Hiện nay, du lịch ở Việt Nam ngày càng phát triển, kéo theo sự bùng nổ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú, trong đó có kinh doanh khách sạn. Không thể phủ nhận đây là một ngành kinh doanh đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, chính vì lẽ đó mà cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Vậy làm thế nào để bạn vượt mặt các đối thủ cạnh tranh và kinh doanh khách sạn thành công?
Trong bài viết dưới đây, ezCloud sẽ chia sẻ với bạn tất cả những điều bạn cần biết để kinh doanh khách sạn thành công.
Kinh doanh khách sạn là gì?
Kinh doanh khách sạn ngày càng phát triển
Kinh doanh khách sạn được hiểu là hoạt động kinh doanh trên cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ bổ sung nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng để mang về doanh thu và lợi nhuận.
Đặc điểm kinh doanh khách sạn
#1. Phụ thuộc vào tài nguyên du lịch của từng địa phương: Khách hàng chủ yếu của khách sạn thường là khách du lịch. Do đó, ở đâu có nhiều tài nguyên du lịch thì ở đó hoạt động kinh doanh khách sạn thường phát triển.
#2. Đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn: Do chi phí thuê đất và xây dựng khách sạn ban đầu. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho trang thiết bị, tiện nghi của khách sạn và lao động cũng rất lớn.
#3. Sử dụng nhiều lao động trực tiếp: Sản phẩm của ngành kinh doanh khách sạn là dịch vụ hay mang tính chất phục vụ. Do đó, hoạt động kinh doanh khách sạn cần sử dụng nhiều lao động trực tiếp. Vì đặc điểm này nên các nhà quản lý khách sạn luôn phải đối mặt với vấn đề chi phí lao động cao nhưng lại khó cắt giảm do có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dịch vụ.
#4. Mang tính thời vụ: Như đã nói ở trên, hoạt động kinh doanh khách sạn gắn chặt với hoạt động du lịch. Mà hoạt động du lịch lại mang tính thời vụ. Do đó, hoạt động kinh doanh khách sạn cũng mang tính thời vụ, và thường được chia làm 2 mùa: cao điểm và thấp điểm. Nhìn chung, mùa cao điểm thường trùng với mùa du lịch.
Các loại hình kinh doanh khách sạn
#1. Khách sạn thương mại (Commercial hotel): Chủ yếu dành cho đối tượng khách hàng doanh nhân đi công tác.
#2. Khách sạn nghỉ dưỡng (Resort hotel): Chủ yếu dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn. Loại hình khách sạn này thường được xây dựng ở những địa điểm có tài nguyên thiên nhiên như: biển, hồ, rừng, núi…
#3. Khách sạn sân bay (Airport hotel): Thường được xây dựng gần sân bay, chủ yếu phục vụ đối tượng là phi công, tiếp viên hàng không hoặc khách quá cảnh chờ chuyến bay với thời gian lưu trú ngắn.
#4. Khách sạn sòng bạc (Casino hotel): Hướng đến đối tượng khách hàng có nhu cầu vui chơi, giải trí, cờ bạc… Loại hình khách sạn này thường được đầu tư rất quy mô với nội thất cao cấp và trang thiết bị hiện đại.
#5. Khách sạn bình dân (Hostel): Thường đặt gần nhà ga, bến xe…, phục vụ đối tượng chủ yếu là dân du lịch phượt và những người có nhu cầu nghỉ qua đêm.
#6. Nhà nghỉ ven đường (Motel): Thường dành cho đối tượng muốn dừng chân lưu trú qua đêm như: tài xế ô tô, mô tô…
#7. Khách sạn nổi (Floating Hotel): Là loại hình khách sạn được xây dựng trên những con tàu cỡ lớn (thay vì trên đất liền). Các khách sạn loại này thường không cố định một chỗ mà có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác hoặc qua lại giữa các nước.
#8. Khách sạn căn hộ (Codotel/ Residences/ Serviced Apartment): Là dạng căn hộ gồm đầy đủ các phòng chức năng như: phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp… nhưng được cho thuê và kinh doanh như khách sạn. Đối tượng khách hàng chủ yếu của loại hình này là: nhóm bạn bè, gia đình hoặc khách có nhu cầu lưu trú dài hạn.
#9. Khách sạn “con nhộng” (Pod hotel): Là dạng kết hợp giữa homestay và hostel, gồm nhiều phòng ngủ nhỏ (còn được gọi là viên nang) trong một diện tích nhất định. Loại hình này khá phổ biến ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hồng Kông… do giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi cơ bản và tính riêng tư.
Khách sạn con nhộng Kaiteki Hotel ở Sài Gòn
Kinh doanh khách sạn cần chuẩn bị những gì?
#1. Vốn: là yêu cầu tiên quyết đối với mọi hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh khách sạn. Như đã nói ở trên, kinh doanh khách sạn đòi hỏi một số vốn rất lớn. Loại hình kinh doanh này tiêu tốn rất nhiều chi phí như: chi phí thuê mua địa điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm tiện nghi, trả lương cho nhân viên, chi phí duy trì hoạt động của khách sạn…
#2. Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng: Do phải đầu tư một số vốn lớn, nên nếu không nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng thì nhà đầu tư sẽ rất dễ thua lỗ. Trong quá trình nghiên cứu, bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
- Nhóm khách hàng mục tiêu của khách sạn là ai?
- Họ có thường xuyên lui tới khách sạn của bạn không? Với tần suất là bao nhiêu?
- Loại hình khách sạn mà bạn muốn hướng tới?
- Nên đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi ở mức nào?
- Đặt giá dựa trên chi phí hay đối thủ cạnh tranh?
#3. Địa điểm kinh doanh: Trong kinh doanh khách sạn và dịch vụ lưu trú, địa điểm là yếu tố vô cùng quan trọng. Khách hàng thường có xu hướng lựa chọn những khách sạn nằm gần các điểm du lịch nổi tiếng, nhà ga, sân bay… để thuận lợi cho việc di chuyển.
#4. Hoàn thành thủ tục cấp phép kinh doanh: Kinh doanh khách sạn là một ngành kinh doanh có điều kiện. Do đó, để được cấp phép kinh doanh, khách sạn của bạn cần đáp ứng một số yêu cầu. Những yêu cầu này đã được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật như: Luật Du lịch 2017, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL. Bên cạnh giấy phép kinh doanh, bạn còn cần những giấy phép khác như: giấy chứng nhận an ninh trật tự, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy xếp hạng sao khách sạn.
>> Để biết thêm chi tiết, hãy tham khảo bài viết: Những thủ tục pháp lý để được cấp phép kinh doanh khách sạn
#5. Thi công, xây dựng khách sạn: Đây không phải là việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Do đó, bạn cần tính toán chính xác thời điểm khởi công để hoàn thành đúng tiến độ nhằm phục vụ công việc kinh doanh. Ví dụ, với những khách sạn ở gần biển thì việc xây dựng cần được hoàn thành trước mùa hè để khách sạn kịp khánh thành và tiếp đón du khách vào mùa du lịch biển.
#6. Tuyển quản lý và nhân viên: Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như kinh doanh khách sạn, yếu tố con người là quan trọng nhất. Bạn cần một đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, thái độ phục vụ nhiệt tình và kỹ năng xử lý tình huống tốt. Ngoài ra, nếu bạn không thể quản lý khách sạn thì cần phải thuê một quản lý. Hãy lựa chọn những người có kinh nghiệm bởi công việc quản lý khách sạn không hề đơn giản.
Đội ngũ nhân viên khách sạn
Những thách thức khi kinh doanh khách sạn trong thời đại 4.0
#1. Sự lớn mạnh của Airbnb
Airbnb không phải là một công ty kinh doanh khách sạn mà là trung gian kết nối giữa người cho thuê phòng và khách du lịch. Với mức giá rẻ hơn nhiều so với các khách sạn truyền thông, Airbnb ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Bắt đầu tiến quân vào thị trường Việt Nam từ năm 2015 với khoảng 1.000 phòng cho thuê, tính đến tháng 7 năm 2018, con số này đã tăng lên tới hơn 16.000 phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Con số này bằng tổng số phòng của tất cả các khách sạn 2-4 sao tại TP. Hồ Chí Minh. Rõ ràng, Airbnb đã trở thành mối đe dọa với các khách sạn truyền thống. Trong đó, các khách sạn vừa và nhỏ là đối tượng cảm nhận điều này rõ hơn ai hết khi thị phần đang dần bị thu hẹp lại.
#2. Kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao
Có thể bạn đã biết, du khách hiện đại ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với những tiện nghi của khách sạn: wifi miễn phí 24/24, trải nghiệm độc nhất, hệ thống giải trí hiện đại… Và để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cạnh tranh thành công với đối thủ, không còn cách nào khác là bạn phải thường xuyên đầu tư và nâng cấp tiện nghi của khách sạn.
#3. Xu hướng tiếp thị thay đổi
Internet phát triển đã làm thay đổi cách thức tiếp thị kinh doanh. Và lĩnh vực kinh doanh khách sạn cũng không phải là ngoại lệ. Hiện nay, các khách sạn đã chuyển sang các hình thức tiếp thị trực tuyến, ví dụ như: Bán phòng trên các kênh OTA (đại lý du lịch trực tuyến), website, quảng cáo Facebook, Google… Với những hình thức tiếp thị trực tuyến, khách sạn có thể dễ dàng tiếp cận một lượng khách hàng đông đảo trên khắp cả nước và thậm chí trên toàn thế giới.
#4. Khó khăn khi xây dựng lòng trung thành của khách hàng
Hiện nay, chỉ với một vài click chuột, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm những mức giá ưu đãi khi đặt phòng từ hàng trăm, hàng ngàn khách sạn trên internet. Do đó, việc xây dựng lòng trung thành của khách là một thách thức hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy, đây vẫn là việc cần làm bởi bởi theo nghiên cứu, chi phí để tiếp cận khách hàng mới cao hơn khoảng 5 – 25 lần so với chi phí tiếp cận khách hàng cũ.
#5. Vấn đề an toàn dữ liệu
Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, dữ liệu của khách hàng vô cùng quan trọng. Nếu mất dữ liệu, mọi hoạt động của khách sạn sẽ bị ngưng trệ. Hơn nữa, du khách nước ngoài rất coi trọng dữ liệu cá nhân của mình. Việc rò rỉ dữ liệu cá nhân có thể ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của khách sạn. Mặc dù vậy, phần lớn khách sạn vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa coi trọng vấn đề này. Đây là một thực tế đáng lo ngại khi mà Việt Nam luôn nằm trong danh sách những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất.
An toàn dữ liệu là vấn đề cần được chú trọng trong kinh doanh khách sạn
Làm thế nào để kinh doanh khách sạn hiệu quả?
#1. Đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, tiện nghi khách sạn
Trong kinh doanh khách sạn, cơ sở hạ tầng và tiện nghi khách sạn đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới trải nghiệm của khách hàng. Dù cho ngân sách của bạn có thể không có nhiều, nhưng bạn vẫn cần chú trọng đầu tư và thường xuyên nâng cấp các tiện nghi cơ bản của khách sạn như: chăn, ga, gối, đệm, khăn tắm…
Hãy chọn chất liệu mềm mại để mang lại cảm giác thoải mái cho khách hàng. Bên cạnh đó, đừng quên nâng cấp đường truyền Wi-fi để nâng cao tốc độ internet của khách sạn. Trong thời đại hiện nay, internet và smartphone đã trở thành những thứ không thể thiếu với khách hàng. Hãy tưởng tượng khách hàng của bạn sẽ cảm thấy khó chịu như thế nào khi không thể vào Facebook để tải những bức ảnh mà họ đã dành cả ngày để chụp.
#2. Mở rộng các dịch vụ mà khách sạn cung cấp
Đã qua rồi cái thời kinh doanh khách sạn chỉ để đáp ứng nhu cầu ngủ nghỉ của khách hàng. Khách hàng hiện đại ngày càng đòi hỏi cao hơn khi lưu trú tại khách sạn. Do đó, khách sạn cần mở rộng các dịch vụ cung cấp như: Tổ chức tiệc cưới, hội họp, spa, gym, cho thuê xe… Việc này cũng giúp khách sạn tăng thêm doanh thu bên cạnh doanh thu bán phòng.
#3. Đăng ký bán phòng trên các kênh OTA
Không thể phụ nhận, đối với phần lớn các khách sạn, OTA vẫn là một nguồn quan trọng mang lại lượt đặt phòng. Theo nghiên cứu, 76% lượt đặt phòng hiện nay đến từ các kênh OTA. Con số đó đủ cho thấy vai trò quan trọng của các kênh này. Do đó, bạn không nên quay lưng với các kênh OTA. Hãy học cách chung sống với họ.
Một khó khăn phổ biến mà các khách sạn thường gặp phải khi bán phòng trên các kênh OTA là việc cập nhật phòng trống một cách thủ công. Đây là một công việc rất tốn thời gian và công sức, lại còn rất dễ xảy ra sai sót. Chỉ cần không cập nhật kịp thời, cũng có thể dẫn đến tình trạng overbooking, khiến khách sạn bị phạt. Bởi vậy, bạn nên đầu tư một hệ thống quản lý kênh phân phối.
Với tính năng tự động cập nhật số phòng trống theo thời gian thực, bạn sẽ không còn phải lo lắng vấn đề overbooking nữa. Cụ thể, mỗi khi có booking đổ về, hệ thống sẽ tự động trừ số phòng trống hiện tại, sau đó đăng bán phòng trên tất cả các kênh với số phòng trống đã được cập nhật.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống quản lý kênh phân phối ezCms
#4. Xây dựng website khách sạn
Mặc dù OTA là một kênh bán phòng hiệu quả, tuy nhiên, bạn sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí hoa hồng không hề nhỏ. Bởi vậy, việc quá phụ thuộc vào các kênh OTA có thể khiến lợi nhuận của khách sạn giảm sút. Để tránh tình trạng đó, khách sạn nên xây dựng một website riêng. Điều này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của khách sạn mà còn cho phép khách đặt phòng trực tiếp với khách sạn. Tuy nhiên, bạn cần tích hợp công cụ đặt phòng trực tuyến (Booking Engine) để khách hàng có thể đặt phòng và thanh toán trực tiếp trên đó.
#5. Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên khách sạn
Nếu tham khảo các đánh giá của khách hàng trên các kênh OTA, bạn sẽ thấy rất nhiều đánh giá tập trung khen ngợi thái độ thân thiện và sự nhiệt tình của nhân viên. Rõ ràng, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như kinh doanh khách sạn, yếu tố con người vẫn luôn đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy, bạn cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên khách sạn. Đảm bảo họ luôn phục vụ khách hàng với nụ cười trên môi.
#6. Sử dụng phần mềm quản lý khách sạn
Trong thời đại Công nghệ 4.0 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và kinh doanh khách sạn đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Đó là lý do rất nhiều khách sạn đã sử dụng phần mềm quản lý khách sạn.
Ngày càng nhiều khách sạn sử dụng phần mềm quản lý
Một phần mềm chuyên nghiệp sẽ giúp tăng năng suất cho nhân viên, ví dụ như giúp họ thực hiện thao tác check-in, check-out… nhanh chóng và chính xác hơn. Điều đó sẽ mang lại sự hài lòng cho khách hàng, đồng thời nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp của khách sạn. Ngoài ra, một phần mềm quản lý khách sạn còn có nhiều tính năng khác như quản lý buồng phòng, quản lý báo cáo, email marketing… giúp việc quản lý và kinh doanh khách sạn trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.
>> Đọc thêm:
- Làm thế nào để kinh doanh khách sạn đạt hiệu quả cao?
- Kinh doanh khách sạn – Môi trường khó khăn và đầy rủi ro
- Các yếu tố về phong thủy trong kinh doanh khách sạn
- Kinh nghiệm kinh doanh khách sạn từ trang web
- 10 xu hướng phát triển của ngành kinh doanh khách sạn trong năm 2019