Nhận thức về vũ khí công nghệ cao trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc

CNQP&KT – Vũ khí công nghệ cao là một trong những nhân tố quan trọng của thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh quân sự của quốc gia, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bạn đang đọc: Nhận thức về vũ khí công nghệ cao trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh nhân dân là một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, được hun đúc và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy cao độ trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa con người với vũ khí, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thế trận chiến tranh nhân dân liên hoàn vững chắc. Mới đây nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”; đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm: “tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Theo Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia – dân tộc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc”. Xây dựng tiềm lực quốc phòng bao gồm: xây dựng tiềm lực chính trị; xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng tiềm lực khoa học – công nghệ và xây dựng tiềm lực quân sự. Trong đó, tiềm lực quân sự bao gồm hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí, trang bị. Như vậy, vũ khí nói chung và vũ khí công nghệ cao nói riêng là một nội dung quan trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân, cần phải được nghiên cứu, tổ chức, triển khai trong mối quan hệ với các yếu tố khác để tạo nên thế trận vững chắc đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, có thể thấy, từ khi ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh quốc phòng toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Thực tế chứng minh rằng, trong chiến tranh nhân dân với nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhờ cách đánh tài tình sáng tạo, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm cao mà các loại vũ khí hiện có đều được phát huy cao độ khiến kẻ thù phải khiếp sợ, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Song, chiến tranh nhân dân không có nghĩa là chỉ có vũ khí thông thường mà đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng với những loại vũ khí trang bị từ thô sơ đến hiện đại.

Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, vũ khí công nghệ cao là “vũ khí được nghiên cứu thiết kế, chế tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có sự nhảy vọt về chất lượng và tính năng chiến – kỹ thuật”. Trên thực tế, từ những năm 1970, thế giới đã bùng nổ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại với nhiều thành tựu mới về công nghệ thông tin, tự động hóa, vật liệu mới, sinh học, năng lượng mới. Cuộc cách mạng này đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực quân sự. Nhiều loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự mới có hàm lượng trí tuệ cao, có sự nhảy vọt về chất lượng và tính năng chiến – kỹ thuật, được gọi là vũ khí công nghệ cao đã ra đời. Theo thống kê, kể từ cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao đầu tiên là chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (chiếm 8%); tiếp đến là chiến dịch “Con cáo sa mạc” ở I-rắc (12/1998), vũ khí công nghệ cao chiếm 50%; chiến tranh Nam Tư (năm 1999) là 75-80%; thì đến chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) đã là 90% và chiến tranh I-rắc (năm 2003) trên 90%.

Vũ khí công nghệ cao là “vũ khí được nghiên cứu thiết kế, chế tạo dựa trên những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có sự nhảy vọt về chất lượng và tính năng chiến – kỹ thuật”.

(Nguồn: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam)

Do vậy, trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của vũ khí công nghệ cao trong thế trận quốc phòng toàn dân, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, mua sắm mới kết hợp với nghiên cứu, chế tạo sản xuất trong nước. Đến nay, kết quả nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trở lại vấn đề nghiên cứu, vũ khí công nghệ cao được đặt trong mối quan hệ biện chứng với các yếu tố khác trong thế trận quốc phòng toàn dân, đến xây dựng tiềm lực quốc phòng như tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ và quân sự. Từ những phân tích, luận giải trên đây, để giải quyết tốt mối quan hệ về vũ khí công nghệ cao trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò của vũ khí công nghệ cao trong thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân.

Nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang về ưu điểm, hạn chế cũng như dự báo sự phát triển vũ khí công nghệ cao trong tương lai. Tăng cường hiểu biết về khả năng tích hợp, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các thế hệ vũ khí công nghệ cao; những tác động, ảnh hưởng của loại vũ khí này đến hình thức, phương pháp tác chiến, huấn luyện bộ đội, nhất là để đối phó và phòng, chống có hiệu quả vũ khí công nghệ cao. Tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm chuyển biến nhận thức của các chủ thể về vũ khí công nghệ cao. Đấu tranh chống những quan điểm, nhận thức không đúng về vũ khí công nghệ cao trên cả hai khuynh hướng là đề cao hoặc xem nhẹ.

Hai là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa vũ khí công nghệ cao với vũ khí thông thường và các nhân tố khác trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hiện đại hóa Quân đội, trong đó có một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Theo đó, nhiều thế hệ vũ khí mới, hiện đại đã từng bước được trang bị cho Quân đội. Song, do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, việc hiện đại hóa quân đội phải được tiến hành từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Hơn nữa, vũ khí dù có hiện đại đến đâu vẫn phải do con người sử dụng, con người vẫn là nhân tố quyết định. Do đó, để xây dựng nền quốc phòng hiện đại, phải gắn và giải quyết đồng bộ các nhân tố của nền quốc phòng. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế, tăng cường dự trữ cơ sở vật chất cho quốc phòng, vận dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học – công nghệ, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị hiện có với nghiên cứu, sản xuất và mua sắm trang bị hiện đại.

Vũ khí công nghệ cao là một nội dung quan trọng trong thế trận quốc phòng toàn dân, cần phải được nghiên cứu, tổ chức, triển khai trong mối quan hệ với các yếu tố khác để tạo nên thế trận vững chắc đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân hiện đại.

Ba là, tổ chức, triển khai, bố trí vũ khí công nghệ cao phù hợp với điều kiện địa hình, vùng miền, địa bàn chiến lược.

Kết hợp chặt chẽ giữa vũ khí công nghệ cao với vũ khí thông thường, tạo nên thế trận liên hoàn vững chắc, nhiều tầng, nhiều nấc, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân linh hoạt, hiệu quả. Phát huy cách đánh, lối đánh sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng và toàn thể nhân dân. Khơi dậy, phát huy thế mạnh của các địa phương, vùng miền để tạo nên sức mạnh tổng hợp; khai thác có hiệu quả các loại vũ khí hiện có trong phòng, chống vũ khí công nghệ cao; triển khai, bố trí vũ khí công nghệ cao phù hợp để bảo toàn lực lượng; bố trí các trang – thiết bị nghi trang phù hợp, góp phần hạn chế tính năng các loại vũ khí công nghệ cao của đối phương. Phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quán triệt và triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên từng khu vực, địa bàn, tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc, sâu rộng của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí công nghệ cao.

Hiện đại hóa Quân đội không chỉ đòi hỏi vũ khí hiện đại mà cần phải có những con người hiện đại. Con người hiện đại ở đây là sự phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, đức và tài, “vừa hồng, vừa chuyên”. Đặc biệt, trong chiến tranh hiện đại, người lính không chỉ cần có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có niềm tin và ý chí quyết tâm cao, lòng yêu nước, mà cần phải được đào tạo bài bản, có kiến thức, trình độ chuyên môn, đủ khả năng làm chủ các loại vũ khí công nghệ cao. Nói cách khác, muốn có vũ khí công nghệ cao thì trước hết phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần khai thác, làm chủ và sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật nói chung và vũ khí công nghệ cao nói riêng.

Năm là, nghiên cứu nghệ thuật quân sự, kinh nghiệm phòng, chống vũ khí công nghệ cao trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều thế hệ vũ khí hiện đại, cục diện thế giới có nhiều thay đổi; sự toan tính của các cường quốc đã tác động mạnh đến chính sách quốc phòng của nhiều nước. Bởi vậy, việc đối phó với các cuộc chiến tranh hiện đại là sự đấu tranh toàn diện trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và bổ sung, phát triển phù hợp trong điều kiện lịch sử mới. Đặc biệt, cần nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân đối với từng lực lượng và phối hợp, hiệp đồng quân, binh chủng, các lực lượng trên cả đất liền, biển, đảo, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

TS. ĐỚI VĂN TẶNG*

ThS. VŨ THỊ PHƯƠNG DUNG**

__________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2019.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001.

4. Nguyễn Như Huyền, Chuyên đề: Đặc điểm của chiến tranh kiểu mới – sử dụng vũ khí công nghệ cao do Mỹ tiến hành trong những năm gần đây, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 2007.

5. Thiếu tướng, TS. Đào Xuân Nghiệp, Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế, số 1/2021: Bước tiến mới trong công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật.

6. Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

*Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

>>>>>Xem thêm: Xử lý việc kết hôn trái pháp luật cập nhật mới nhất

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *