Trong các kỹ thuật tăng tỷ lệ thành công trong ống nghiệm (IVF), kỹ thuật IVM – trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM) là một trong những giải pháp cứu cánh cho những trường hợp vô sinh hiếm muộn do bệnh lý buồng trứng đa nang, đáp ứng buồng trứng kém…
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 6-12%, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng cho biết tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản là khoảng 7,7%, nghĩa là cả nước đang có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng gặp tình trạng vô sinh. Đáng báo động hơn, tỷ lệ vô sinh này ngày càng trẻ hóa với khoảng 50% trường hợp xảy ra ở cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. (1)
Tình trạng vô sinh hiếm muộn đang là thách thức lớn đối với ngành sản khoa. Sự xuất hiện của kỹ thuật nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm được ví như tiến bộ mới trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, mang đến cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn sớm đón con yêu, kể cả những ca khó vốn chưa thành công với các phương pháp hiện tại.
Kỹ thuật IVM là gì?
Kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (In vitro maturation – IVM) là kỹ thuật mà trong đó noãn được chọc hút ở giai đoạn chưa trưởng thành (giai đoạn túi mầm – GV hoặc Metaphase I – MI), được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt cho đến khi hoàn toàn trưởng thành (Metaphase II – MII). Các giai đoạn sau đó như tạo phôi, nuôi cấy phôi vẫn diễn ra như một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thông thường. (2)
Có nghĩa là, đối với IVM thì việc kích thích buồng trứng là không cần thiết, hoặc chỉ cần kích thích nhẹ (sử dụng mồi – priming) với liều thấp trong thời gian ngắn, do đó nguy cơ quá kích buồng trứng là điều không thể xảy ra.
Kỹ thuật nuôi trứng non được đề cập lần đầu tiên bởi Pincus và Enzmann vào năm 1935, sau đó là Edwards vào năm 1969. Thành công đầu tiên của IVM được ghi nhận bởi Cha và cộng sự trong một báo cáo vào năm 1991, thực hiện IVM được thu nhận qua nội soi ở một phụ nữ tình nguyện hiến noãn. Hiện nay, ước tính số lượng em bé trên thế giới được sinh ra từ kỹ thuật này khoảng 2.500 bé. (3)
Ưu điểm của kỹ thuật nuôi trứng non
Ưu điểm của kỹ thuật nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm IVM là ít xâm lấn, hạn chế đau đớn cho bệnh nhân. Đặc biệt, đây là giải pháp lý tưởng cho những bệnh nhân không đáp ứng kích thích buồng trứng. Khi thực hiện IVM sẽ không cần tiêm hormone, chính vì thế sẽ giảm được các nguy cơ biến chứng, tránh được tình trạng quá kích buồng trứng.
Bên cạnh đó, nếu người bệnh đã từng không thành công với kỹ thuật IVM ở lần đầu thì có thể áp dụng lặp lại nhanh chóng, thay vì phải chờ đợi một khoảng thời gian dài như trong kỹ thuật IVF.
“IVM chính là giải pháp tốt nhất dành cho những bệnh nhân đã thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) nhiều lần, hoặc đã sử dụng nhiều biện pháp điều trị vô sinh hiếm muộn khác nhưng không thành công. Đặc biệt, IVM còn tạo ra nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có điều kiện kinh tế khó khăn, vì chi phí điều trị bằng kỹ thuật này sẽ thấp hơn so với kỹ thuật IVF thông thường”, sentayho.com.vn Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ.
Đối tượng sử dụng phương pháp trưởng thành trứng non IVM
Trưởng thành trứng non trong ống nghiệm không sử dụng kích thích buồng trứng, hoặc có sử dụng kích thích buồng trứng nhẹ và thu nhận noãn non từ buồng trứng của phụ nữ, thay vì kích thích buồng trứng để thu nhận noãn đã trưởng thành bên trong cơ thể như IVF đơn thuần. Như vậy, về nguyên tắc IVM có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân hiếm muộn cần một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) là nhóm chỉ định chủ yếu của kỹ thuật IVM, bởi nhóm bệnh nhân này có nguy cơ cao quá kích buồng trứng khi sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Kết quả của nhiều nghiên cứu thực hiện IVM trên nhóm bệnh nhân này ghi nhận tỷ lệ có thai lâm sàng khoảng 30 – 35%.
Nhóm bệnh nhân thứ hai là bệnh nhân có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, buồng trứng không có hình ảnh đa nang. Tỷ lệ có thai của IVM ở nhóm này được ghi nhận khoảng 20 – 40%.
Gần đây, phương pháp IVM cũng đã được mở rộng chỉ định đối với một số trường hợp khác như đáp ứng quá mức với kích thích buồng trứng, đáp ứng kém với kích thích buồng trứng, buồng trứng kháng FSH… để thực hiện chẩn đoán tiền làm tổ cho bệnh nhân mắc bệnh Leukemia, cũng như để bảo tồn khả năng sinh sản.
Tóm lại, kỹ thuật IVM sẽ được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Không chịu được những tác dụng phụ của thuốc kích thích buồng trứng
- Bệnh nhân ung thư có nhu cầu dự trữ noãn, phôi
- Đáp ứng kém, buồng trứng kháng với FSH
- Lạc nội mạc tử cung
- Kết hợp giữa IVF chu kỳ tự nhiên và IVM
Quy trình thực hiện IVM
Quy trình lâm sàng của kỹ thuật IVM gồm các bước:
1. Chuẩn bị
Bệnh nhân được theo dõi qua siêu âm và chọn lựa thời điểm để tiến hành chọc hút lấy noãn. Có hai yếu tố đóng vai trò quyết định đến thời điểm chọc hút noãn là kích thước nang noãn và độ dày của nội mạc tử cung.
Các chuyên gia đã thực hiện một số nghiên cứu, thay đổi một số công đoạn trong quy trình IVM nhằm cải thiện số lượng và chất lượng noãn thu nhận bằng cách kết hợp sử dụng liều thấp FSH/hMG vào thời điểm đầu hoặc cuối pha nang noãn, hoặc sử dụng hCG trước khi thực hiện chọc hút noãn.
2. Chọc hút noãn non
Việc chọc hút noãn được thực hiện vào khoảng 36 – 40 giờ sau tiêm hCG. Vì nang có kích thước rất nhỏ (chỉ khoảng 10mm), buồng trứng nhỏ, mô đệm nhiều, đặc và di động nhiều, cũng như một số điểm khác biệt trong kỹ thuật thực hiện, dẫn đến việc chọc hút noãn non sẽ khó thực hiện hơn so với chọc hút lấy noãn trưởng thành.
3. Thu nhận tinh trùng
Noãn sẽ được nuôi trưởng thành trong vòng 24 – 26 giờ. Tuy nhiên, ghi nhận một số trường hợp ngay sau quá trình chọc hút đã phát hiện một số noãn trưởng thành, cho nên việc lấy tinh trùng ở người chồng sẽ được tiến hành đồng thời cùng lúc chọc hút noãn ở người vợ như quá trình IVF đơn thuần. Cách lấy tinh trùng sẽ được thực hiện tương tự như các trường hợp IVF đơn thuần, hoặc sẽ tiến hành phẫu thuật lấy tinh trùng (PESA, TESE) nếu cần thiết.
4. Nuôi trứng trưởng thành (IVM)
Môi trường nuôi cấy trứng non được bổ sung các gonadotropin, steroid, yếu tố tăng trưởng, huyết thanh và protein từ nhiều nguồn. Thời gian nuôi trứng non trưởng thành là khoảng 28-52 giờ. Trứng trưởng thành trong vòng 30 giờ sau thu nhận được ghi nhận là phát triển tốt hơn các trứng trưởng thành lâu hơn.
5. Thụ tinh
Tiến hành tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) sau khi IVM, có thể áp dụng cho cả trường hợp tinh trùng có thông số phân tích bình thường hoặc bất thường.
6. Chuyển phôi
Thông thường, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) sẽ thực hiện chuyển phôi IVM vào ngày 2 hoặc ngày 3 sau thụ tinh noãn với tinh trùng (tức là phôi đang ở giai đoạn phân chia).
7. Chuẩn bị nội mạc tử cung và hỗ trợ hoàng thể
Chuẩn bị nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong kỹ thuật IVM nhằm đồng hộ hóa giai đoạn phát triển của phôi với sự phát triển của nội mạc tử cung. Ở phương pháp này, không có sự phát triển nang noãn như bình thường, dẫn đến nội mạc tử cung không tiếp xúc được với estradiol và progesterone đầy đủ như chu kỳ có sự phát triển của nang noãn.
Thêm vào đó, nội mạc tử cung ở những bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường tiếp xúc với các dạng estrogen khác nhau, có nồng độ khác nhau, tính cường estrogen tương đối, thiếu tiếp xúc với progesterone do không phóng noãn của buồng trứng, thường đi kèm các bệnh lý ở nội mạc tử cung như tăng sinh nội mạc tử cung… Do đó, việc chuẩn bị nội mạc tử cung và hỗ trợ hoàng thể sẽ tạo ra một môi trường nội tiết thuận lợi, gây các biến đổi mô học trên nội mạc tử cung như trong giai đoạn “cửa sổ làm tổ của phôi” chính là chìa khóa cho sự thành công trong làm tổ của phôi IVM vào nội mạc tử cung.
Tại IVFTA, việc chuẩn bị nội mạc tử cung và hỗ trợ hoàng thể được thực hiện bằng cách sử dụng nội tiết ngoại sinh, phối hợp cùng estradiol đường uống và progesterone đường âm đạo.
8. Mang thai và sinh con
Thống kê cho thấy, tỷ lệ noãn chọc hút được vào khoảng 50%, tỷ lệ thụ thai vào khoảng 20-33%, trường hợp nuôi được đến phôi nang thì tỷ lệ có thai sẽ lên đến 54%. Tỷ lệ thành công của IVM ngày càng được nâng cao và những lợi ích mà IVM đem lại cho bệnh nhân rất lớn như giảm được chi phí điều trị, giảm liều thuốc sử dụng, cũng như giảm thiểu được nguy cơ quá kích buồng trứng.
Những lưu ý khi thực hiện IVM
Các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ sinh sản đưa ra 5 lưu ý giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn tham khảo để quá trình thực hiện IVM đạt kết quả tốt nhất.
1. Hiểu rõ về kỹ thuật IVM
IVM là một phương pháp thụ tinh nhân tạo mà trong đó trứng của người phụ nữ được thu thập, phát triển và trưởng thành trong phòng thí nghiệm. Mặc dù việc thực hiện IVM có kết hợp với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng các bước ban đầu là khác nhau.
Đối với IVF, một người phụ nữ phải trải qua 8-11 đêm tiêm hormone kích thích buồng trứng trước khi trứng được thu thập để thụ tinh. Còn trong IVM, người phụ nữ sẽ trải qua thời gian ngắn hơn, trung bình khoảng 3-6 ngày, thường được gọi là “giai đoạn mồi”. Trứng được lấy ra và trưởng thành trong phòng thí nghiệm, được thụ tinh và cấy vào tử cung người mẹ. Một số trường hợp khác, bác sĩ có thể đông lạnh phôi hoặc trứng trước, cấy vào bệnh nhân sau tùy theo yêu cầu.
2. Nghỉ dưỡng, chuẩn bị sức khỏe tốt
Trước khi quyết định thực hiện IVM, các cặp vợ chồng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát nhằm phát hiện kịp thời những bất thường về sức khỏe, có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời. Trường hợp sức khỏe vợ chồng bình thường, cần bồi bổ và rèn luyện điều độ để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất.
Vợ chồng cần nghỉ dưỡng hợp lý, bồi bổ dinh dưỡng để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho điều trị
3. Chuẩn bị nguồn tài chính
Quá trình bắt đầu từ thăm khám, thực hiện các thủ thuật, chuyển phôi thành công, mang thai và sinh con… sẽ tốn rất nhiều khoản chi phí.
4. Chuẩn bị tâm lý
Mặc dù thống kê ghi nhận tỷ lệ mang thai của kỹ thuật trưởng thành trứng non IVM lên đến 54%, nhưng không phải trường hợp nào cũng may mắn thành công ở lần đầu tiên. Do đó, việc chuẩn bị tâm lý thật tốt là việc vô cùng quan trọng, không để bản thân rơi vào trạng thái suy sụp, chán nản, nóng vội, căng thẳng… trở thành những rào cản trên hành trình tìm con yêu.
5. Lựa chọn trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín
Kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm là một trong những kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm. Đặc biệt, đối với những trường hợp phức tạp, cần có sự can thiệp sâu cũng như sự phối hợp đúng đắn giữa các thủ thuật… thì chỉ định đến từ bác sĩ uy tín là hết sức cần thiết.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) là một trong những chuyên khoa về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đi đầu cả nước. Được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, bố trí hệ thống máy móc tối tân, quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, sử dụng thành thạo những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới nhất và hiệu quả nhất. Thêm vào đó, IVFTA còn liên kết chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác như Sản Phụ khoa, khoa Sơ sinh… chăm sóc tốt sức khỏe mẹ và bé từ khi mang thai đến khi chào đời.
Những câu hỏi thường gặp
Tổng hợp những câu hỏi được gửi về hộp thư của IVFTA nhiều nhất, sentayho.com.vn Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội giải đáp thắc mắc như sau:
-
Có phải dùng thuốc kích trứng khi làm IVM không?
Hội chứng quá kích buồng trứng (Ovarian hyperstimulation syndrome – viết tắt là OHSS) là bệnh lý thường xảy ra ở phụ nữ sau tiêm thuốc hormone để kích thích phát triển trứng trong buồng trứng, kích thích rụng trứng nhằm hỗ trợ việc thụ thai và mang thai, thường gặp trong thụ tinh trong ống nghiệm. Còn trong kỹ thuật trưởng thành trứng non IVM, thì việc kích thích buồng trứng là điều không cần thiết, hoặc trong một số trường hợp chỉ cần kích thích nhẹ với một liều lượng thấp trong một thời gian ngắn. Do đó, nguy cơ quá kích buồng trứng trong IVM là điều hoàn toàn không thể xảy ra.
-
Lợi ích của phương pháp IVM đối với bệnh nhân ung thư là gì?
IVM là một trong những giải pháp tốt nhất cho phụ nữ mắc bệnh ung thư, không thể đợi đủ thời gian cần thiết để có trứng trưởng thành hoàn toàn trước khi bắt đầu điều trị ung thư. IVM sẽ giúp thu nhận những trứng chưa trưởng thành để sử dụng sau này, bảo toàn khả năng mang thai và sinh con cho phụ nữ. Thêm vào đó, ở những phụ nữ mắc bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen, IVM giúp tránh tình trạng sản xuất estrogen như các phương pháp kích thích buồng trứng thông thường. (4)
-
Kỹ thuật nuôi trứng non hết bao nhiêu tiền?
Kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả tình trạng hiếm muộn hiện nay, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố khiến các cặp vợ chồng do dự khi lựa chọn IVM như tỷ lệ thành công, chi phí điều trị… Trong đó, chi phí cho một ca IVM tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ rất khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hai vợ chồng, các bệnh lý cần điều trị trước khi tiến hành IVM, phác đồ điều trị tùy theo cơ địa, khả năng đáp ứng thuốc, nhu cầu của người bệnh…
Do đó, khuyến cáo các cặp vợ chồng hãy đến thăm khám trực tiếp tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các bác sĩ chuyên môn tư vấn cụ thể, chi tiết và có mức giá chính xác cho từng trường hợp.
Kỹ thuật IVM đã được áp dụng hơn một thập kỷ với nhiều ưu điểm nổi trội cũng như quy trình đơn giản, tiết kiệm chi phí. Liên hệ ngay đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu.