HỢP ĐỒNG BOT LÀ GÌ? MỘT VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ HỢP ĐỒNG BOT
Bạn đang đọc: HỢP ĐỒNG BOT LÀ GÌ? MỘT VÀI NÉT CƠ BẢN VỀ HỢP ĐỒNG BOT – Luật Hồng Bàng
Căn cứ pháp lý
- Luật đầu tư 2014
- Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
BOT LÀ GÌ?
BOT là viết tắt của cụm từ Bulding – Operate – Transfer nghĩa là Xây dựng- Kinh doanh- Chuyển giao. Đây là một trong các loại hợp đồng dựa trên hình thức đối tác công tư(PPP). Cụ thể hơn, tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định về hợp đồng BOT như sau:
“Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Về bản chất, BOT là một loại hợp đồng thương mại có:
- Chủ thể ký kết: cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân các cấp) và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài có tiềm lực tài chính và khả năng thực hiện các dự án.
- Đối tượng hợp đồng: các dự án xây dựng công trình hạ tầng. Ví dụ thường thấy nhất ở Việt Nam đó là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc. Đây là các dự án đòi hỏi tổng vốn đầu tư lớn lên tới hàng ngàn hoặc chục ngàn tỷ đồng. Với mức vốn đầu tư lớn như vậy, ngân sách nhà nước thì có hạn. Do đó lúc này hợp đồng BOT được xem như là một giải pháp hữu hiệu khi vừa giúp cho nhà nước đạt được mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó cũng giúp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư xây dựng.
- Nội dung hợp đồng: Nội dung của các hợp đồng BOT bao gồm các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong suốt quá trình thực hiện, vận hành dự án. Mỗi bên tham gia vào hợp đồng sẽ có những mục đích khác nhau, do đó, việc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên giúp cho việc thực hiện dự án được diễn ra theo đúng mục đích các bên đã đề ra. Nhà đầu tư sẽ có mục tiêu là lợi nhuận thu được từ nguồn tiền thu phí sử dụng công trình họ xây dưng. Nhà nước thì đạt được mục đích về nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Các nội dung cơ bản của hợp đồng BOT được quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định 63/2018/NĐ-CP gồm có:
Điều 40. Nội dung hợp đồng dự án
Căn cứ Mục tiêu, tính chất và loại hợp đồng dự án, các bên thỏa thuận toàn bộ hoặc một số nội dung cơ bản sau đây:
- Mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời hạn và tiến độ thực hiện dự án; thời gian xây dựng công trình dự án;
- Yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình dự án, sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp;
- Tổng vốn đầu tư và phương án tài chính của dự án;
- Giá trị, Điều kiện, tỷ lệ và tiến độ thực hiện Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP (nếu có); nguyên tắc xử lý khi quy hoạch của quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư trong dự án BT được cấp có thẩm quyền Điều chỉnh dẫn đến giá trị quyền sử dụng đất thay đổi;
- Điều kiện sử dụng đất và công trình liên quan;
- Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
- Thi công xây dựng; yêu cầu về kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng trong quá trình thi công xây dựng; nghiệm thu, quyết toán công trình dự án hoàn thành
- Giám định, vận hành, bảo dưỡng, kinh doanh và khai thác công trình dự án; chuyển giao công trình
- Bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường;
- Điều kiện, thủ tục tiếp nhận dự án của bên cho vay;
- Phân chia rủi ro và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng bao gồm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan được ủy quyền (trường hợp ủy quyền ký kết) và nhà đầu tư; nguyên tắc xử lý khi phát sinh tranh chấp; sự kiện bất khả kháng;
- Các hình thức ưu đãi và bảo đảm đầu tư (nếu có);
- Luật Điều chỉnh quan hệ hợp đồng dự án, hợp đồng có liên quan và cơ chế giải quyết tranh chấp
- Hiệu lực và thời hạn hợp đồng dự án
- Các nguyên tắc, Điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng dự án; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án;
- Các nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên ký kết.
SO SÁNH BOT VÀ CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG KHÁC?
Ngoài khái niệm hợp đồng BOT, còn các loại khái niệm hợp đồng hay được đề cập đó là hợp đồng BTO, hợp đồng BT. Vậy sự khác biệt cơ bản giữa các hợp đồng này là gì?
Hợp đồng BOT, như đã phân tích, là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
Hợp đồng BTO, là Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh với hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
Hợp đồng BT, là loại Hợp đồng xây dựng – chuyển giao với hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với: Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected].
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.
>>>>>Xem thêm: Homestay là gì? Chia sẻ cách kinh doanh homestay "hái tiền triệu" cực dễ