Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? Nó kéo dài bao lâu? – YouMed

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm các triệu chứng mà nhiều phụ nữ mắc phải trước khoảng một hoặc hai tuần chu kỳ kinh của họ. Trên 90% phụ nữ cho biết họ bị một số triệu chứng tiền kinh nguyệt. Đối với một số phụ nữ, những triệu chứng này có thể nghiêm trọng đến mức họ bỏ lỡ công việc hoặc học hành. Nhưng đối với những người khác thì họ lại không bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng nhẹ hơn.

1. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm các triệu chứng thể chất và cảm xúc. Nó diễn ra sau khi rụng trứng và trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt. Các nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của PMS là do giảm nồng độ estrogen và progesterone sau khi rụng trứng. Các triệu chứng PMS biến mất trong vòng vài ngày sau khi có kinh.

Một số phụ nữ có kinh nguyệt mà không có bất kỳ triệu chứng PMS nào hoặc chỉ có các triệu chứng rất nhẹ. Nhưng đối với những người khác, các triệu chứng PMS có thể nghiêm trọng. Chúng thậm chí nghiêm trọng đến mức khiến họ khó thực hiện các hoạt động hằng ngày như đi làm hoặc đi học. Các triệu chứng PMS nghiêm trọng quá mức có thể là một dấu hiệu của rối loạn rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD).

2. Triệu chứng là gì?

Các triệu chứng PMS khác nhau ở mỗi phụ nữ. Có người có thể bị các triệu chứng cơ thể, chẳng hạn như đầy hơi hoặc sình bụng. Hoặc các triệu chứng cảm xúc, chẳng hạn như buồn bã, hoặc cả hai. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của phụ nữ.

Các triệu chứng cơ thể của PMS có thể bao gồm:

  • Ngực sưng và căng đau.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Sình bụng hoặc đầy hơi.
  • Chuột rút.
  • Nhức đầu hoặc đau lưng.
  • Dễ khó chịu hơn với tiếng ồn hoặc ánh sáng.

Các triệu chứng của PMS

Các triệu chứng cảm xúc của PMS bao gồm:

  • Sự cáu gắt hoặc hành vi dễ gây hấn.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Vấn đề về giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít).
  • Thay đổi ngon miệng hoặc thèm ăn.
  • Giảm tập trung hoặc trí nhớ.
  • Căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Trầm cảm, buồn bã, hay khóc lóc.
  • Tâm trạng lên xuống thất thường.
  • Mất hứng thú tình dục.

>> Khi nhận diện được các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, bạn cần có hướng điều trị thích hợp. Tìm hiểu thêm tại: Những triệu chứng tiền kinh nguyệt: Nhận diện bất thường và cách làm giảm triệu chứng.

3. PMS kéo dài khoảng bao lâu?

Các triệu chứng về thể chất và tinh thần của hội chứng tiền kinh nguyệt thường kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt kế tiếp và sẽ biến mất ngay sau khi ra máu kinh.

4. Bạn có thể làm gì ở nhà để giảm các triệu chứng PMS?

Những lời khuyên này có thể làm giảm một số triệu chứng PMS của bạn:

  • Tập thể dục đều đặn trong suốt tháng. Tập thể dục có thể giúp giảm các triệu chứng như trầm cảm, khó tập trung và mệt mỏi.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh. Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có caffeine, muối và đường trong 2 tuần trước khi có kinh.
  • Ngủ đủ giấc. Cố gắng ngủ khoảng 8 giờ mỗi đêm. Thiếu ngủ có liên quan đến trầm cảm và lo lắng. Nó có thể làm cho các triệu chứng PMS tồi tệ hơn.
  • Tìm những cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng. Một số phụ nữ thấy yoga, massage hoặc thiền hữu ích.
  • Không hút thuốc lá. Trong một nghiên cứu, những phụ nữ hút thuốc có nhiều triệu chứng PMS tồi tệ hơn so với những phụ nữ không hút thuốc.

Nên rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập thích hợp

5. Các loại thuốc điều trị PMS

Một số loại thuốc có thể giúp điều trị triệu chứng PMS.

  • Thuốc giảm đau có thể giúp giảm bớt các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như chuột rút, đau đầu, đau lưng và đau vú. Thuốc giảm đau bao gồm: Ibuprofen, Naproxen, Aspirin. Một số phụ nữ thấy rằng dùng thuốc giảm đau ngay trước khi chu kỳ của họ bắt đầu giúp giảm bớt cơn đau và lượng máu trong chu kỳ của họ.
  • Một số thuốc điều khiển nội tiết tố có thể giúp cải thiện các triệu chứng cơ thể. Nhưng chúng có thể làm cho các triệu chứng khác kém đi ví dụ như tâm trạng có thể tệ hơn.
  • Thuốc chống trầm cảm có thể giúp làm giảm các triệu chứng cảm xúc của PMS đối với một số phụ nữ khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hay SSRI là loại thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất được sử dụng để điều trị PMS.
  • Thuốc lợi tiểu có thể làm giảm các triệu chứng đầy hơi và đau vú.
  • Thuốc chống lo âu có thể giúp giảm cảm giác lo lắng.

Tất cả các loại thuốc đều có rủi ro. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro.

Việc sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ

6. Cần bổ sung thêm vitamin gì?

Các nghiên cứu cho thấy rằng một số vitamin và khoáng chất có thể giúp làm giảm một số triệu chứng PMS.

6.1. Canxi

Nghiên cứu cho thấy canxi có thể giúp giảm một số triệu chứng PMS, chẳng hạn như mệt mỏi, thèm ăn và buồn bã. Canxi được tìm thấy trong các thực phẩm như sữa, phô mai và sữa chua. Một số thực phẩm, chẳng hạn như nước cam, ngũ cốc và bánh mì, có bổ sung canxi (tăng cường) cũng có nhiều canxi.

6.2. Vitamin B6

Nó có thể giúp giảm các triệu chứng PMS, bao gồm buồn rầu, cáu gắt, hay quên, đầy hơi và lo lắng. Vitamin B6 có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá, thịt gia cầm, khoai tây, trái cây (trừ trái cây họ cam quýt) và ngũ cốc tăng cường.

6.3. Magiê

Magiê có thể giúp giảm một số triệu chứng PMS, bao gồm chứng đau nửa đầu. Nếu bạn bị đau nửa đầu trong chu kỳ kinh nguyệt, hãy hỏi ý kiến bác sĩ liệu mình có cần thêm magiê không. Magiê có trong các loại rau lá xanh như rau bina, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc tăng cường.

Bổ sung thực phẩm giàu magiê sẽ giúp ích khi bạn bị hội chứng tiền kinh nguyệt

6.4. Axit béo không bão hòa đa (omega-3 và omega-6)

Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung 1 đến 2 gram axit béo không bão hòa đa có thể giúp giảm chuột rút và các triệu chứng PMS khác. Nguồn axit béo không bão hòa đa tốt bao gồm hạt lanh, hạt, cá và rau lá xanh.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) rất phổ biến ở phụ nữ. Tùy vào từng người mà mức độ triệu chứng diễn tiến khác nhau. Tuy là một hội chứng không nguy hiểm nhưng khi các triệu chứng tiến triển quá mức, ảnh hưởng đến cuộc sống thì hãy tới gặp bác sĩ để được hỗ trợ nhé.

Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *