Người tiêu dùng là gì?

Hàng ngày chúng ta đi siêu thị mua đồ, chúng ta sử dụng điện, sử dụng nước, sử dụng wifi,… chúng ta là những người tiêu dùng. Vậy có bao giờ bạn tò mò rằng: vậy thì người tiêu dùng là gì? Chính sách của nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra sao? Người tiêu dùng có quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào?

Trong bài viết lần này, chúng tôi sẽ cũng cấp tới các bạn một số những kiến thức cơ bản nhất về người tiêu dùng như vậy.

Người tiêu dùng là gì?

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức theo quy định tại khoản 1 – Điều 3 – Luật bảo về quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chính sách của nhà nước ta về người tiêu dùng là gì? Nội dung này được Luật quy định rất rõ ràng tại Điều 5 – Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể như sau:

“ 1. Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng.

3. Triển khai thường xuyên, đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Huy động mọi nguồn lực nhằm tăng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nhân lực cho cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thường xuyên tăng cường tư vấn, hỗ trợ, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức cho người tiêu dùng.

5. Đẩy mạnh hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Quyền lợi của người tiêu dùng

Tại Điều 8 – Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định rõ 8 quyền lợi mà người tiêu dùng có đó chính là:

Thứ nhất: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Thứ hai: Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan tới giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Thứ ba: Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Thứ tư: Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Thứ năm: Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ sáu: Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Thứ bảy: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Thứ tám, được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Nghĩa vụ của người tiêu dùng

Theo quy định tại Điều 9 – Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu năm 2010 thì người tiêu dùng có hai nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa dịch vụ.

Thứ hai: Thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm tớiu quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết người tiêu dùng là gì? Quý độc giả có thể liên hệ đến Luật Hoàng Phi theo số 1900 6557 để được hỗ trợ, trân trọng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *