Phụ nữ & điện nước – Tuổi Trẻ Online

1.001 chuyện rắc rối về “điện”

Chị Nguyễn Thị C, 29 tuổi, gặp tôi than thở: “Không hiểu sao sau khi sinh con em không muốn gần gũi ông xã nữa. Mỗi lần ổng đụng tới là em từ chối. Hồi mới lấy nhau em sung lắm, vậy mà bây giờ chán phèo. Có người nào mãn dục ở độ tuổi này không vậy bác sĩ?” Hỏi ra mới biết chị đau bụng tới 72 giờ vật vã mới sinh được bé gái nặng 2,9kg. Trong khi đó anh chồng cứ phởn phơ, tối nào cũng đi nhậu với chiến hữu.

Trước khi tới nhậu anh có ghé qua thăm vợ, cười khì: “Nó chưa thích ra thì anh đi uống vài lon cái đã, khi nào xong em bảo má gọi cho anh”. Tôi hiểu ngay cuộc vượt cạn và thái độ thờ ơ của ông chồng đã tạo stress với chị. Chính stress tạo phản ứng gây rối loạn ham muốn (libido).

Chị Trần Thanh Ng, 48 tuổi, có tâm sự khác. Chị bảo: “Gia đình em có hai đứa con ngoan, đang học đại học, vợ chồng có thu nhập ổn định. Những tưởng đây là thời gian cả hai hưởng trọn niềm vui chăn gối thì em lại bị những cơn bốc hỏa hoành hành. Tự nhiên tính tình nóng nảy, hay giận hờn và đặc biệt không thích ông xã “đụng” vào. Cho đến một hôm em nghe xầm xì: ổng chở một cô ôm cứng trông rất tình tứ. Bác sĩ có cách nào cứu gia đình em?”.

Tôi hiểu chị đang ở giai đoạn tiền mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây nên những cơn bốc hỏa và ảnh hưởng đến tâm lý. Ông chồng không hiểu, cho là bà vợ già đổi tính đổi nết bèn tìm ngay một em để vui vẻ, bỏ mặc chị với những cơn bốc hỏa hoành hành.

Bị stress, thiếu hụt hormone (ở người tiền mãn kinh và mãn kinh) đều làm giảm ham muốn mà giới đàn ông gọi là “mất điện”. Trong cuộc đời của mỗi phụ nữ thì tâm lý, tình cảm tác động đến “điện áp” rất mạnh.

Con đi bệnh viện, con hư, chồng bỏ bê, không quan tâm, nhậu nhẹt, ngoại tình, bạo hành… tất cả đều làm tình trạng “điện” của chị em từ chập chờn đến cúp hẳn. Khác với đàn ông, buồng trứng của phụ nữ hoạt động từ dậy thì đến chừng 44-45 tuổi là bước vào giai đoạn yếu và đến 49-50 tuổi chúng tự động nghỉ hưu.

Nếu ông chồng hiểu biết, chăm sóc, vỗ về, động viên thì không khác gì một liều hormone làm ham muốn xuất hiện trở lại. Theo các nhà tình dục học, ham muốn của phụ nữ ít nhất 50% do yếu tố tâm lý quyết định, chỉ 50% do nhu cầu bản năng.

Khổ vì “cúp nước”

Đến gặp tôi, chị Đoàn Th. M., 28 tuổi, mới lập gia đình ấp úng mãi mới bày tỏ rằng: “Đêm tân hôn anh ấy không “làm” được, tình trạng này kéo dài cả tuần khiến chồng em sợ hãi”. Hỏi một hồi tôi mới biết chị bị mấy người trong cơ quan khủng bố rằng sẽ rất đau đớn, sẽ chảy máu te te vì thế “điện” cúp thì làm sao máy bơm hoạt động, lấy đâu ra “nước” bôi trơn, đón nhận. Những “ngày thơ ấu vợ chồng” của họ không có “trăng” cũng chẳng có “mật”.

Còn chị Lê Thị K., 38 tuổi, bị u buồng trứng phải phẫu thuật thì gặp cái khổ “điện còn mà nước cúp”. “Đã vậy ổng cứ tưởng giải phẫu xong thì mình giống như đàn ông nên tôi càng bị ức chế. Tôi chỉ vì hai đứa nhỏ, nếu không cho ông lấy vợ hai cho rồi…” – chị K. bức xúc kể. Đa số các chị mãn kinh đều rơi vào tình trạng “điện còn, nước cúp”. Có chị “điện, nước” cứ như ở vùng sâu vùng xa, cúp tuốt luốt chả còn gì.

Phụ nữ Việt mình sẵn có tâm lý “già rồi, vợ chồng cứ ngủ chung giường con cái nó cười cho”. Tuy nhiên, đàn ông không nghĩ thế. Họ cho rằng tình dục là một nhu cầu giống như cơm ăn, nước uống, chỉ dừng lại trước khi chết một phút. Vì thế nếu chị nào bỏ rơi ông chồng đi ôm cháu nội cháu ngoại coi chừng cháu chưa biết đi thì ông đã “đi” với bà khác.

Làm sao khôi phục “điện, nước”?

Chúng ta hay xem phim Tàu thấy lão phật gia Từ Hi thái hậu được ngự y chăm sóc chu đáo đến mức bà có ham muốn dài dài tới hơn 80 tuổi. Đọc báo thấy phụ nữ Âu Mỹ còn sinh hoạt tình dục đến 75 tuổi, nhiều chị “nghe mà ghê” bởi da nhăn, tóc bạc, xương yếu, khớp hết chất nhờn kêu răng rắc, sao họ vẫn còn ham quá vậy? Nếu coi tình dục cũng giống như một chức năng của cơ thể thì yếu phải uống thuốc, hỏng đâu chữa đó. Còn nếu gọi đó là một thú vui, một sự hưởng lạc thì càng cần chăm sóc.

Chúng ta có hormone để khôi phục “điện, nước”, nếu “điện” còn thì có “nước” nhân tạo thay thế. Vấn đề là quan niệm của chị em đã thay đổi đến mức chịu gặp bác sĩ tư vấn và sử dụng chất hỗ trợ hay chưa mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *