Phạm Thị Khánh*
Tóm tắt: Bài viết phân tích những biến đổi của đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam hiện nay. Theo tác giả, đạo Hiếu là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp, là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, qua nhiều thế hệ. Là bộ phận của ý thức xã hội, đạo Hiếu cũng thay đổi trước biến đổi của tồn tại xã hội, đặc biệt sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin và internet. Sự biến đổi nhanh chóng của đạo Hiếu tác động đến mạnh mẽ đến tất cả các thành viên của gia đình, đặc biệt với những người lớn tuổi. Để gia đình bình yên và hạnh phúc, gia đình cần nâng cao vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn của đạo Hiếu.
Từ khóa: Gia đình Việt Nam; Đạo Hiếu; Quan hệ gia đình.
1. Đặt vấn đề
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đạo Hiếu đóng vai trò nền tảng của đời sống tinh thần, giữ vị trí quan trọng và quyết định quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Theo dòng chảy của thời gian, những giá trị truyền thống của người Việt, trong đó có đạo Hiếu đang có những thay đổi, gắn với sự thay đổi của tồn tại xã hội.
Bài viết tập trung phân tích những biến đổi của đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam hiện nay ở 2 nội dung chính: (1) Quan niệm về đạo Hiếu; (2) Sự biến đổi của đạo Hiếu trong gia đình người Việt, trong đó tập trung xem xét vào các nội dung và hình thức thực hành đạo Hiếu, phương diện con cháu nuôi dưỡng, vâng lời, thờ cúng ông bà, cha mẹ.
2. Quan niệm về đạo Hiếu
Đạo Hiếu được xem là giá trị đạo đức căn bản của người Việt Nam, thể hiện sâu sắc nhất mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ. Mặc dù bị ảnh hưởng từ Nho giáo hay Phật giáo, nhưng qua lăng kính của người Việt, qua thực tiễn xã hội Việt Nam, đạo Hiếu của người Việt cũng có những nét đặc sắc riêng.
Gia đình Việt được ví như cái nôi, được xem như trường học đầu tiên giáo dục đạo đức và nhân cách cho mỗi thành viên của gia đình. Cha mẹ có công sinh thành, nuôi nấng, chăm sóc, dạy bảo. Công lao của cha mẹ được con cái ghi nhớ và đền đáp. Việc ghi nhớ và đền đáp chính là việc thực hành đạo Hiếu. Trong bài viết này, đạo Hiếu được hiểu theo ba nghĩa căn bản: Đối xử tốt với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; Giữ vững và phát huy nề nếp gia phong; Giữ tang lễ cho đúng cách. Như vậy, Hiếu không chỉ thể hiện ở sự chăm sóc chu đáo, mà còn là ở thái độ tình cảm, thậm chí còn là tín ngưỡng, tâm linh.
Theo từ điển tiếng Việt, “Hiếu là lòng biết ơn đối với cha mẹ; có lòng kính yêu, hết lòng chăm sóc cha mẹ” (Hoàng Phê, 2011).
“Đạo Hiếu là một nguyên tắc đạo đức rất được coi trọng trong gia đình truyền thống, là cốt lõi của luân lý gia đình” (Lê Ngọc Văn, 2012). Gia đình Việt Nam truyền thống có các ưu điểm như: có sự gắn bó cao về tình cảm, theo huyết thống, bảo lưu các truyền thống văn hóa, tập tục nghi lễ, phát huy gia phong, gia lễ, gia đạo. Các thành viên gia đình gắn kết, giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, chăm sóc người già và giáo dục thế hệ trẻ. Trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của con cái thể hiện trong đạo Hiếu. Mỗi cá nhân phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của gia đình, gia tộc, gia phong “trên kính dưới nhường”, đền đáp công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đối với người Việt Nam, Hiếu là tiêu chí đạo đức gốc.
Trong gia đình, quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xếp ở vị trí hàng đầu. Tuy mối quan hệ đó luôn có xu hướng biến đổi theo hoàn cảnh xã hội, nhưng cốt lõi vẫn không thay đổi đó là sự biết ơn, kính trọng, vâng lời, phụng dưỡng, chăm sóc những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Đạo Hiếu thể hiện đa dạng, phong phú trong các phong tục truyền thống như trong hôn nhân, lễ mừng thọ, lễ, tết, giỗ chạp. Vì thế, đạo Hiếu vừa mang chức năng giáo dục xã hội, vừa hướng đến đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong văn hóa Việt Nam, đạo Hiếu được xem là một di sản quý báu giúp người Việt làm nên văn hóa của dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đạo Hiếu đề cao văn hóa gia đình và cộng đồng làng xã ở lòng tự hào là dòng giống con rồng cháu tiên và ở ý thức về hiếu hạnh, đặt nền tảng xây dựng đạo đức xã hội. Đạo Hiếu mang đến giá trị hướng thiện, ý nghĩa sâu sắc qua sự dung hòa giữa tinh thần vị tha, xá tội vong nhân và giải thoát của Phật giáo. Đạo Hiếu Việt Nam là toàn bộ tư tưởng mà người Việt tiếp thu từ nhiều nền văn hóa khác nhau và ứng dụng phù hợp vào hoàn cảnh, cung cách ứng xử trên phương diện gia đình, làng xã, dân tộc.
3. Biến đổi của đạo Hiếu trong gia đình người Việt
Gia đình Việt Nam hiện nay đang biến đổi về cấu trúc, quy mô, quan hệ giữa các thành viên. Sự thay đổi mô hình và phương thức sản xuất, điều kiện sống ở nông thôn đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm truyền thống về gia đình, quan niệm sống và lối sống, phương thức ứng xử với tự nhiên và xã hội. Nét chủ đạo trong sự biến đổi đó là xa dần, hiện đại hóa, “làm mới” các giá trị truyền thống để tiếp cận các giá trị mang sắc thái công nghiệp, năng động sáng tạo, thích nghi với thế giới hiện đại và xã hội dịch vụ, tiêu dùng, kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa.
Ngày nay, lớp trẻ sẵn sàng thoát ly tổ ấm gia đình, quê hương, tổ quốc thân yêu đi tìm miền đất hứa ở các quốc gia giàu có, để khởi nghiệp và sáng tạo, hưởng thụ các giá trị đời sống tiện nghi, dịch vụ hiện đại. Theo Tổng cục Thống kê năm 2009, “Dân số di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ đạt 5 triệu người, nhiều hơn đáng kể so với dân số di cư từ thành thị đến nông thôn với 1,4 triệu người di cư vào năm 2019. Dự báo cho thấy tỷ lệ dân số di cư nông thôn ra thành thị trên tổng số dân thành thị sẽ tăng từ 8,9% năm 2009 lên 11% năm 2019” (Tổng cục Thống kê, 2009). Những sự thay đổi đó đã làm đổi trong cấu trúc gia đình, làm lỏng lẻo các mối quan hệ giữa các thành viên và kéo theo sự biến đổi đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam.
Sự biến đổi nội dung và hình thức thực hành đạo Hiếu
Xã hội hiện nay đang có những biến đổi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội và văn hóa, gia đình là một tế bào xã hội nên cũng nằm trong dòng biến đổi đó. Hình thức gia đình truyền thống “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” có xu hướng thu hẹp, nhường chỗ cho gia đình hạt nhân hiện đại. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, hiện nay có 65,8% gia đình có hai thế hệ cùng chung sống, kiểu gia đình “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ) chiếm 0,6% (Trần Thị Minh Thi, 2019). Gia đình hạt nhân thường tập trung nhiều ở các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ đáp ứng nhu cầu “quần tụ” (một phần do cơ chế xây dựng khu dân cư) và nhịp sống của xã hội hiện đại. Thực tế cho thấy, tất cả các gia đình trí thức, viên chức nhà nước, công nhân công nghiệp, dịch vụ, lực lượng vũ trang đều là gia đình hạt nhân. Tuy nhiên các gia đình hạt nhân vẫn giữ một số nét đặc trưng của gia đình truyền thống. Các thành viên vẫn nhận được sự quan tâm chăm sóc của đại gia đình (ông bà, chú, bác, dì, cậu ruột). Dù ở riêng hay ở xa, các thành viên trong gia đình hạt nhân vẫn hướng về gia đình truyền thống ở quê hương, nhất là các dịp giỗ, tết. Theo thông tin của báo Lao động, trong mỗi ngày giáp tết Nguyên Đán năm 2016, chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 200.000 người về quê ăn tết (Minh Quân, Trần Phan, 2016). Đa phần các gia đình có gốc thoát ly từ nông thôn đều về đón tết nguyên đán cùng cha, mẹ, họ hàng ở quê cha đất tổ – đó là một nét đẹp văn hóa mà ông bà, cha mẹ cố duy trì làm giá đỡ và tấm gương sống trong việc giáo dục lòng nhân ái cho con cháu.
Không những thế, trong thời đại ngày nay, đạo Hiếu không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng ra các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ. Thông qua các chính sách xã hội cụ thể và hoạt động, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, hướng dẫn, động viên, giáo dục thế hệ trẻ tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Mùa hè xanh – Thanh niên tình nguyện”, v.v. quan tâm chăm sóc thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, già yếu, neo đơn. Muốn thực hiện được điều đó, gia đình phải nâng cao vai trò của giáo dục Đạo Hiếu. Trong xã hội ngày nay, nếu ứng dụng trọn vẹn “Đạo Hiếu” vào suy nghĩ và hoạt động của tuổi trẻ thì sẽ mang lại những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Sự biến đổi về phương diện con cháu vâng lời ông bà, cha mẹ
Nếu trong truyền thống, do ảnh hưởng của quan niệm Nho giáo, tuyệt đối hóa vai trò của cha mẹ, nên con cái phải sống theo theo nguyên tắc, khi còn nhỏ thì “Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”, khi đến tuổi dựng vợ gả chồng thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Thực tế này phản ánh rõ nét trong văn hóa dân gian, hầu như ai cũng thuộc câu ca: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con không nghe lời cha mẹ, trăm đường con hư”, thì ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, dưới ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, của sự giao thoa nhiều luồng văn hóa, con cái đã có quyền tự do, tự lựa chọn nghề nghiệp, tự quyết định số phận và tương lai của mình. Nhà tâm lý học Hồ Ngọc Đại trong các bài viết “Quan hệ cha mẹ – các con”, “Dám hỗn”, “Trẻ có quyền sai”, “Thế nào là hỗn” (Hồ Ngọc Đại, 2000) đã chứng minh và lý giải rằng, quan hệ giữa cha – mẹ và con cái trong xã hội hiện đại là quan hệ song phương, bình đẳng cần có nhau như hai mặt của một đồng tiền, cha mẹ nuôi dưỡng con cái khi chúng còn nhỏ, rồi sau đó đến lượt mình, con cái lại phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già nua, nên dân gian mới có câu: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn, dưỡng tử phòng lão”. Thực ra, quan niệm này trong truyền thống không phải không đề cập đến, như câu nói: “Trẻ sợ cha, già sợ con”. Chữ “sợ” ở đây có nhiều nghĩa, trong đó có cả sự nghe lời, tuân phục ý kiến của nhau. Bằng những thực tế sinh động, ông cho rằng: “Trong xã hội hiện đại, câu nói “cá không ăn muối cá ươn” không hoàn toàn đúng, vì trong thực tế “cá không ăn muối mà vẫn không ươn” bằng cách cho vào tủ lạnh. Nói như vậy là nói vui thôi, chứ sự lý giải đó hàm nghĩa là ngày nay con cái được học hành tử tế, lại được đi đây đi đó, nên nhiều lĩnh vực có thể hiểu biết hơn cha mẹ, do vậy, họ có thể tự lựa chọn những phương án khả ưu cho đời sống của mình” (Hồ Ngọc Đại, 2000). Ngày nay, con cái đã thực hiện quyền hôn nhân tự do dựa trên cơ sở tự mình tìm hiểu “bạn đời” rồi “thưa chuyện” với cha mẹ để đôi bên quyết định làm lễ thành hôn. Ở điểm này, sự quyết định của cha mẹ chỉ là thứ yếu, là khâu cuối cùng, còn con cái là bước khởi đầu, là cơ bản. Như vậy, trong giáo dục gia đình hiện đại, vấn đề tôn trọng con trẻ đã được chú ý, giữa cha mẹ và con cái đã có quyền tự do – bình đẳng, chế độ gia trưởng theo tinh thần Nho giáo đã từng bước nhường quyền cho quan điểm tự do dân chủ ngay trong lĩnh vực gia đình.
Sự biến đổi về phương diện con cháu nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ
Nếu ngày xưa con cái phải trực tiếp hay tự mình chăm sóc cha mẹ khi đau ốm, già yếu thì ngày nay việc đó đã có sự thay đổi trong nhận thức cũng như trong hành vi ửng xử của con cái đối với cha mẹ. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, hiện nay có 4,8% số người được hỏi không đồng ý sống cùng bố mẹ khi họ già yếu; 10,4% số người lưỡng lự “nửa đồng ý, nửa không đồng ý”. (Trần Thị Minh Thi, 2019). Việc chăm sóc bố mẹ khi già yếu đã được thị trường hóa cùng với sự ra đời của các Trung tâm bảo trợ xã hội và dịch vụ thuê người giúp việc chuyên nghiệp hoặc nhờ người thân thích giúp rồi trả tiền thù lao theo cơ chế thị trường. Ban đầu Trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc người già cô đơn, không nơi nương tựa nhưng sau đó do nhu cầu, một số con cái vì nhiều lý do khác nhau đã gửi cha mẹ vào thuê người chăm sóc. Việc làm này xét về mặt ý tưởng là tốt, đáng hoan nghênh, song xét phương diện tâm lý – xã hội thì cũng đáng bàn, xã hội chưa hoặc không đồng tình.
Thuê người giúp việc chăm sóc cha mẹ cũng đang là một cái “mốt thời thượng” đối với những gia đình có điều kiện kinh tế hiện nay. Việc làm này biểu hiện sự quan tâm của con cái đến cha mẹ, song chỉ là về phương diện “dịch vụ” đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của người già mà không thay thế được con cái về mặt tình cảm, tâm lý. Trong thực tế, nhiều người con ỷ vào người giúp việc, nên ít thăm hỏi cha mẹ, làm cha mẹ tự ái, mặc cảm, cô đơn, dẫn đến suy sụp tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe.
Thế hệ cha mẹ ngày nay có trình độ học vấn tương đối cao, họ chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực khoa học và đọc nhiều sách vở, học triết học và thông hiểu phép biện chứng, đặc biệt là quan hệ nhân quả. Do vậy, họ ý thức được rằng, nếu đối xử tốt với cha mẹ thì sẽ làm gương cho con cái đối xử tốt với mình khi về già. Đây là một suy nghĩ tích cực tác động tốt tới việc giáo dục đạo hiếu, giáo dục lòng nhân ái cho con cái. Vậy là, ở đây trong Đạo hiếu hiện đại có sự đan xen giữa “Danh” và “Lợi”, chứ không thuần túy trong sáng, “vô tư” như ngày trước.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, hiện tượng vi phạm đạo Hiếu đã xuất hiện trong các gia đình Việt Nam. Dưới tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, lối sống đề cao tiền bạc, danh vọng, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng len lỏi vào mỗi gia đình Việt, “tính cá nhân đã thống trị trước tính cộng đồng và tập thể” (Trần Thị Minh Thi, 2017). Bạo lực gia đình gia tăng, bạo lực với người cao tuổi, những hành vi đi ngược lại với đạo đức, đặc biệt đã vi phạm nghiêm trọng đạo Hiếu.
Theo kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, dân số Việt Nam đang “già hóa”. Tỷ lệ người trên 60 tuổi dự báo sẽ chiếm 20,7% dân số vào năm 2040, so với 10,2% năm 2014. Bên cạnh đó, cấu trúc gia đình Việt Nam đang thay đổi rõ rệt, nếu năm 1993 có tới 80% người cao tuổi sống với con cái thì năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn 69,5% (Ngô Thị Phương Lê, 2018).
Theo TS. Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam, trước khi tham mưu cho Quốc hội xây dựng Luật Người cao tuổi, Viện đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về thực trạng bạo lực gia đình đối với người cao tuổi tại 3 tỉnh Phú Yên, Quảng Trị và Đắk Lắk. Kết quả, phần lớn số người được hỏi cho biết đã từng bị con cháu bỏ rơi, không được chăm sóc (Lâm Vũ, 2011).
Sự biến đổi về phương diện con cháu thờ cúng ông bà, cha mẹ.
Trong truyền thống, “Đám tang” là cơ hội để con cái thể hiện rõ nhất sự hiếu thảo của mình với các hành vi mang tính biểu cảm như than khóc, cúng bái, thì ngày nay con cái ít khóc lóc thảm thiết, thay vào đó là dịch vụ “Phường bát âm”. Việc thờ cúng cha mẹ khi họ đã “khuất núi” cũng khác nhiều so với trước. Tuy có giảm bớt số lễ, song lại phát sinh phong trào đưa hồn người chết lên chùa, gửi ảnh nhờ nhà chùa hương khói, thờ cúng vĩnh viễn. Thực tế nhiều “chùa thiêng” đã và đang quá tải về dịch vụ “thờ mướn” hương hồn này.
Lễ vật thờ cúng ông bà, cha mẹ ngày nay cũng khác xưa, tạo nên “tình huống có vấn đề”. Triết lý dân gian Việt Nam có câu “dương sao, âm vậy”, nghĩa là “thị hiếu, khẩu vị” cha mẹ khi còn sống thế nào thì khi chết con cái cũng phải dựa vào đó mà thờ cúng. Nhưng con cái ngày nay không để ý đến điều này, cứ đặt lễ theo sở thích cá nhân, vì nghĩ một cách đơn giản (có khi còn do sĩ diện) là lễ vật càng nhiều, càng “có giá đắt” thì càng thể hiện lòng hiếu thảo. Đây thật sự không phải là một suy nghĩ đúng đắn theo nguyên tắc thờ cúng của ông bà là “lễ bạc, lòng thành” – nghĩa là việc thờ cúng chủ yếu ở tấm lòng thành thật chứ không nằm ở lễ vật hay mình đặt lên bàn thờ cái gì.
Vàng mã dùng để thờ cúng ngày nay cũng có nhiều điểm khác xưa. Trước đây, vàng mã được làm bằng giấy và cũng chỉ đơn giản là quần áo, mũ nón cùng vài đồ dùng cá nhân cần thiết, làm theo phương thức cách điệu hóa đồ thật, trông rất đơn giản, giá cả vừa phải, phù hợp với điều kiện kinh tế mọi gia đình. Còn ngày nay, với trình độ công nghệ cao, vật liệu “composit” thì hàng mã trở nên tinh xảo và vô cùng đa dạng, từ quần áo, mũ nón cho đến các đồ điện tử như điện thoại di động, laptop, tivi, tủ lạnh, xe máy tay ga. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm (Huệ Linh, 2018). Điều này không chỉ gây sự tốn kém kinh phí, gây ô nhiễm môi trường, mà còn làm méo mó mối quan hệ chân thành của con cháu với ông bà, cha mẹ khi thực hành đạo Hiếu.
Phong tục tảo mộ vào tiết thanh minh trong truyền thống nay cũng đã được hiện đại hóa đến mức không còn mang tính tâm linh nữa mà dường như trở thành nghĩa vụ, hoặc sợ dư luận xã hội nên con cháu mới làm. Nghĩa gốc của từ “tảo mộ” là quét sạch rác rưởi, cây dại xung quanh, vun đắp, làm mới mộ chí đã trải qua một năm mưa nắng, sương gió. Điều này rất đúng với ngày xưa, khi mộ chí được đắp bằng đất và nằm giữa thiên nhiên hoang dại. Ngày nay, mộ chí đã được “bê tông hóa kiên cố”, nên con cháu cũng không đi đông, mà chỉ đại diện theo “gia đình, chi, nhánh” đến thắp hương.
Rõ ràng, hiện nay, với sự thay đổi mạnh mẽ của các yếu tố tồn tại xã hội, ý thức xã hội đã và đang có sự thay đổi nhất định, kéo theo sự thay đổi hình thức biểu hiện đạo Hiếu của gia đình Việt Nam.
4. Kết luận
Đối với người Á Đông, trong đó có người Việt Nam, đạo Hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng gắn kết các thành viên trong gia đình. Dù thời đại nào, giá trị đó cần được lưu giữ và phát triển. Để gia đình luôn là tế bào lành mạnh của xã hội, là bến đỗ bình yên của mỗi người, là nơi con người được yêu thương và thể hiện tình yêu thương; chúng ta cần nâng cao vai trò của gia đình trong việc giữ gìn, phát huy đạo Hiếu, có phương pháp giáo dục đạo Hiếu cho thế hệ trẻ, phù hợp với những thay đổi của xã hội hiện nay.n
Ghi chú
* Học Viện Bưu chính Viễn thông
Tài liệu trích dẫn
Hồ Ngọc Đại, 2000. Các bài báo. Nxb. Lao động.
Hoàng Phê, 2011. Từ điển Tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng.
Huệ Linh, 2018. Đốt vàng mã – tập tục lạc hậu cần xóa bỏ: Người Hà Nội “đốt” 400 tỷ đồng mỗi năm. Báo điện tử sentayho.com.vn, ngày 28/2/2018.
Lâm Vũ, 2011. Ngược đãi cha mẹ già có thể bị phạt tù đến 3 năm. Báo điện tử sentayho.com.vn, ngày 10/3/2011.
Lê Ngọc Văn, 2012. Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội.
Minh Quân,Trần Phan. 2016. Thành phố Hồ Chí Minh 200.000 lượt người về quê ăn tết mỗi ngày. Báo Lao động điện tử, ngày 4/2/2016.
Ngô Thị Phương Lê, 2018. Người già cô đơn. Báo điện tử vnexpress, ngày 25/8/2018.
Tổng cục Thống kê, 2009. Di cư đô thị hóa ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt.
Trần Thị Minh Thi, 2017. “Giá trị gia đình từ tiếp cận lý thuyết và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi”, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Số 1, tr.33 – 45.
Trần Thị Minh Thi, 2019. Đề tài cấp Bộ, KH-XH/16-19. Một số giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay. Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 2, năm 2019