NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHẤT STYRENE | Bệnh viện 199 Bộ Công An

Định danh

Styrene, styrol, còn gọi là ethenylbenzene, vinylbenzene và phenylethene, là một hợp chất hữu cơ có công thức hóa học C6H5CH=CH2. Dẫn xuất của benzen này là một chất lỏng nhờn không màu hay vàng nhạt, dễ cháy, dễ bay hơi và có mùi ngọt, với nồng độ cao có mùi khó chịu hơn.

Styrene được sản xuất với số lượng công nghiệp từ benzen và ethylene, và là tiền chất của polystyrene và một số copolyme khác.

Trong tự nhiên, một lượng nhỏ styrene có thể sản sinh từ một số thân cây bị hư hỏng. Còn trong môi trường sống, styrene được giải phóng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu trong khí thải xe cộ, khói thuốc lá.

Công dụng

Styrene là một nguyên liệu chính để sản xuất nhựa, keo dính và cao su tổng hợp cho mục đích thương mại và gia dụng. Trung bình, có khoảng 25 triệu tấn styrene được sản xuất và tiêu thụ hàng năm.

Một số loại nhựa và nhựa phổ biến nhất được sản xuất từ styrene gồm polystyrene và acrylonitrile-butadiene-styrene (ABS), nhựa styrene-acrylonitrile (SAN) và cao su styrene-butadien (SBR). ABS và SAN là nguyên liệu chính để sản xuất hộp đựng thực phẩm, bao bì, đá cẩm thạch tổng hợp, sàn nhà, bộ đồ ăn dùng một lần, đồ nội thất đúc…

Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng có chứa styrene bao gồm: vật liệu đóng gói, vật liệu cách điện cho sử dụng điện, như hệ thống dây điện và các thiết bị, vật liệu cách nhiệt cho nhà và các tòa nhà khác, sợi thủy tinh, ống nhựa, phụ tùng ô tô, cốc uống nước và vô số mặt hàng khác trong ngành thực phẩm.

Tác hại

Qua sản xuất, sử dụng và rác thải, styrene phân tán vào không khí, đất và nước. Từ đây, styrene vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và tiếp xúc da. Hít thở là cách phơi nhiễm chính, styrene trong không khí từ khí thải công nghiệp, xe cộ, và đặc biệt là từ khói thuốc lá.

Sau khi vào cơ thể, styrene được hấp thụ nhanh vào máu, sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể, chủ yếu qua đường nước tiểu. Kết quả các nghiên cứu trên chuột cho thấy, sau phơi nhiễm styrene hơn 90% được thải ra ngoài qua đường nước tiểu trong vòng 24 giờ, và khoảng 2% được thải qua phân.

Cũng như các chất ngoại lai khác, khả năng gây độc của styrene cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liều lượng, thời gian, đường vào, đặc điểm cá nhân và sự hiện diện của các hóa chất khác.

Nhiễm styrene cấp qua hít thở không khí ô nhiễm có thể bị kích ứng mũi và cổ họng, gây ho, khò khè, tăng tiết đàm giải. Tiếp xúc với số lượng lớn hơn có thể dẫn đến sự khởi đầu của bệnh styrene, “styrene sickness”, với các dấu hiệu như nhức đầu, buồn nôn, nôn ói, yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẩn, vụng về, rối loạn vân động… Một vài trường hợp tiếp xúc với styrene gây rối loạn nhịp tim và hôn mê. Nếu được hấp thụ qua da, hay đường tiêu hóa, styrene cũng có thể dẫn đến ảnh hưởng hệ thống thần kinh trung ương tương tự như khi hít thở.

Phơi nhiễm mãn tính với styrene trong một thời gian dài có thể gây giảm thính lực, rối loạn thị giác, suy giảm trí nhớ, loạn nhịp tim, suy chức năng của gan. Một vài báo cáo cho rằng styrene có thể gây ra hen suyễn.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), Chương trình Chất độc quốc gia (National Toxicology Program) và Bộ Y tế Hoa Kỳ, styrene có khả năng gây ung thư ở động vật thí nghiệm và phân loại styrene là chất gây ung thư (carcinogen) cho con người. Một số khảo sát cho thấy styrene có tác hại cho thai nhi, sơ sinh và trẻ em.

Những quy định về styrene

* Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàm lượng cho phép của Styren là 20 µg/l nước ăn uống, và mức phơi nhiễm styrene cho phép là 7,7μg/kg cơ thể/ngày.

* Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), Cơ quan An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) và Cục Quản lý Thực và Dược phẩm (FDA), các cơ quan quy định về chất độc hại, có khuyến nghị về styrene gồm:

  • Nước uống.

EPA đã xác định rằng việc tiếp xúc với styrene trong nước uống ở nồng độ 20 mg /L trong một ngày hoặc 2mg /L trong 10 ngày sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào ở trẻ. Tiếp xúc suốt đời với 0,1 mg / L styrene trong nước uống sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

  • Nước đóng chai.

FDA đã xác định rằng nồng độ styren trong nước uống đóng chai không được vượt quá 0,1 mg / L.

  • Không khí tại nơi làm việc.

OSHA đặt giới hạn pháp lý là 100 ppm styrene trong không khí trung bình trong một ngày làm việc tám giờ.

* Tại Việt Nam, styrene thuộc danh sách 109 chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT) với giới hạn cho phép của nó là 20 μg/lít nước.

Đôi điều bàn luận

Phơi nhiễm styrene từ nước uống chỉ là một trong các nguồn ô nhiễm: không khí, thực phẩm (hộp nhựa polystyrene), đặc biệt từ khói thuốc lá.

Theo đo đạc khoa học, khói thuốc lá có hàm lượng rất cao, trung bình từ 20-48 μg/1 điếu thuốc. Tính theo quy định của WHO, 7,7μg/kg/ngày, thì một người lớn hút 10 điếu thuốc mỗi ngày là đã quá ngưỡng cho phép về chất styrene !

Thật ra, styrene chỉ là một chỉ tiêu quan trắc, chất lượng nước ăn uống còn phải đáp ứng các chỉ tiêu lý hóa sinh khác.

Với thông tin nguồn nước bị ô nhiễm bởi hàng tấn dầu nhớt thải ở đầu nguồn, Tiến sĩ Lê Thái Hà, Trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, phân tích: Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ có thành phần chính là các hydrocacbon thơm như: Benzen, Toluen, Etyl Benzen, Xylen, Styren… mỗi chất đều có giá trị hướng dẫn riêng về sự ảnh hưởng khi hiện diện trong nước sinh hoạt.

Hơn nữa, nguồn dầu thải từ quá trình vận hành máy móc thường chứa nhiều kim loại nặng phát sinh từ sự ma sát của các chi tiết cơ khí kim loại.

Thay lời kết

Nước chiếm 60% trọng lượng cơ thể con người. Chất lượng nước ăn uống là yêu cầu quan trọng. Do đó, trong Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT) có đến 109 chỉ tiêu lý, hóa, sinh cần phải tuân thủ.

Dù nước do Viwasupco cung cấp có hàm lượng styrene từ 26-73 μg/ L, tương đương với lượng styren có trong khoảng 2-4 điếu thuốc lá, nhưng nước sinh hoạt có mùi lạ tức là không đạt chỉ tiêu vật lý theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT, phải tránh sử dụng, và chờ kết quả quan trắc của cơ quan chức năng.

Cần theo khuyến cáo của Tiến sĩ Lê Thái Hà “Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân không nên sử dụng nguồn nước có xuất hiện mùi lạ, mùi khét !”

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Styrene

[2] Styrene general information

[3] Styrene and the effects of exposure to it

[4] Styrene: health effects, incident management and toxicology

[5] Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt

[6] Thông tư 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt

[7] Ngoài Styren, dầu thải gây ô nhiễm nước Hà Nội còn có thể chứa hóa chất độc hại nào?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *