Hiệp sĩ trắng (White Knight)
Định nghĩa
Hiệp sĩ trắng trong tiếng Anh là White Knight. Hiệp sĩ trắng có thể dùng để chỉ một tổ chức, công ty hoặc cá nhân có kế hoạch giúp đỡ tổ chức, công ty hay cá nhân khác.
Cũng có thể hiểu rằng:
Hiệp sĩ trắng là người chống lại sự mua bán thù dịch (Hostile takeover) bằng cách đưa ra những đề nghị công bằng đối với công ty mục tiêu đang bị một thế lực thù địch thâu tóm (thế lực này được biết đến như những hiệp sĩ đen – Black knight).
Hiệp sĩ trắng là người cứu một công ty đang có nguy cơ bị mua lại quyền kiểm soát bởi một công ty khác.
Như vậy, có thể rút ra một số đặc trung cơ bản như sau
– Hiệp sĩ trắng là người chống lại sự tiếp quản thù địch, theo đó một công ty thân thiện sẽ mua công ty mục tiêu thay vì một công ty không thân thiện.
– Trong khi công ty mục tiêu vẫn mất đi sự độc lập, tự chủ, sự tiếp quản của hiệp sĩ trắng dù sao cũng có lợi hơn cho các cổ đông và hoạt động kinh doanh cốt lõi.
– Hiệp sĩ trắng là một trong những chiến lược mà một công ty có thể sử dụng để cố gắng ngăn chặn sự tiếp quản thù địch.
Các thuật ngữ liên quan
– Công ty mục tiêu (Target company): là đối tượng bị nhắm đến bởi các công ty không thân thiện hay các thế lực thâu tóm thù địch.
– Các công ty không thân thiện hay các thế lực thâu tóm thù địch trong tiếng Anh gọi là Unfriendly company, Hostile firm, hay Black Knight.
– Sự mua bán thù địch hay sự thâu tóm thù địch (Hostile takover) là sự thâu tóm quản lí với một thái độ thù địch (A quyết tâm thâu tóm dù B không chấp nhận).
Các dạng hiệp sĩ trắng
– Dạng thứ nhất đó là giành lấy quyền kiểm soát công ty mục tiêu (Target company) khỏi tay công ty thù địch (Hostile firm).
Hiệp sĩ trắng có thể dùng nhiều cách như đưa ra mức giá tốt hơn, các quyền lợi hấp dẫn hơn…để thẳng công ty thù địch và đưa ra cách quản lí thiện chí đối với công ty được sáp nhập hoặc mua lại.
Giả sử có tình huống như sau:
Nếu công ty T (Target company) đang chuẩn bị kiểm soát bởi công ty H (Hostile firm), nhưng công ty F (Friendly firm) giành lại quyền sở hữu công ty T, như vậy , công ty F đóng vai trò như một “Hiệp sĩ trắng” trong thương vụ này.
– Dạng thứ hai là trường hợp một công ty rơi vào khủng hoảng, gánh chịu những khoản nợ lớn, thậm chí đứng trước nguy cơ giải thể và phá sản. Công ty này trở thành mục tiêu bị nhắm đến của các công ty đối địch.
“Hiệp sĩ trắng” sẽ là bên chịu rủi ro lớn khi chấp nhận sáp nhập công ty đang khủng hoảng, cơ cấu tổ chức lại và coi đó là một bộ phận kinh doanh của mình.
Kết luận
– Cũng giống như việc bị thâu tóm bởi các thế lực thù địch, công ty mục tiêu không còn giữ được sự độc lập, tự chủ sau khi bị thâu tóm bởi các hiệp sĩ trắng.
– Tuy nhiên, sự thâu tóm này vẫn mang tính tích cực hơn so với sự mua bán thù địch (Hostile takeover). Cụ thể:
– Không giống như một sự tiếp quản thù địch, việc quản lí hiện tại thường được giữ nguyên khi hiệp sĩ trắng tiếp quản. Bên cạnh đó các nhà đầu tư nhận được bồi thường tốt hơn cho cổ phiếu của họ.
(Tài liệu tham khảo: White Knight, Investopedia)