Mới đây, trong chuyến công tác ra phố cổ Hội An, dọc các đường phố ngày giáp tết, chúng tôi thấy có bán nhiều cây quất cảnh rất đẹp, nhưng đọc biển treo thì lại rất ngạc nhiên khi thấy nhất loạt tất cả đều ghi là “BÁN QUẬT CẢNH”.
Bạn đang đọc: Quất miền bắc, quật miền trung, tắc miền nam, miền tây gọi hạnh – Tuổi Trẻ Online
Hóa ra ở địa phương này họ gọi cây quất là cây quật. Trao đổi với một anh bạn quê Đồng Tháp thì được biết ở miền Tây, cây quất còn có tên gọi khác là cây hạnh.
Trước đây, ngày tết anh thường chưng cây hạnh với mong ước năm mới gia đình được hạnh phúc viên mãn, nhưng về sau khi biết cây hạnh còn có tên cây tắc, anh bèn ngay lập tức đổi thói quen sang chơi cây cảnh tết khác vì e cuộc sống sẽ bị bế tắc, tắc tị cả năm (!?).
Đầu xuân, ngẫm lại thấy trong dịp Tết Nguyên đán còn có khá nhiều tập quán, kiêng kỵ thú vị trên cơ sở chữ nghĩa này.
Đầu tiên, món canh khổ qua dân dã mà người miền Bắc gọi tên nôm na theo dịch nghĩa là mướp đắng, vào trong Nam bỗng trở thành món quốc hồn quốc túy, không thể thiếu mặt trong mâm cỗ ngày xuân.
Ấy bởi vì khổ qua là từ Hán Việt (khổ: đắng; qua: dưa, mướp, bầu bí), được dùng trong ngày tết với ý nghĩa mong ước ăn khổ qua cho những điều “khổ” bị nuốt trôi, đẩy “qua”, qua đi sự cơ cực, không may, bắt đầu một năm mới tươi sáng.
Cũng do cái sự từ Hán Việt này mà người miền Nam thường kiêng ăn cam trong ngày tết, vì từ Hán Việt “cam” (ngọt) trái nghĩa với “khổ” (đắng), lại bị hiểu theo nghĩa của từ đồng âm: cam chịu, cam phận… đói nghèo khổ cực hoài hoài.
Và lại lo còn bị gắp lửa bỏ tay người, đổ thừa, đổ tội oan khi liên tưởng đến thành ngữ “Quýt làm cam chịu”!
Thịt vịt cũng là món ăn “bất hạnh” bị liệt vào danh sách kiêng cữ đầu năm vì theo từ Hán Việt, con vịt đọc là “áp”, mà từ “áp” trong chữ Hán có khá nhiều từ đồng âm với các nghĩa là: đè nén, áp bức / bị dìm / co rút lại / chen chúc, xô đẩy, cạnh tranh / cầm cố, thế chấp, mang nợ / bị áp giải…
Nhiều dân nhậu đầu xuân phải kìm lòng mà quên ngay món khoái khẩu vịt quay (chữ Hán: khảo áp)! Cũng có người đầu năm nhịn món vịt đơn giản chỉ vì liên tưởng đến dáng đi lặc lè, lạch bạch, chậm chạp đặc trưng muôn thuở của giống thủy cầm này.
Ngoài ra còn biết bao nhiêu món ăn vì tên gọi đồng âm với một từ khác, hoặc gợi liên tưởng đến sự… xui xẻo mà bị “tẩy chay” oan uổng khỏi thực đơn ba ngày tết bảy ngày xuân.
Ví như đầu năm nhiều người kiêng ăn mực (cá mực) vì sợ cả năm bị “đen như mực”; không ăn cá hố vì sợ bị “hố”, bị “sụp hầm” suốt năm; kiêng ăn “tôm” vì sợ năm mới mọi sự làm ăn không được hanh thông, phát đạt, cứ đi giật lùi như kiểu di chuyển của con tôm!
Cữ ăn trứng vịt lộn vì sợ mọi dự định, kế hoạch làm ăn trong năm mới sẽ bị đảo lộn tùng phèo.
Hoặc con cá mè có tội tình chi mà đầu năm nhiều người lại kiêng ăn, chả là vì từ “mè” làm liên tưởng đến từ “mè nheo”, sợ cả năm sẽ bị hãm tài vì bị nhây, bị lầy, bị buộc phải nghe “nói nhiều và dai dẳng để nài xin, phàn nàn hoặc trách móc khiến người nghe khó chịu”!
Suy cho cùng, những sự ưa chuộng hay kiêng kỵ này tựu trung cũng đều phản ánh mong ước của con dân nước Việt về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sung túc, thuận lợi, may mắn trong năm mới.
>>>>>Xem thêm: Microcontroller là gì? Ứng Dụng Trong Đời Sống