(Last Updated On: 28/01/2022)
Nội hàm của khái niệm, ngoại diên của khái niệm là gì? Tìm hiểu cấu trúc của khái niệm.
Nội hàm của khái niệm
Nội hàm của khái niệm là nội dung hiểu biết về đối tượng hàm chứa trong khái niệm, là tập hợp những dấu hiệu cơ bản khác biệt liên kết lại phản ánh bản chất của đối tượng, nhờ đó ta xác định được đối tượng đó là gì, và phân biệt được đối tượng với các sự vật hiện tượng khác.
Ví dụ:
Nội hàm của khái niệm “phân tử” là những dấu hiệu: “Hạt nhỏ nhất của chất bảo tồn các tính chất vật lý và hoá học của chất này”, “do các nguyên tử tạo thành…”
Nội hàm của khái niệm “nước”là tập hợp các dấu hiệu: “Sôi ở 1000c ”; “chất đàn hồi”; “không duy trì sự cháy”; “không hoà tan chất béo”; “phân tử gồm….”
Nội hàm của khái niệm cũng chính là khái niệm, nhưng là khái niệm được xét từ góc độ phân xẻ nội tại của những tri thức tạo nên khái niệm, tức là ta muốn nói tới khái niệm đó được tạo nên từ những tri thức gì? Đem lại cho ta những hiểu biết gì về đối tượng?.
Quá trình hình thành khái niệm cũng chính là quá trình hình thành nên nội hàm khái niệm. Không thể có khái niệm mà không có nội hàm. Nhưng về một đối tượng xác định nào đó thì không nhất thiết chỉ có một khái niệm duy nhất hình thành trong tư duy để phản ánh về nó. Tuỳ góc độ xuất phát của thực tiễn và nhận thức mà khía cạnh này hay khía cạnh kia của đối tượng được nổi lên như là cái đặc trưng cho bản chất của đối tượng và tạo nên những nội hàm khác nhau, phản ánh những khía cạnh khác nhau về cùng một đối tượng – nghĩa là trong tư duy có thể hình thành nhiều khái niệm khác nhau về cùng một đối tượng.
Các khái niệm khác nhau đó về cùng một đối tượng không loại trừ lẫn nhau, không đứng cô lập nhau mà chúng gắn bó liên kết với nhau tạo nên một nội hàm duy nhất của một khái niệm duy nhất. Sự phân tầng nội hàm khái niệm hay khái niệm là tuỳ thuộc ở góc độ xem xét, và mức độ cần thiết nhận thức về đối tượng ở những hoàn cảnh cụ thể.
Ví dụ: Một con người cụ thể (X) nào đó, khi ta xem xét anh ta ở góc độ công việc, ta có khái niệm “Anh (X) là một người lao động giỏi”; khi xem xét trong quan hệ với gia đình, ta có khái niệm “Anh (X) là người cha, chồng tốt”; khi xem xét dưới góc độ thực hiện pháp luật, ta có “Anh (X) là một công dân gương mẫu”… Tập hợp các khái niệm trên ta có một khái niệm khái quát hơn (hiểu biết đầy đủ hơn) về anh (X): “Anh (X) là một con người tốt trên mọi phương diện”
Nội hàm của khái niệm không có sẵn trong tư duy, tuỳ thuộc ở mức độ phát triển của đối tượng, mức độ phát triển của thực tiễn, ngoài ra còn tuỳ thuộc vào trình độ, năng lực nhận thức của chủ thể mà nội hàm của khái niệm phong phú hay nghèo nàn, nông cạn hay sâu sắc, xa hay gần với chân lý khách quan
Ngoại diên của khái niệm
Ngoại diên của khái niệm là tập hợp của những đối tượng mà khái niệm phản ánh, là lớp các đối tượng có các dấu hiệu được phản ánh trong nội hàm khái niệm. ngoại diên của khái niệm trả lời câu hỏi: Khái niệm phản ánh bao nhiêu đối tượng?
Chúng ta cần lưu ý phân biệt ngoại diên với đối tượng, đây là sự phân biệt giữa tập hợp và phần tử. Mỗi đối tượng là một phần tử hợp thành ngoại diên, còn ngoại diên là lớp, là tập hợp của các phần tử ấy.
Trong ngoại diên của khái niệm có tất cả những đối tượng riêng biệt mà đối với chúng, ta có thể khẳng định được nội hàm của khái niệm này thuộc về chúng.
Ví dụ: Trong khái niệm “sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông”, ngoại diên của nó bao gồm tất cả các người đang học đại học và cao đẳng tại Học viện Công nghệ Bưu chính. Ta có thể xác định “Anh Nguyễn Văn A” là sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sự xác định đó là chân thực nếu anh “Nguyễn Văn A” cũng mang dấu hiệu “người đang học đại học và cao đẳng”; “là đối tượng quản lý đào tạo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông”, vì nội hàm của khái niệm “sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông” chính là những dấu hiệu đó.
Mối quan hệ giữa nội hàm và ngoại diên của khái niệm
Giữa nội hàm và ngoại diên của khái niệm có mối tương quan xác định, đó là mối tương quan giữa chất và lượng của khái niệm. Nghĩa là với một nội hàm xác định sẽ có một ngoại diên tương ứng và ngược lại. Đó là mối tương quan tỷ lệ nghịch. Nếu nội hàm càng sâu, càng phong phú (càng nhiều dấu hiệu) thì ngoại diên của khái niệm càng nhỏ, càng hẹp (càng ít đối tượng). Hoặc ngược lại, ngoại diên của khái niệm càng lớn thì nội hàm của nó lại càng ít dấu hiệu.
Ví dụ: Cơ quan thông báo “ngày mai, mọi người đi lao động công ích”. Xét trong thông báo này, khái niệm “mọi người” có nội hàm cạn quá, chỉ nói chung là mọi người, nên ngoại diên của nó rất rộng, bao trùm toàn bộ cán bộ công nhân viên trong cơ quan.
Còn nếu như thông báo nói sâu “mọi người dưới 30 tuổi, mạnh khoẻ thì phải đi lao động công ích” thì số lượng người phải đi lao động công ích sẽ teo lại, vì đã cho phép người trên 30 tuổi và đau ốm được miễn…