Khi tham gia mạng xã hội, người sử dụng không khó bắt gặp những hình ảnh kèm lời kêu gọi: “Like nếu bạn ghét ung thư”, “Nếu không Like ảnh cô gái này chứng tỏ bạn là gay”, “Like nếu bạn là con trai, comment nếu bạn là nữ”. Thậm chí, nhiều nội dung còn đánh vào tâm lý của người xem như “Like nếu bạn yêu mẹ” (không Like tức là không yêu mẹ), “Những người đọc thông điệp mà không Like thì sẽ gặp xui xẻo cả tháng”…
Bạn đang đọc: Nguyên nhân của những trò ‘câu Like’ trên Facebook – VnExpress Số hóa
Ở Việt Nam, những hoạt động này được gọi là “câu Like” còn trên thế giới có một thuật ngữ tương tự là “Like Farming” (cày Like).
Câu Like vì thích được Like
Bạn cảm thấy thế nào khi đăng một status lên Facebook mà cả ngày không ai bấm Like hay Comment (bình luận)? Một số người cho rằng đó là chuyện bình thường, số khác lại không vui, hụt hẫng vì thấy chẳng ai quan tâm và dần chán chia sẻ trên mạng. Nhưng nhìn chung, đã tham gia Facebook, hầu như ai cũng thấy hài lòng khi những gì họ đăng lên “thu hoạch” được nhiều Like, thấy vui khi status sau đông vui hơn status trước, thấy háo hức khi đèn báo Notification liên tục sáng. Vì thế, nhiều người đã nghĩ ra những cách khác nhau để khiến mọi người vào Like, có thể là một câu chuyện cười, một bức ảnh độc đáo mang tính giải trí hay đi quá đà như đôi trai gái ở Hải Phòng tuyên bố được 30.000 Like sẽ tung clip…
Quan điểm và thái độ của người xem có thể khác nhau, nhưng trò câu Like này được thực hiện không vì mục đích kiếm tiền mà đơn giản mang tính “chém gió” cho vui.
Câu Like như một kiểu spam
Đôi khi người ta khó lý giải vì sao một nội dung câu Like nào đó lại xuất hiện trên Facebook. Giống như trước đây, người dùng Yahoo Messenger hoặc Yahoo Mail nhận được các thông điệp phát tán qua chat và hòm thư như: “Tôi là bố của cháu A, cháu bị mắc bệnh ung thư… Mỗi lần tin nhắn này được gửi đi, Microsoft (hoặc một tổ chức nào đó) sẽ ủng hộ cháu 500 đồng. Xin hãy gửi thông điệp này tới bạn bè của bạn”. Có ý kiến cho rằng đây là một dạng cố tình làm nghẽn đường truyền Internet, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyên gia nào xác định được chính xác mục đích cụ thể cho hành động “spam” người dùng trên các dịch vụ online đó. Tương tự, các thành viên Facebook cũng thường xuyên nhận được lời kêu gọi kiểu: “Mỗi lượt Like sẽ là 1 USD cứu em bé”.
Câu Like để kiếm tiền
Đây mới chính là nguồn gốc sinh ra đội “nông dân cày Like” (Like Farming) trên Facebook. Mạng xã hội này vốn có cơ chế hiển thị các hoạt động cá nhân của mỗi thành viên lên News Feed dưới dạng viral (thông tin lan truyền). Có nghĩa, khi thành viên A bấm Like/Comment một thông tin trên trang B thì hoạt động này sẽ lập tức xuất hiện trên News Feed của nhiều người có trong danh sách bạn bè của A. Thành viên C – bạn của A – nhìn thấy và tiếp tục bấm Like thì hoạt động của C lại hiển thị trên News Feed của bạn bè C…
Cứ như vậy, trang B càng ngày càng được nhiều người biết đến qua các mối quan hệ bắc cầu trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để khuyến khích được nhiều người tương tác (Like, Comment, Share) hơn nữa, trang B đó sẽ cố tình đăng những nội dung mang tính chất câu kéo như ảnh thương tâm, ảnh cảm động, thông tin giật gân… hoặc tung ra những ứng dụng “nhảm” nhưng kích thích trí tò mò cao như “Ai đang thầm thương trộm nhớ bạn?”, “Bạn sẽ chết như thế nào?”, “Tên tiếng Hàn của bạn”…
Sau khi đạt được lượng Like đủ lớn (mà người ta gọi là “nuôi FanPage”), chủ sở hữu trang B có thể bán lại trang của mình với giá hời cho một công ty marketing nào đó đang cần có nhanh một danh sách khách hàng tiềm năng. Các nội dung trên trang B dần được điều chỉnh và thay đổi theo thời gian để phù hợp với mục đích quảng cáo mới.
Hoặc nếu không muốn bán, người quản lý trang B có thể biến tài khoản của mình thành công cụ quảng bá, cho thuê trang để kinh doanh. Ví dụ, họ sẽ liên hệ với một shop bán quần áo, hàng ăn… hứa hẹn sẽ đăng status về cửa hàng đó trên trang với giá trọn gói 1-5 triệu đồng (tùy lượng Fan trên trang đó là bao nhiêu), hoặc đưa ra mức giá 200 đồng cho mỗi một lượt Like…
“Nguyên tắc của mình là chỉ cho thuê, không bán. Cho khoảng 10 người thuê các page cũng được ít nhất 30 triệu mỗi tháng. Mình có một page người ta trả mua đứt 80 triệu đồng nhưng vẫn chưa bán”, một chủ sở hữu tới 5 trang có số fan đều từ 500.000 trở lên cho hay.
Một blogger ở Australia đã sửng sốt và nổi giận khi thấy ảnh con gái Katie, được bà đăng trên web cá nhân của mình, bị những “nông dân cày Like” lợi dụng. Dưới bức ảnh là dòng chú thích: “Đây là em gái tôi Mallory. Bé bị down và luôn nghĩ mình thật xấu xí. Hãy Like bức ảnh để tôi có thể cho bé thấy bé xinh đẹp nhường nào”.
Một lần bấm Like giống như một lượt click chuột. Nó tiêu tốn chưa đầy một giây của người dùng. Nhưng đôi khi, sự thương cảm, lòng trắc ẩn trước các hoàn cảnh khốn khó của những người bấm Like đã vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi. Họ cũng tự biến mình thành kẻ đi spam khi những lần Like hay Share nội dung rác của họ hiển thị trên trang cá nhân của bạn bè và người thân.
Châu An
- Trò ‘treo status kiếm tiền’ lan rộng trên Facebook
- Những chức năng ‘khó đỡ’ của nút Like
- Facebook – mỏ vàng của những trò lừa câu Like
- UNICEF: ‘Bấm Like không cứu nổi mạng người’
>>>>>Xem thêm: Lỗi Adobe Flash Player bị chặn: Cách khắc phục nhanh