Lông mọc ngược và những sự thật mà bạn chưa biết – YouMed

Lông mọc ngược là tình trạng rất phổ biến và xảy ra ở nhiều người. Khi đó, sợi lông không mọc ra bên ngoài mà thay vào đó lại cuộn tròn vào bên trong da. Do sợi lông mọc vào trong sẽ đóng vai trò là một vật kích thích khiến cho da bị sưng viêm và gây đau. Bệnh này có thể xảy ra ở nhiều đối tượng nhưng thường thấy nhất là ở nam giới. Vậy nguyên nhân nào khiến cho lông không mọc theo đúng hướng của nó mà lại quay ngược vào trong. Chuyên gia từ YouMed sẽ giúp chúng ta giải đáp ngay sau đây.

Lông mọc ngược là gì?

Làn da của chúng ta có rất nhiều các đơn vị nang lông nằm ở dưới da. Theo sinh lý bình thường thì sợi lông sẽ mọc thẳng lên trên bề mặt da thông qua lỗ chân lông. Thỉnh thoảng trên vùng da của chúng ta có thể bị sưng viêm và đau nhức. Nếu nhìn thật kỹ thì bạn sẽ thấy sợi lông ở vị trí lỗ chân lông đó không mọc thẳng ra ngoài mà cuộn vào trong khiến da sưng gồ lên. Đó là tình trạng lông mọc ngược và nó xảy ra rất phổ biến ở nhiều người.

Đây là tình trạng khá phổ biến trong cuộc sống

Tình trạng này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên nó có thể khiến da bị sưng viêm và thậm chí nhiễm trùng nặng hơn nếu bạn không biết cách xử lý.

Triệu chứng của lông mọc ngược là gì?

  • Mụn mủ
  • Da nổi gồ ở vị trí lỗ chân lông tạo thành cục u nhỏ
  • Da đỏ viêm
  • Đau
  • Ngứa
  • Da sạm
  • Lông chìm dưới bề mặt da

Những vị trí nào thường xảy ra tình trạng này

Lông mọc ngược có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào có lông trên cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên những nơi thường xuyên cạo hay nhổ lông thì tần suất gặp phải tình trạng này sẽ cao hơn. Bên cạnh lông nách mọc ngược phổ biến, chúng ta có thể bị tình trạng này ở:

  • Mặt và cổ
  • Da đầu
  • Tay
  • Chân
  • Ngực
  • Lưng
  • Mông
  • Vùng mu

Nguyên nhân khiến lông mọc ngược là gì?

Cấu trúc của nang lông và hướng của sợi lông ảnh hưởng đến cách mọc của sợi lông. Ở những người có lông xoăn thì chúng sẽ gặp khó khăn trong việc mọc thẳng. Do đó sợi lông dễ bị cuộn vào trong và dẫn đến tình trạng lông mọc ngược.

Tế bào chết trên da cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lông bị mọc ngược. Không tẩy tế bào chết cho da sẽ tạo những nút bít tắt ở lỗ nang lông. Từ đó trong lỗ nang lông có vật cản khiến cho sợi lông khó vượt qua và mọc thẳng ra bên ngoài.

Androgen là hormon giới tính có ảnh hưởng đến sự phát triển của lông và tóc. Ở những người có nồng độ androgen cao sẽ bị rậm lông và lông tăng trưởng quá mức bình thường. Sự tăng trưởng quá mức dẫn đến mất kiểm soát và tạo cơ hội cho lông mọc ngược vào trong.

Ngoài ra một số cá nhân có thói quen nhổ hay cạo lông đều có nguy cơ bị lông mọc ngược. Nhổ và cạo lông không hết sẽ để lại một đoạn lông dưới bề mặt da. Chính đoạn lông này sẽ kích thích vùng da dẫn đến tình trạng viêm. Vì nam giới có thói quen cạo râu nên dễ dẫn đến lông mọc ngược ở vùng da mặt. Đối với các bạn nữ thường hay cạo lông tay hay chân cũng sẽ rất dễ bị tình trạng này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường thì bạn không cần đến khám bc sỹ khi chỉ bị một vài vị trí lông mọc ngược. Chúng ta có thể xử lý chúng dễ dàng tại nhà bằng các cách đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên nếu tình trạng lông mọc ngược của bạn trở nên nghiêm trọng hoặc lông mọc ngược trở thành bệnh lý mạn tính thì lúc này bạn nên đến khám bác sỹ chuyên khoa để được điều trị thích hợp. Những trường hợp nên đến khám bác sỹ chuyên khoa đó là:

  • Mụn mủ hay tạo thành nang chứa mủ
  • Viêm đỏ nhiều
  • Ngứa nhiều
  • Đau nhiều

Trong trường hợp nhiễm trùng thì bác sỹ sẽ kê toa giúp diệt khuẩn và giảm nhanh triệu chứng. Còn đối với các trường hợp bị lông mọc ngược mạn tính thì cần thiết thay đổi thói quen và các loại thuốc bôi giúp làm tiêu sừng ở trên da. Bạn cũng đừng tự ý nhổ lông mọc ngược hoặc xử lý không đúng cách.

Lông mọc ngược là tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều người. Đây là tình trạng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng quát nhưng đôi khi có thể gây viêm nhiễm. Nguyên nhân khiến cho lông mọc ngược có thể do cấu trúc sợi lông, hormon và một vài thói quen. Thông thường chúng ta không cần phải đến khám bác sỹ nếu tình trạng này xảy ra nhẹ. Nếu tình trạng trở nên nặng hơn như viêm nhiều, đau nhức, ngứa nhiền hay nổi mủ thì các bạn nên đến khám để được bác sỹ điều trị phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *