Mục lục
Bổ thận tráng dương là gì?
Bổ thận tráng dương là khái niệm chỉ việc bồi bổ thận nhằm tăng cường sức mạnh của nam giới (dương là biểu hiện cho khí chất và sức mạnh của nam giới).
Do vậy, rất nhiều quý ông có vấn đề về thận đã tìm đến những bài thuốc này với hy vọng nâng cao sức khỏe của thận và sung mãn hơn trong chuyện chăn gối. Thậm chí, nhiều người không gặp vấn đề gì về “bản lĩnh đàn ông” nhưng nghe những lời lan truyền về sức mạnh thần kỳ của các bài thuốc này nên cũng đã tìm mua và sử dụng với mong muốn trở thành “người hùng” trong mắt người tình.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyện dở khóc dở cười bắt đầu từ việc quý ông tự ý dùng các loại thuốc được gắn mác “bổ thận tráng dương” được bán trôi nổi trên thị trường.
“Thận hư” có nghĩa là bị bệnh thận?
Trước tiên, cần biết rằng khái niệm về “tạng Thận” trong Đông Y rộng hơn so với “cơ quan Thận” theo giải phẫu Tây y. Theo Đông y, thận chủ cốt tủy, nghĩa là thận tàng tinh, sinh tủy, nuôi xương cốt. thực hiện chức năng sinh dục, tiết niệu, nội tiết, xương cốt, huyết dịch cho đến công năng của hệ thống thần kinh. Nếu chức năng thận suy giảm thì cột sống sẽ bị đau nhức, ê buốt. Hai “trái” thận theo Tây y có chức năng lọc máu (thải độc), kiểm soát các chất điện giải, nước… và không liên quan đến chức năng sinh dục.
Thận hư là cách nói trong Đông y, về cơ bản là căn cứ triệu chứng của bệnh nhân, thông qua tứ chẩn, gồm: vọng (xem), văn (nghe), vấn (hỏi), thiết (sờ, nắn). Việc này cần thầy thuốc Đông y có kinh nghiệm lâm sàng phân tích, phán đoán toàn diện.
Còn bệnh thận trên quan điểm của tây y chính là những bệnh lý thực thể của thận như viêm thận, sỏi thận, lao thận, u thận, suy thận…. Do đó, khi nói “thận hư” thì không có nghĩa là bị bệnh thận mà chỉ là một chứng trong Đông y. Còn khi được chẩn đoán là “suy thận” “sỏi thận”… thì chắc chắn là đã mắc bệnh lý thận. Do vậy, nếu một quý ông bị chẩn đoán bệnh thận (tây y) nhưng lại đi dùng các bài thuốc bổ thận tráng dương (đông y) thì là sai nguyên tắc, coi chừng lợi bất cập hại.
Bài thuốc bổ thận tráng dương là dùng cho mọi đối tượng
Sách Đông y cổ có ghi, “Hư thì bổ, thực thì tả” – hư ở đây là để chỉ tình trạng suy nhược của cơ thể, sức đề kháng giảm sút. Tuy nhiên trong Đông y không có khái niệm “hư’ chung chung mà tùy theo các mặt âm dương, khí huyết mà phân biệt ra nhiều loại “hư” khác nhau. Có người thận âm hư, có người thận dương hư, cũng có người bị khí hư, huyết hư, can tỳ hư… Các bài thuốc Đông y vốn dựa trên nguyên tắc về cân bằng âm dương. Cho nên, sẽ không có một bài thuốc chung cho “thận hư” mà thầy thuốc sẽ căn cứ vào các trường hợp cụ thể dương hư hay âm hư để bốc thuốc.
Trong khi đó, có thể nói, hầu hết các sản phẩm bổ thận tráng dương trên thị trường mà các quý ông đang dùng đều chỉ chú trọng đến việc “bổ thận tráng dương”. Như vậy nếu người bị thận âm hư dùng chẳng khác gì lợi bất cập hại, chữa lợn lành thành lợn què. Lạm dụng tùy ý các thuốc bổ thận tráng dương không chỉ dẫn đến liệt dương, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương mà còn gây suy thận cấp.