Khu dân cư là cụm từ được sử dụng khá thường xuyên bên cạnh khái niệm phổ biến khác gần đây như khu đô thị. Tuy nhiên, khu dân cư vẫn là một khái niệm chưa được hiểu đầy đủ bởi đại đa số người dân.
Hãy đọc hết bài viết này để hiểu rõ các khía cạnh khái niệm về khu dân cư nhé
Khu dân cư là gì?
Khu dân cư (tiếng Anh là Residential Area/Quarter), theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2012/TT-BCA, định nghĩa là nơi tập hợp người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, bao gồm: thôn, xóm, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương.
Một số đặc điểm của khu dân cư
- Khu dân cư có thể là một khu tập thể, một tập hợp người dân sống trong một khu vực,… đã hình thành từ lâu hoặc đang trong quá trình hình thành, nằm trong quy hoạch phát triển của địa phương
- Người dân sống trong khu dân cư thường không có cùng huyết thống, do nhu cầu sinh sống, yêu cầu công việc mà về chung một khu vực có quan hệ gắn bó với nhau trong lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, trong giao tiếp xã hội
- Không có quy định cụ thể về số lượng người dân sống trong một khu dân cư
- Mỗi khu dân cư đều có những đặc điểm riêng về địa giới, cách thức gọi tên, số lượng hộ dân sinh sống tại đó. Trong đó, mỗi hộ gia đình có thể sở hữu sổ đỏ riêng hoặc không
- Những lô đất, căn nhà trong khu dân cư không bị ràng buộc bởi bất kì điều lệ nào theo luật định thông thường, người dân có thể tiến hành mua bán, chuyển nhượng, biếu tặng, cho thuê,…
Đất quy hoạch khu dân cư là gì? Tại sao cần quy hoạch khu dân cư?
Như một số đặc điểm đã được nêu ra ở trên, đất quy hoạch khu dân cư là những khu vực nằm trong quy hoạch phát triển của chính quyền địa phương nhằm xây dựng những khu dân cư mới có thể là khu dân cư, khu tái định cư.
Việc thực hiện quy hoạch khu dân cư có nhiều lợi ích khác nhau tới đời sống người dân cũng như chính sách quản lý người dân của địa phương và nhà nước có thể kể đến:
- Giúp chính quyền địa phương và nhà nước dễ dàng quản lý người dân địa phương theo khu vực
- Khả năng đảm bảo an ninh trong khu vực được tăng cường quản lý và giám sát qua hình thức đăng ký thường trú, tạm trú tại khu vực
- Quy hoạch của địa phương trở nên gọn gàng, rõ ràng, không bị phân mảnh
Người đại diện khu dân cư có chức năng gì?
Nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác quản lý, mỗi khu dân cư đều sẽ bầu ra một người đại diện là cầu nối giữa người dân trong khu dân cư với chính quyền địa phương nhằm biểu quyết và truyền đạt những ý kiến của người dân tới chính quyền địa phương đồng thời cập nhật các chính sách, chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo địa phương tới mọi người đang sinh sống và làm việc trong khu dân cư.
Theo quy định tại thông tư số 09/2017 của Bộ Nội Vụ, người đại diện khu dân cư được gọi là trưởng ấp, trưởng khu vực hay trưởng khu dân cư
Phân loại khu dân cư
Theo quy định tại Nghị định 25/2019/ND-CP mới sửa đổi, khu dân cư được phân ra 4 cấp độ như sau:
Loại 1:
Mật độ nhà ở trung bình dưới 6 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở, đặc trưng cho các khu vực đất rừng, núi; đất hoang hóa; đất ngập mặn, đất nông nghiệp
Loại 2:
Mật độ nhà ở trung bình 6 – 28 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở, đặc trưng cho các khu đất nông nghiệp có mật độ dân cư cao, các cụm dân cư
Loại 3:
Khu vực có mật độ nhà ở trung bình nhiều hơn 28 nhà/ một đơn vị diện tích cơ sở, đặc trưng cho các khu vực thị trấn, chợ, ngoại vi các thành phố, khu vực không thuộc khu dân cư loại 4
Trong trường hợp có các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, nhà thờ, chợ trong khu vực dân cư cấp độ 1 và 2, có mức tập trung thường xuyên nhiều hơn 20 người thì sẽ nâng lên thành khu dân cư loại 3
Loại 4:
Khu vực có trên 28 nhà trên một đơn vị diện tích cơ sở, đặc trưng cho các thành phố, mật độ dân cư cao, khu vực có nhiều nhà ở nhiều tầng, mật độ giao thông cao và có nhiều công trình ngầm
Một số khái niệm cần nắm về khu dân cư
Khu dân cư văn hóa là gì?
Khu dân cư văn hóa là một danh hiệu được xét tặng theo các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 12 Nghị định 122/2018/NĐ-CP.
Cụ thể 5 tiêu chuẩn như sau:
- Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, gồm các tiêu chí sau:
– Người trong độ tuổi lao động có mức thu nhập ổn định
– Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là mức bình quân chung)
– Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn mức bình quân chung
– Tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở kiên cố cao hơn mức bình quân chung, không có nhà ở dột nát trong khu dân cư
– Hệ thống giao thông chính được quy chuẩn hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện, sạch sẽ
– Có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật; phát triển ngành nghề truyền thống; hợp tác và liên kết phát triển kinh tế
- Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, gồm các tiêu chí sau:
– Có nhà văn hóa, sân thể thao phù hợp với điều kiện của khu dân cư;
– Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên;
– Tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh; có điểm đọc sách phục vụ cộng đồng; thực hiện tốt công tác hòa giải;
– Bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương;
– Các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được giữ gìn, bảo vệ.
- Môi trường cảnh quan sạch đẹp, gồm các tiêu chí sau:
– Hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Có hệ thống cấp, thoát nước;
– Nhà ở, công trình công cộng, nghĩa trang phù hợp quy hoạch của địa phương;
– Các địa điểm vui chơi công cộng được tôn tạo, bảo vệ và giữ gìn sạch sẽ;
– Có địa điểm bố trí vị trí quảng cáo rao vặt;
– Có điểm thu gom rác thải;
– Có hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường;
– Tổ chức, tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
- Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gồm các tiêu chí sau:
– Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách dân số;
– Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động cơ quan nhà nước; các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả;
– Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần từng năm; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ;
– Có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật;
– Đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự;
– Chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng, gồm các tiêu chí sau:
– Thực hiện chính sách của Nhà nước về các hoạt động nhân đạo, từ thiện và đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Cuộc vận động vì người nghèo” và các cuộc vận động khác;
– Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em, người có công, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ và người có hoàn cảnh khó khăn.
Trên đây là 5 tiêu chuẩn để đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa theo quy định của Nhà nước và sẽ được các cấp chính quyền địa phương xem xét, xét duyệt và trao tặng
Khu dân cư tự phát?
Khu dân cư tự phát được hiểu là các cụm dân cư có từ 4 căn nhà trở lên, nằm tại vị trí không đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương
Thực tế, khu dân cư tự phát không có một định nghĩa rõ ràng theo luật định vì thế mỗi địa phương lại có những tiêu chuẩn phân loại riêng gây khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng tại những khu vực dân cư tư phát.
Khu dân cư tự phát cũng được chia thành 4 loại:
- Loại 1: Khu vực đã tách thửa nhưng chưa xây dựng hạ tầng
- Loại 2: Khu dân cư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương nhưng chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết
- Loại 3: Khu vực không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng
- Loại 4: Khu vực có mục đích sử là cây lâu năm và chưa có quy hoạch xây dựng
Trên đây là một số những khái niệm giúp bạn có một cái nhìn tổng quản về một khu dân cư theo quy định hiện hành tại Việt Nam. Mong bạn đã tìm thấy những kiến thức bổ ích qua nội dung bài viết này.