Luận chứng – Luận cứ – Luận điểm | Thảo luận 247

Bất kỳ tác phẩm viết nào thuộc thể loại phi hư cấu, dù là ngắn như một câu văn, một đoạn văn, bài viết hay là dài như các bản luận văn, luận án, đồ án, thậm chí là đồ sộ như các đề án, công trình nghiên cứu, chúng ta – người đọc hay người phản biện – đều có thể đánh giá được dựa trên ba tiêu chí đó là luận chứng, luận cứ và luận điểm.

Luận chứng là bằng chứng (giấy tờ, tài liệu, hình ảnh, vật chứng) đã được kiểm chứng là đáng tin cậy đưa ra để lí luận. Luận cứ là những căn cứ đáng tin cậy (tiên đề, nguyên lý, chân lý, danh ngôn, ngạn ngữ, ca dao, tục ngữ) – được số đông mọi người công nhận là đúng – đưa ra để làm cơ sở lí luận. Còn luận điểm là các nhận định, ý kiến, bình luận, suy diễn logic do tác giả đưa ra.

1. Luận chứng Luận chứng là các bằng chứng đưa ra để làm căn cứ lí luận. Bằng chứng có thể là giấy tờ, tài liệu, số liệu, hình ảnh, đồ vật, hiện vật được cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyên môn xác thực là đáng tin cậy, thì mới được sử dụng làm căn lí luận. Một cách trực quan nhất, luận chứng là những thứ có thể nhìn thấy, cầm lấy, đo đạc và kiểm chứng được. Từ các bằng chứng xác thực, người ta đưa ra các lập luận bằng cách suy diễn logic, thì những lập luận đó phải được công nhận là đúng.

2. Luận cứ Luận cứ là những căn cứ phi vật thể, vô hình nhưng đáng tin cậy đưa ra để làm cơ sở (căn cứ) lí luận, suy diễn… Luận cứ có thể là những tiên đề, nguyên lý, chân lý, danh ngôn, ngạn ngữ, ca dao, tục ngữ… Tóm lại, đó là những tri thức được mọi người công nhận là đúng đắn, đáng tin cậy. Ví dụ bản “Tuyên ngôn độc lập” chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình, 2/9/1945, khi viết ông dùng luận cứ là một câu trong bản “Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ” và một câu trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791”.

3. Luận điểm Luận điểm là những lập luận, ý kiến, suy diễn logic của các tác giả. Luận điểm được các luận chứng và luận cứ bảo vệ. Khi trình bày, luận điểm có thể được đưa ra trước hay sau khi đưa ra các luận chứng hay luận cứ. Dĩ nhiên, nếu các luận chứng và luận cứ càng xác thực, đáng tin cậy, cùng với việc suy diễn càng có tính logic (biện chứng) cao, thì tính đúng đắn của các luận điểm được suy diễn ra càng cao.

Kết luận Bình thường, ở các hoạt động học thuật, khuôn mẫu chung của những bài viết phi hư cấu là: tác giả đưa ra các luận chứng và luận cứ rồi rút ra các luận điểm. Bởi mỗi bài viết là một sản phẩm trí tuệ, thì cần phải có một giá trị học thuật nào đó. Dù là ngắn như một đoạn văn hay dài như là các luận án, đề án, đề tài nghiên cứu, thì giả của chúng cần đưa ra được điều gì đó mới mẻ và hữu ích cho cộng đồng. Hiểu như “thông điệp đúng đắn” ở bên các tác phẩm hư cấu (truyện).

Khi đánh giá các sản phẩm trí tuệ phi hư cấu đó, người chấm điểm sẽ xem xét đến các vấn đề như: “luận chứng” có xác thực không, “luận cứ” đáng tin cậy ở mức nào, việc suy diễn có đúng trình tự và có logic không, cuối cùng là “luận điểm” tác giả đưa ra có đúng đắn, mới mẻ và sắc sảo hay không. Rồi tầm cỡ (giá trị) của của các “luận điểm”, cao hơn là thông điệp của bài viết, cuốn sách đó ở mức nào, đóng góp được các giá trị học thuật lớn đến đâu cho cộng đồng và nhân loại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *