Hướng dẫn 399/HD-SXD áp dụng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng sử dụng

UBND TỈNH ĐIỆN BIÊN SỞ XÂY DỰNG –

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc –

Số: 399/HD-SXD

Điện Biên Phủ, ngày 21 tháng 07 năm 2009

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN VẬT LIỆU XÂY DỰNG SỬ DỤNG CHO CÁC CÔNG TRÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Căn cứ Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Căn cứ Bộ tiêu chuẩn XDVN về vật liệu và cấu kiện xây dựng; Căn cứ Quyết định số 1412/QĐ-UB ngày 03/12/2004 của UBND tỉnh Điện Biên quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Xây dựng; Căn cứ Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND ngày 07/6/2006 của UBND tỉnh Điện Biên, về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về tiêu chuẩn các loại vật liệu xây dựng thông dụng trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

Phần 1.

PHẠM VI ÁP DỤNG

Tất cả các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước; các công trình của tổ chức, cá nhân đầu tư với mục đích sử dụng công cộng và cộng đồng khi xây dựng thì phải áp dụng bắt buộc Hướng dẫn này. Ngoài một số nội dung tại Hướng dẫn này khi xây dựng các công trình trên đều phải tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam riêng của từng loại vật liệu cụ thể.

Đối với công trình của tổ chức, cá nhân đầu tư với mục đích sử dụng của cá nhân thì khuyến khích áp dụng hướng dẫn này.

Phần 2.

QUY ĐỊNH CHUNG VÀ YÊU CẦU KỸ THUẬT CÁC LOẠI VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Nội dung trong văn bản hướng dẫn này đưa ra dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn về các vật liệu xây dựng, thông dụng hiện nay đang phổ biến sử dụng trong các công trình trên địa bàn tỉnh Điện Biên như: Xi măng, cát, đá, sỏi, thép, sơn, bả cụ thể như sau:

I. TIÊU CHUẨN XI MĂNG:

– Hiện nay về xi măng nói chung có rất nhiều loại cụ thể được phân ra theo 4 cơ sở như sau: Theo loại và thành phần clanhke; mác xi măng; tốc độ đóng rắn, thời gian đông kết, tuy nhiên trong phạm vi văn bản hướng dẫn này chỉ tập trung vào loại xi măng trên cơ sở clanhke xi măng póc lăng thông dụng (ngoài ra còn có xi măng trên cơ sở xi măng clanhke alumin; XM trên cơ sở xi măng clanhke canxi sunfo aluminat…).

– Về tên gọi và ký hiệu các loại XM là khác nhau như xi măng trên cơ sở clanhke poóc lăng phân ra 2 loại XM poóc lăng (viết tắt XMPL) không có phụ gia khoáng và XM poóc lăng có phụ gia khoáng. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến XMPL không có phụ gia khoáng trong đó có xi măng XM poóc lăng với ký hiệu PC (ngoài ra còn có (PCsr) là XMPL bền sunphat; (PCw) là XMPL trắng…).

1. Quy định chung:

Xi măng poóc lăng (PC) là chất kết dính thủy, được chế tạo bằng cách nghiền mịn clanhke xi măng poóc lăng với một lượng thạch cao cần thiết. Trong quá trình nghiền có thể sử dụng phụ gia công nghệ nhưng không quá 1% so với khối lượng clanhke.

2. Yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, bảo quản:

2.1. Yêu cầu về kỹ thuật:

Xi măng poóc lăng được sản xuất theo các mác sau: PC30, PC40, PC50 trong đó PC đã giải thích ở phần trên; các trị số 30, 40, 50 là cường độ chịu nén của mẫu vữa chuẩn sau 28 ngày đông rắn, tính bằng N/mm2 (MPa), xác định theo TCVN 6016 : 1995 (ISO 679 : 1989).

2.2. Các chỉ tiêu chất lượng của XMPL (xi măng poóc lăng theo TCVN 2682 : 1999):

2.2.1. Cường độ chịu nén:

– Thời gian 3 ngày ± 45 phút: XMPL PC30 cường độ chịu nén ≥ 16 N/mm2 (MPa); Mác PC40 ≥ 21MPa; PC50 ≥ 31 MPa.

– Thời gian 28 ngày ± 8: XMPL PC30 cường độ chịu nén ≥ 30 N/mm2 (MPa); Mác PC40 ≥ 40MPa; PC50 ≥ 50 MPa.

2.2.2. Thời gian đông kết:

– Bắt đầu: XMPL PC30, PC40, PC50 ≥ 45 phút.

– Kết thúc: XMPL PC30, PC40, PC50 ≤ 375 phút.

2.2.3. Độ nghiền mịn, độ ổn định thể tích hàm lượng thành phần hóa học:

– Phần còn lại trên sàng 0,08mm: XMPL PC30 và PC40 ≤ 15%; PC50 ≤ 12%.

– Độ ổn định xác định theo phương pháp Le Chatelie: PC30, PC40, PC50 ≤ 10mm.

– Hàm lượng: anhydric sunphuric (SO3) ≥ 3,5%; MgO ≤ 5,0%… (Theo bảng 1 các chỉ tiêu chất lượng của XMPL TCVN 2682 : 1999).

2.3. Bao gói, ghi nhãn, bảo quản:

– Xi măng poóc lăng khi xuất xưởng phải có phiếu kiểm tra chất lượng kèm theo với nội dung:

+ Tên cơ sở sản xuất;

+ Tên gọi và mác theo hướng dẫn trên;

+ Giá trị thực của các chỉ tiêu;

+ Khối lượng XM xuất xưởng và số hiệu lô;

+ Ngày, tháng, năm sản xuất.

– Bao gói xi măng: Bao đựng XM là loại giấy kraft có ít nhất 4 lớp hoặc bao PP (polypropylen) hoặc bao PP-kraft đảm bảo không làm giảm chất lượng XM và không bị rách vỡ khi vận chuyển và bảo quản.

– Khối lượng tịnh quy định của mỗi bao XM là 50 kg ± 1kg. (có thể sử dụng các loại bao có khối lượng khác khi có hợp đồng thỏa thuận giữa các bên sản xuất và tiêu thụ).

– Ghi nhãn: Trên vỏ bao ngoài nhãn hiệu đã đăng ký, phải ghi rõ mác xi măng, khối lượng tịnh của bao XM, số hiệu lô.

– Vận chuyển: Không được vận chuyển XM chung với các loại hóa chất có ảnh hưởng tới chất lượng của XM; vận chuyển bằng phương tiện vận tải có che chắn chống mưa và ẩm ướt; XM rời vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện vận tải có che chắn cẩn thận.

– Bảo quản: Kho chứa XM phải đảm bảo khô, sạch, nền cao, có tường bao và mái che chắc chắn, có lối ra vào xuất nhập kho dễ dàng. Các bao XM xếp cách tường ít nhất 20cm và riêng theo từng lô. XMPL được bảo hành trong thời gian 60 ngày kể từ ngày sản xuất.

II. TIÊU CHUẨN CÁT XÂY DỰNG:

Cát xây dựng ở hướng dẫn này là các loại cát thiên nhiên đặc chắc được dùng làm cốt liệu cho bê tông nặng (Bê tông nặng là bê tông có khối lượng thể tích trong khoảng 2300kg/m3 – 2500kg/m3) thông thường trong các kết cấu có cốt thép hoặc không cốt thép, làm cốt liệu cho vữa thông thường.

1. Yêu cầu kỹ thuật:

1.1. Cát dùng cho bê tông nặng:

– Cát dùng cho bê tông nặng được chia làm 4 nhóm: To, vừa, nhỏ và rất nhỏ. Theo mô đun độ lớn, khối lượng thể tích xốp, lượng hạt nhỏ hơn 0,14 mm và đường biểu diễn thành phần hạt.

– Phân loại cát (theo TCVN 1770 : 1986):

+ Cát hạt to: Mô đun độ lớn: Hạt cát ≥ 2,5 ÷ 3,3 mm; khối lượng thể tích xốp ≥ 1400 kg/m3, lượng hạt nhỏ hơn 0,14 mm tính bằng % khối lượng cát ≤ 10%.

+ Cát hạt vừa: Mô đun độ lớn: Hạt cát ≥ 2,0 ÷ 2,5 mm; khối lượng thể tích xốp ≥ 1300 kg/m3, lượng hạt nhỏ hơn 0,14 mm tính bằng % khối lượng cát ≤ 10%.

+ Cát hạt nhỏ: Mô đun độ lớn: Hạt cát ≥ 1,0 ÷ 2,0 mm; khối lượng thể tích xốp ≥ 1200 kg/m3, lượng hạt nhỏ hơn 0,14 mm tính bằng % khối lượng cát ≤ 20%.

+ Cát hạt rất nhỏ: Mô đun độ lớn: Hạt cát ≥ 0,7 ÷ 1,0 mm; khối lượng thể tích xốp ≥ 1150 kg/m3, lượng hạt nhỏ hơn 0,14 mm tính bằng % khối lượng cát ≤ 35%.

– Cát dùng cho bê tông nặng phải đảm bảo theo quy định (TCVN 1770: 1986). Cát thuộc nhóm to và vừa cho phép sử dụng cho bê tông tất cả các mác, cát nhóm nhỏ được phép sử dụng cho bê tông mác tới 300 còn cát nhóm rất nhỏ được phép sử dụng cho bê tông tới mác 100.

– Trường hợp cát không đảm bảo một vài yêu cầu theo quy định hoặc cát chứa SiO2 vô định hình hay các khoáng hoạt tính khác, cát ngậm muối có gốc ion CL- thì chỉ được phép dùng trong bê tông sau khi nghiên cứu cụ thể có kể đến các điều kiện làm việc của bê tông trong công trình.

1.2. Cát dùng cho xây dựng:

Cát dùng trong xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Mô đun độ lớn:

+ Đối với mác vữa nhỏ hơn 75: Mô đun độ lớn của cát không nhỏ hơn 0,7mm.

+ Đối với mác vữa ≥ 75: Mô đun độ lớn của cát không nhỏ hơn 1,5mm.

– Sét, á sét, các tạp chất ở dạng cục: không có

– Lượng hạt > 5 mm: không có.

– Khối lượng thể tích xốp:

+ Đối với mác vữa nhỏ hơn 75: Khối lượng thể tích xốp ≥ 1150 kg/m3.

+ Đối với mác vữa ≥ 75: Khối lượng thể tích xốp ≥ 1250 kg/m3.

– Hàm lượng muối sunfat, sunfit tính ra SO3: Đối với mác vữa

– Hàm lượng bùn, bụi sét bẩn: Đối với mác vữa

– Lượng hạt nhỏ hơn 0,14 mm: Đối với mác vữa

2. Vận chuyển và bảo quản: Cát để ở kho và trong khi vận chuyển phải tránh để đất, rác hoặc các tạp chất khác lẫn vào.

III. TIÊU CHUẨN ĐÁ DĂM, SỎI VÀ SỎI DĂM XÂY DỰNG:

1. Quy định chung:

Đá dăm và sỏi, sỏi dăm xây dựng trong phạm vi hướng dẫn này là được đập từ đá thiên nhiên (đá dăm), sỏi và sỏi dăm được đập từ cuội (sỏi dăm) thiên nhiên. Tùy theo mục đích sử dụng, đá dăm, sỏi và sỏi dăm phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật riêng đối với mỗi loại công tác xây dựng.

2. Yêu cầu kỹ thuật:

Sỏi dăm phải chứa các hạt đập vỡ với số lượng không nhỏ hơn 80% theo khối lượng. Trong đó hạt đập vỡ là hạt mà diện tích mặt vỡ của nó lớn hơn một nửa tổng diện tích bề mặt của hạt vỡ đó.

2.1. Phân loại cỡ hạt, mác đá dăm, sỏi và sỏi dăm:

2.1.1. Phân loại cỡ hạt:

Cỡ hạt 5 đến 10mm; 10 đến 20mm; 20 đến 40mm; 40 đến 70mm. Đối với cỡ hạt 5 đến 10mm cho phép chứa hạt có kích thước dưới 5mm tới 15%.

2.1.2. Mác đá dăm, sỏi và sỏi dăm:

– Tùy theo công dụng đá dăm, sỏi và sỏi dăm cần có chỉ tiêu độ bền cơ học sau đây:

+ Dùng cho bê tông: Kiểm tra độ nén đập trong xi lanh.

+ Dùng cho xây dựng đường ô tô: Kiểm tra độ nén đập trong xi lanh, độ mài mòn trong tang quay. Tùy theo độ nén đập trong xi lanh, mác của đá thiên nhiên được chia thành 8 mác và xác định trong bảng 1 trong TCVN 1771 : 1987.

– Mác đá dăm từ đá thiên nhiên xác định theo độ nén đập trong xi lanh (105 N/m2) phải cao hơn mác bê tông:

+ Đối với bê tông mác dưới 300: Không dưới 1,5 lần.

+ Đối với bê tông mác 300 và trên 300: Không dưới 2 lần.

Đá dăm từ đá phún xuất trong mọi trường hợp phải có mác không nhỏ hơn 800; đá dăm từ đá biến chất không nhỏ hơn 600; đá dăm từ đá trầm tích không nhỏ hơn 100. (cho phép dùng đá dăm từ đá cacbônát mác 400 đối với bê tông mác 300 nếu hàm lượng hạt mềm yếu trong đó không quá 5%).

– Mác sỏi và sỏi dăm cần phù hợp yêu cầu bảng 2 trong TCVN 1771 : 1987.

– Hàm lượng hạt thoi dẹt trong đá dăm, sỏi và sỏi dăm không được vượt quá 35% theo khối lượng. Trong đó hạt thoi dẹt là hạt có chiều rộng hoặc chiều dày nhỏ hơn hoặc bằng 1/3 chiều dài.

– Hàm lượng hạt mềm yếu và phong hóa trong đá dăm, sỏi và sỏi dăm không được lớn hơn 10% theo khối lượng. Đá dăm mác 200 và 300 cho phép được chứa hạt mềm yếu đến 15% theo khối lượng.

– Hàm lượng hạt sét, bùn, bụi trong đá dăm, sỏi và sỏi dăm xác định bằng cách rửa xem chi tiết tại bảng 5 trong TCVN 1771 : 1987; trong đó cục sét không quá 25%. Không cho phép có màng sét bao phủ các hạt đá dăm, sỏi và sỏi dăm và những tạp chất bẩn khác như gỗ mục, lá cây, rác rưởi lẫn vào.

2.2. Quy tắc nghiệm thu:

– Trước khi xuất xưởng đá dăm, sỏi và sỏi dăm phải được bộ phận KCS của cơ sở nghiệm thu về chất lượng theo lô. Số lượng mỗi lô nghiệm thu là 300 tấn (hoặc 200m3) cho đá dăm của một cỡ hạt hoặc hỗn hợp một vài cỡ hạt có cùng cấp chất lượng; Số lượng nhỏ hơn 300 tấn cũng được xem như đủ lô.

– Từ mỗi lô nghiệm thu sẽ tiến hành lấy mẫu trung bình và tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu. Điều kiện chấp nhận lô là các kết quả kiểm tra phù hợp với mức chất lượng nêu trong các chỉ tiêu kiểm tra, hoặc đảm bảo yêu cầu của hợp đồng với khách hàng. Những lô bị hỏng tiến hành xử lý và nghiệm thu lại.

3. Vận chuyển và bảo quản:

– Khi xuất xưởng, cơ sở sản xuất phải cấp giấy chứng nhận chất lượng của mỗi lô cho khách hàng trong đó ghi rõ: Tên cơ sở sản xuất đá sỏi; Tên đá, sỏi; Số thứ tự của lô, thời gian sản xuất; Kết quả các chỉ tiêu chất lượng đã kiểm tra; Số hiệu của TCVN 1771 : 1987 và tiêu chuẩn dùng để kiểm tra; Chữ ký của trưởng KCS cơ sở sản xuất.

– Khi vận chuyển hay bảo quản ở bãi (hoặc kho chứa) đá dăm, sỏi và sỏi dăm cần được để riêng theo từng cỡ hạt, tránh làm bẩn hoặc lẫn các tạp chất khác.

IV. TIÊU CHUẨN GẠCH XÂY DỰNG:

1. Quy định chung

Gạch xây dựng được hướng dẫn ở đây là loại gạch rỗng đất sét nung sản xuất từ đất sét (có thể có phụ gia) bằng phương pháp dẻo và nung ở nhiệt độ thích hợp, dùng để xây tường và các bộ phận khác của công trình có trát hoặc ốp bên ngoài. Gạch rỗng đất sét nung có khối lượng thể tích 1600kg/m3 (gọi là gạch đặc đất sét nung xem tại TCVN 1451 : 1998 không hướng dẫn ở văn bản này).

2. Gạch rỗng đất sét nung kích thước, phân loại ký hiệu:

– Kích thước:

+ Loại gạch rỗng 60 có kích thước (Dài x Rộng x Dày) = (220 x 105 x 60)mm.

+ Loại gạch rỗng 90 có kích thước = (190 x 90 x 90)mm.

+ Loại gạch rỗng 105 có kích thước = (220 x 105 x 105)mm.

– Theo độ bền cơ học, gạch rỗng đất sét nung được phân thành các mác sau: M35, M50, M75, M100, M125.

– Ký hiệu quy ước của gạch rỗng dày 90mm, 4 lỗ chữ nhật, độ rỗng 40%, mác 50 là: Gạch rỗng 90 – 4CN40 – M50 – TCVN 1450 : 1998.

3. Yêu cầu kỹ thuật:

– Về hình dạng: Gạch rỗng đất sét nung có dạng hình hộp với các mặt phẳng, trên mặt viên gạch có thể có rãnh hoặc gợi khía. Cạnh viên gạch có thể lượn tròn với bán kính không lớn hơn 5mm, theo mặt cắt với phương đùn ép.

– Sai lệch kích thước viên gạch không vượt quá quy định sau:

+ Theo chiều dài: ± 6mm.

+ Theo chiều rộng: ± 4mm.

+ Theo chiều dày: ± 3mm.

– Chiều dày thành ngoài lỗ rỗng, không nhỏ hơn 10mm; chiều dày vách ngăn giữa các lỗ rỗng, không nhỏ hơn 8mm.

– Khuyết tật về hình dạng bên ngoài của viên gạch không vượt quá quy định cụ thể: Độ cong trên mặt đáy, trên mặt cạnh không lớn hơn 5 mm; số vết nứt theo chiều dày đến 60mm kéo sang chiều rộng đến hàng lỗ thứ nhất không lớn hơn 1; Số vết sứt cạnh, sứt góc sâu từ 5 mm đến 100mm, kéo dài từ cạnh từ 10 đến 15mm, không lớn hơn 2.

– Cường độ nén và uốn của gạch tuân theo bảng 3 TCVN 1450 : 1998.

– Độ hút nước của gạch rỗng đất sét nung không lớn hơn 16%.

– Số vết tróc do vôi trên bề mặt viên gạch có kích thước trung bình từ 5 mm đến 10mm, không quá 3 vết.

4. Quy tắc nghiệm thu:

– Số lượng gạch trong mỗi lô cần kiểm tra không lớn hơn 100.000 viên, số lượng nhỏ hơn 100.000 viên cũng được coi là một lô đủ. Mỗi lô phải gồm gạch cùng kiểu, cùng mác, lấy không ít hơn 50 viên làm mẫu kiểm tra. Việc lấy mẫu phải tiến hành sao cho các mẫu thử là đại diện cho toàn lô gạch, bao gồm các viên được phân bố đều khắp trong lô.

– Việc tiến hành thử các chỉ tiêu, xác định cường độ… tiến hành theo TCVN 1450 : 1998 và tiêu chuẩn khác liên quan.

5. Ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển:

– Ít nhất 80% số gạch trong lô phải có nhãn hiệu của cơ sở sản xuất.

– Gạch cùng một kiêu, cùng mác được xếp thành kiêu ngay ngắn.

– Không được phép quăng, ném, đổ đống gạch khi bốc dỡ, vận chuyển.

V. TIÊU CHUẨN THÉP:

1. Quy định chung:

– Hướng dẫn này áp dụng cho thép tròn cán nóng mặt ngoài nhẵn hoặc có gân dùng làm cốt cho các kết cấu bê tông cốt thép thông thường và bê tông cốt thép có dự ứng lực trước được chia thành 4 nhóm theo tính chất cơ học: CI, CII, CIII, CIV.

– Thép nhóm CI là loại thép tròn nhẵn, thép nhóm CII, CIII, CIV, là loại thép tròn mặt ngoài có gân (thép vằn); kí hiệu quy ước thép, nhóm CII có đường kính 20 mm là CII 20 TCVN 1651 : 1985.

– Sai lệch cho phép về đường kính thép tròn nhẵn theo TCVN 1650 : 1985.

– Thép vằn là thanh thép tròn với hai đường gân chạy dọc và các gờ đi theo ba đường xoắn vít. Đối với thanh thép có đường kính từ 6 đến 9 mm, cho phép các gờ đi theo hai đường soắn vít. Sai lệch cho phép về đường kính thép xem tại bảng 2 TCVN 1651 : 1985.

– Thép có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 12mm được sản xuất thành cuộn hoặc thanh, lớn hơn 12mm được sản xuất bằng thanh với chiều dài từ 6 mm đến 12m.

2. Phân loại nhóm thép:

– Thép nhóm CI: Thép tròn trơn không có gờ.

– Thép nhóm CII: Thép vằn có gờ xoắn vít như nhau ở cả hai phía.

– Thép nhóm CIII: Thép vằn có gờ xoắn vít khác nhau, ở một phía soắn bên phải, còn phía bên kia soắn bên trái.

– Thép nhóm CIV: Có hình dáng bên ngoài khác thép nhóm CII, CIII. Thép nhóm CIV sản xuất bằng thanh. Thép nhóm CIII với đường kính ≥ 10mm sản xuất bằng thanh với sai lệch giới hạn về chiều dài quy ước của thanh thép không vượt quá 50mm với chiều dài 6m; không vượt quá 70mm với chiều dài lớn hơn 6m.

– Độ cong cục bộ của thanh thép không được vượt quá 6mm trên 1m chiều dài.

3. Yêu cầu kỹ thuật:

– Tính chất cơ học của thép phải được bảo đảm: Giới hạn chảy, độ bền tức thời, độ dãn dài tương đối được xác định thử kéo, thử uốn trong trạng thái nguội tính chất cơ học của nhóm thép như sau:

+ Nhóm thép CI đường kính 6 đến 40 mm: Giới hạn chảy ≥ 240 N/mm2; độ bền đứt tức thời ≥ 380 N/mm2; độ dãn dài tương đối ≥ 25%.

+ Nhóm thép CII đường kính 10 đến 40 mm: Giới hạn chảy ≥ 300 N/mm2; độ bền đứt tức thời ≥ 500 N/mm2; độ dãn dài tương đối ≥ 19%.

+ Nhóm thép CIII đường kính 6 đến 40 mm: Giới hạn chảy ≥ 400 N/mm2; độ bền đứt tức thời ≥ 600 N/mm2; độ dãn dài tương đối ≥ 14%.

+ Nhóm thép CIV đường kính 10 đến 32 mm: Giới hạn chảy ≥ 600 N/mm2; độ bền đứt tức thời ≥ 900 N/mm2; độ dãn dài tương đối ≥ 6%.

– Các nhóm thép CI, CII, CIII, CIV được chế tạo từ các loại thép (xem trong TCVN 1651 : 1985).

– Yêu cầu trên bề mặt thép kể cả bề mặt gân và gờ không được có vết nứt, rỗ, nếp nhăn. Không cho phép gân, gờ bị mẻ, sứt, nứt. Sự phá hủy gân, gờ cục bộ với số lượng không lớn hơn 3 chỗ trên một mép chiều dài của thanh thép; các vết rỉ nhỏ, vết lõm, rỗ khí, nứt tóc nhỏ và các vết sần trong giới hạn sai lệch không coi là dấu hiệu chế phẩm.

4. Quy tắc nghiệm thu:

– Thép thành phẩm phải được bộ phận kiểm tra kỹ thuật của xí nghiệp sản xuất kiểm tra và phải đảm bảo chất lượng và kích thước phù hợp theo yêu cầu.

– Các thanh thép thành phẩm phải được giao nhận theo lô, mỗi lô bao gồm những thanh thép của cùng mẻ nấu luyện, cùng kích thước. Khối lượng mỗi lô không lớn hơn 60 tấn. Khối lượng lô hàng thép cacbon được phép tăng đến khối lượng của mẻ nấu luyện.

– Cần chọn 2 mẫu thử kéo, 2 mẫu để thử uốn nguội từ những thanh khác nhau của một lô hàng.

– Các phương pháp thử mẫu (kéo, uốn) thực hiện theo các tiêu chuẩn TCVN 197 : 1966 và TCVN 198 : 1966.

– Những thanh thép được cung cấp bằng bó với khối lượng không quá 5 tấn, được bó ít nhất 3 mối bằng dây thép hoặc đai thép. Nếu cung cấp bằng cuộn thì mỗi cuộn không quá 450kg

VI. TIÊU CHUẨN SƠN, BỘT BẢ XÂY DỰNG

1. Bột bả tường:

Áp dụng cho bột bả tường gốc xi măng poóc lăng, dùng để cải thiện bề mặt vữa trát trước khi sơn trang trí.

1.1. Quy định chung:

Bột bả tường gốc xi măng poóc lăng được sản xuất từ nguyên liệu chính sau:

– Chất kết dính: Xi măng poóc lăng;

– Chất độn: Bột khoáng thiên nhiên;

– Phụ gia: Polime tái phân tán trong nước.

Các thành phần này được trộn đều ở dạng bột khô. Hỗn hợp bột bả tường và nước có độ dẻo quy định được gọi là matit.

1.2. Yêu cầu kỹ thuật:

Các chỉ tiêu kỹ thuật của bột bả tường và matit được quy định như sau:

1.2.1. Bộ bả tường:

– Độ mịn phần còn lại trên sàng 0,08 mm không lớn hơn 6%.

– Khối lượng thể tích 970 ± 50.

– Thời gian đông kết: Bắt đầu không lớn hơn 110 phút; kết thúc không muộn hơn 450 phút.

1.2.2. Matit:

– Độ giữ nước không nhỏ hơn 98%.

– Độ bám dính với nền không nhỏ hơn 0,2 N/mm2.

– Độ bền nước: Không bị bong dộp.

1.3. Công tác thử mẫu: Tiến hành theo mục 5 trong TCVN 7239 : 2003.

1.4. Bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển:

– Bao gói: Bao để đóng gói phải bền, cách ẩm tốt, không bị rách vỡ khi vận chuyển; khối lượng mỗi bao bột bả là 40kg, 20kg, hoặc 5kg.

– Ghi nhãn:

Bột bả tường khi xuất xưởng phải có giấy chứng nhận chất lượng kèm theo với nội dung:

+ Tên cơ sở sản xuất;

+ Tên gọi, ký hiệu và chất lượng bột bả theo tiêu chuẩn TCVN 7239 : 2003;

+ Khối lượng;

+ Ngày, tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng.

Nhãn hiệu của bột bả tường được dán trên bao bì hoặc in trực tiếp trên bao bì, ngoài nội dung theo quy định pháp lý hiện hành cần có:

+ Tên gọi, ký hiệu và chất lượng bột bả theo tiêu chuẩn TCVN 7239 : 2003;

+ Khối lượng của bao và số hiệu lô;

+ Ngày, tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng.

– Bảo quản: Bột bả cần được bảo quản nơi khô ráo, cách ẩm; kho chứa bột bả tường phải đảm bảo sạch, cao, có tường bao và mái che chắc chắn, có lối ra vào xuất nhập dễ dàng. Bột bả phải xếp cách tường và cách mặt đất khoảng 50cm, không xếp cao quá 10 bao và được bảo hành chất lượng trong vòng 6 tháng kể từ ngày sản xuất.

– Vận chuyển: Bột bả được vận chuyển bằng mọi phương tiện, đảm bảo được che mưa.

2. Sơn xây dựng:

2.1. Quy định chung:

Sơn xây dựng là vật liệu ở dạng lỏng, hồ hay bột. Khi phủ lên bề mặt nền cần sơn (Gạch, vữa, bê tông, gỗ hoặc kim loại) tạo ra màng rắn bám chắc trên bề mặt đó, có khả năng bảo vệ, trang trí và có tính chất riêng theo yêu cầu.

2.2. Phân loại Sơn:

Tùy theo mục đích sử dụng, bản chất hóa học và môi trường phân tán của chất tạo màng sơn xây dựng được phân loại như sau:

– Phân loại theo mục đích sử dụng:

+ Sơn trang trí: Gồm có sơn nội thất và sơn ngoại thất.

+ Theo mục đích bảo vệ: Chống thấm, chống rỉ, chống ăn mòn, chống hà, chịu va đập và mài mòn.

– Phân loại theo chất tạo màng.

– Phân loại theo môi trường phân tán. Để cụ thể hơn xem trong TCXDVN 321 : 2004.

Trên đây là Hướng dẫn của Sở Xây dựng về áp dụng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng thông dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên đề nghị: Các chủ đầu tư, các Sở quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan chỉ đạo các đơn vị Tư vấn thiết kế khi lập dự án, thiết kế công trình, các đơn vị nhà thầu thi công xây dựng áp dụng hướng dẫn này và Bộ tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về tiêu chuẩn vật liệu và cấu kiện xây dựng./.

Nơi nhận: – UBND tỉnh (b/c); – UBND các huyện, thị, thành phố; – Các Sở có công trình xây dựng, các Chủ đầu tư, BQLDA trong tỉnh; – Các đơn vị tư vấn thiết kế; – Các đơn vị thi công xây dựng; – Các phòng QL đô thị, phòng công thương các huyện, thị, thành phố; – Lên mạng của Sở; – Lưu: VT, GĐ.

KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC Vũ Ngọc Vương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *