– Ngày 1 tháng 1 năm 2007: 650% vốn pháp định được cấp;

– Ngày 1 tháng 1 năm 2008: 800% vốn pháp định được cấp;

– Ngày 1 tháng 1 năm 2009: 900% vốn pháp định được cấp;

– Ngày 1 tháng1 năm 2010: 1000% vốn pháp định được cấp;

– Ngày 1 tháng 1 năm 2011: Đối xử quốc gia đầy đủ.

+ Hạn chế về tổng số lao động được phép tuyển dụng của hiện diện thương mại trong một số lĩnh vực dịch vụ cụ thể.

VD: Đối với ngành Dịch vụ vận tải, cụ thể là Dịch vụ vận tải hành khách, trừ vận tải nội địa (CPC 7211) thì:

Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên các tàu biển treo cờ Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số không vượt quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.

+ Các biện pháp hạn chế hình thức hiện diện thương mại cụ thể

VD: Đối với Dịch vụ pháp lý ( CPC 861), tổ chức luật sư nước ngoài chỉ được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức: Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài; Công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài; Công ty luật nước ngoài và Công ty hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam

+ Hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài bằng việc quy định tỷ lệ phần trăm tối đa cổ phần của bên nước ngoài hoặc tổng trị giá đầu tư nước ngoài tính đơn hoặc tính gộp

VD: Đối với Dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp (CPC 881), Việt Nam chỉ cho phép thành lập liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh trong đó phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá51% vốn pháp định của liên doanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các điều kiện khác được quy định cụ thể đối với từng ngành, nghề kinh doanh trong pháp luật quốc gia.

Thứ ba: Doanh nghiệp cũng phải lưu ý trình tự, thủ tục để thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ quốc gia đó.

Mọi thắc mắc liên quan đến bài viết Hiện diện thương mại là gì?, Quý độc giả vui lòng liên hệ qua số 1900 6557 để được hỗ trợ nhanh chóng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *