Với mỗi cặp vợ chồng thì đêm tân hôn có một ý nghĩa quan trọng, nó để lại rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm trong cuộc đời. Nếu là một đêm tân hôn đúng nghĩa – tức là lần đầu hai vợ chồng thuộc về nhau – thì có lẽ những cảm xúc, kỷ niệm còn “đặc sắc” hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân đã trở nên quá phổ biến thì đêm tân hôn của các cặp vợ chồng “ăn cơm trước kẻng” liệu có gì đặc biệt?
Vẫn gặp “sụ cố” như thường!
Nhiều người theo thói quen nghĩ rằng chuyện gặp “sự cố” đêm tân hôn có lẽ chỉ xảy ra ở những cặp đôi lần đầu quan hệ với nhau chứ không thể xảy ra ở những cặp đã “quen nhau” quá rồi. Nhưng thực tế là có những cặp đôi dẫu đã “ăn cơm trước kẻng” từ lâu nhưng đến đêm tân hôn vẫn có “sự cố” như thường – tuy đó không phải là những sự cố liên quan nhiều đến chuyện ái ân!
Chị Hiền, 30 tuổi (Nghĩa Tân, cầu Giấy, Hà Nội) đến giờ nghĩ lại đêm tân hôn 3 năm về trước vẫn không thể quên được, dù trước khi cưới, vợ chồng chị đã “ăn cơm trước kẻng” những 3 năm trời. Chị Hiền cho biết đến đám cưới, cả hai vợ chồng khá mệt vì phải tiếp khách khứa khá nhiều. Tuy nhiên, riêng “chuyện kia” thì cả hai không đắn đo suy nghĩ lắm vì đã quá quen thuộc với nhau rồi. Nhưng hôm cưới, chồng chị uống khá nhiều do bị bạn bè chúc tụng. Vì thế, đến khi chỉ còn lại 2 người với nhau, anh đã “biêng biêng” chứ không còn tỉnh táo nữa. Chị thay đồ cho anh xong xuôi đâu vào đó rồi lên giường ôm chồng ngủ. Dù xác định trước là không có nhiều “thú vị” nhưng chuyện chỉ còn mình mình thức trong đêm tân hôn khiến chị tủi thân. Thấy vợ thút thít, chồng chị mới tỉnh giấc, vỗ về âu yếm vợ và cũng trải qua đêm đầu tiên trở thành vợ chồng của nhau.
Tuy nhiên, do anh uống nhiều rượu nên khi mới gần vợ được một lúc, anh chịu không nổi đã… nôn oẹ ngay trên người vợ khiến chị Hiền phát hoảng vì không kịp trở tay! Sự cố này khiến cho đêm tân hôn mất hết những lãng mạn còn sót lại, khiến chị Hiền phải hì hục lau dọn, tắm rửa đến gần 3 giờ sáng, trong lòng ấm ức khôn nguôi. Hôm sau chị lại phải dậy sớm để dọn dẹp còn anh vẫn ngủ khò khò vì mệt mỏi. Chị Hiền có nằm mơ cũng không ngờ rằng đêm tân hôn của mình lại có thể gặp sự cố “có một không hai” như vậy.
Trong khi đó, chị Oanh, 29 tuổi (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) thì lại gặp đúng sự cố về “của quý” của chồng trong đêm tân hôn. Vì đã “ăn cơm trước kẻng” nên trước khi cưới suốt 3 tuần chị “cấm vận” chồng để có được đêm tân hôn nồng nàn, lãng mạn. Chồng chị dù khó chịu nhưng thấy vợ quyết tâm như vậy nên cũng đành phải chiều lòng. Và biện pháp này cũng có những hiệu quả nhất định khi mà cả hai đều tỏ ra khá hào hứng, mong đợi đêm đầu tiên này.
Đến thời điểm khách khứa về hết, cỗ bàn xong xuôi, chỉ còn lại hai vợ chồng, đám cưới như chất xúc tác khiến cảm xúc của cả hai vợ chồng thăng hoa. Không ngờ vì xa vợ đã lâu (3 tuần), lại lâng lâng hạnh phúc như vậy nên chồng chị “hành sự” quá mạnh khiến “súng ống” của anh bị gãy! Cả nhà được phen náo loạn vì phải đưa anh vào bệnh viện, còn chị Oanh thì xấu hổ không biết phải đối diện với gia đình nhà chồng như thế nào!
“Thế mới biết các cặp đôi đã “ăn cơm trước kẻng” rồi thì đêm tân hôn vẫn có sự cố như thường chứ không đơn giản như người ta vẫn tưởng”, chị Oanh kết luận.
Đêm tân hôn, bố chúc con trai ngủ ngon!
Vào động phòng, chị Thanh, 29 tuổi (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) thay ngay một chiếc váy ngủ mát mẻ rồi nằm xuống giường. Chú rể cũng dịu dàng nằm cạnh rồi xoa xoa tay lên bụng vợ nựng nịu: “Chúc con trai của bố ngủ ngoan”. Chị Thanh và ông xã yêu nhau gần 3 năm thì làm đám cưới, và đã nếm “trái cấm” từ trước đó cả năm trời. Lỡ có bầu vào giữa mùa hè, nhưng phải đến giữa thu, hai người mới tổ chức cưới vì suốt 3 tháng đầu có thai, chị nghén lên nghén xuống. “Lúc cưới thì em bé trong bụng mình đã được hơn 4 tháng rồi, mà mình cũng hơi yếu, lại động thai một lần, nên đêm tân hôn, chồng chỉ thủ thỉ nói chuyện với con rồi hai đứa ôm nhau ngủ thôi, chả “làm ăn” gì. Từ đó đến lúc mình sinh xong, ông xã cũng phải “nhịn” vì sợ ảnh hưởng đến con. Lão ấy cứ bảo cưới vợ thiệt đơn thiệt kép”, chị Thanh thổ lộ. Hiện tại, cậu con trai của chị Thanh đã được gần hai tuổi và vợ chồng chị rất hạnh phúc.
Cũng đã “thử” trước khi cưới hơn hai tháng và dù chưa có bầu, nhưng đêm tân hôn, chị My (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải “ăn chay” vì bị mẹ chồng quản lý. Chị cho biết, vợ chồng đều làm ở Hà Nội nhưng quê tận Thái Bình nên cưới lần một ở khách sạn xong lại về quê tổ chức lần hai. Xong xuôi mọi thủ tục ở quê, cô dâu mệt nhoài, chú rể cũng rũ rượi vì uống quá nhiều. Chắc muốn giữ gìn sức khỏe cho các con nên mẹ chồng bảo Mỵ: “Thôi, mai hai đứa mày lên Hà Nội thế nào cũng được, còn tối nay cái My phải ngủ với mẹ”. Thế là hôm đó, My chung giường với mẹ chồng và đứa em gái chồng, cũng hơi ấm ức nhưng không biết làm thế nào. Ông chồng cô thì ngủ li bì cả đêm chả biết vợ ở đâu. “Mãi hai hôm sau bọn mình mới “tân hôn”, nhưng không phải ở quê, cũng chẳng phải tại Hà Nội, mà là trên chuyến tàu đi hưởng tuần trăng mật. Đến giờ, mình vẫn nhớ cái cảm giác hồi hộp vô cùng khi ở trong phòng giường nằm đó còn có thêm một người nữa, ở giường bên cạnh. Có lẽ vì đã trải qua với nhau trước rồi nên ông xã mình mới liều thế”, My chia sẻ.
Còn Ngọc Hoài (Gia Lâm, Hà Nội), đêm đầu tiên làm vợ lại nằm khóc thút thít vì phu quân gần sáng mới về phòng. Hoài cho biết, tối hôm đám cưới, sau khi khách khứa về hết, mấy người bạn cũ của chú rể mới đến (do nhầm là ngày hôm sau) rồi rủ anh ra ngoài “uống bù”. Chồng Hoài vào thủ thỉ với vợ và hứa “sẽ về ngay” rồi mất hút cho tới 2 giờ sáng, lại không cầm theo điện thoại. Đến 12h đêm vẫn chưa thấy chồng về, cô dâu mới tủi thân nằm khóc, còn bố mẹ chồng lo lắng ngồi đợi cửa rồi gọi điện đi khắp nơi hỏi tung tích chú rể.
“Khi ấy mình buồn ghê gớm, còn nghĩ hay tại vì đã “tỏ tường” cả năm trước rồi nên anh ấy vô tâm đi bù khù với bạn, bỏ mặc vợ mới cưới ở nhà. Lúc đó, thấy ân hận vì lấy chồng, càng tiếc vì đã “cho” sớm”, Hoài bộc bạch. Sau đó, người vợ trẻ mới biết, đêm ấy chồng đưa mọi người ra đến đường lớn, không may một anh bạn bị tai nạn nên phải đưa đi bệnh viện, rồi túc trực ở đó mãi mà quên gọi về nhà báo tin.
Vẫn mặn nồng và lãng mạn!
Quen nhau 6 năm mới cưới, và từng “ăn cơm trước kẻng” tới 5 năm, nhưng đêm đầu tiên sau đám cưới với vợ chồng chị Huệ, 30 tuổi (Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn là kỷ niệm ngọt ngào, đáng nhớ nhất trong đời. Chị Huệ kể lại, phải trải qua bao sóng gió mới được lấy nhau nên khi chính thức được thành vợ, thành chồng, cả hai đều vô cùng hạnh phúc và trân trọng những gì đã có. Sau khi hoàn tất các thủ tục hôn lễ, chị vô cùng bất ngờ khi bước vào phòng tân hôn thấy ánh nến ấm áp, một bản nhạc không lời chị thích dìu dặt ngân nga, rồi anh bế bổng chị lên và thủ thì những lời yêu thương.
“Đêm đó, hai đứa đã nằm tâm sự mãi, kể cho nhau nghe những kỷ niệm khó quên hồi yêu, kể cả cảm xúc của lần đầu ăn trái cấm, rồi “chuyện ấy” đã diễn ra thật ngọt ngào, êm ái, vì cả hai đều đã được “thực hành” nhiều rồi, chứ không đau đớn, sợ hãi, loay hoay như cái lần đầu tiên thực sự trước đó”, chị Huệ chia sẻ. Chị cho biết, thực ra, trong suốt thời kỳ “ăn vụng” trước đây, chị cũng từng dằn vặt rất nhiều vì những ý nghĩ như sợ người yêu nhanh chán rồi bỏ, sợ tình yêu không đến đích… Trước hôm cưới, chị cũng lo lắng vì nghe nhiều người nói đã làm “ăn cơm trước kẻng” rồi thì đêm tân hôn nhạt nhẽo lắm.
Thực tế, mình thấy tất cả vẫn thiêng liêng vô cùng và mình vẫn cảm nhận được sự trân trong, nâng niu của ông xã. Dù từng “ăn cơm” rất nhiều lần, nhưng lúc đó, cả hai đều cảm thấy rất đặc biệt, vì đã được công nhận là vợ chồng, không phải lo lắng, vụng trộm gì nữa. Mình nghĩ rằng, đối với ai, đêm tân hôn cũng đầy ý nghĩa, dù là đã hay chưa “ăn cơm” nếu họ thật sự yêu nhau, vì đó là mốc đánh dấu cả hai chính thức thuộc về nhau và cùng nhau vun đắp một mái ấm thật hạnh phúc”, chị Huệ chia sẻ.
Tuy nhiên, chị cũng cho biết, không ít bạn bè của chị từng phải chịu những bi kịch khi quan hệ tình dục trước hôn nhân, vì đã trao gửi nhầm cho những anh chàng họ Sở hoặc cưới nhau khi “sự đã rồi” trong khi chưa có sự chuẩn bị cho cuộc sống gia đình hay tình cảm dành cho nhau chưa đủ lớn. “Có lẽ mình may mắn vì gặp được người đàn ông tử tế và tình yêu “ăn cơm trước kẻng” đó đi được đến đích. Nhưng nếu sau này có con gái, mình cũng sẽ vẫn nhắc nhở con phải giữ gìn, bởi dẫu sao, trong xã hội hiện nay, chuyện “vượt rào” có thể mang đến nhiều rủi ro, thiệt thòi cho phái yếu”, chị Huệ thổ lộ.
Chị Hoa, 27 tuổi (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) cũng có một đêm tân hôn lãng mạn như thế: “Vợ chồng mình đã quan hệ trước tận 4 năm liền nhưng đêm tân hôn ông xã mình vẫn ngọt ngào như ai: trải cánh hoa hồng trên giường, dịu dàng bế vợ, chiều chuộng hết mức. Nói chung là rất tuyệt vì cả hai không còn lúng túng, e dè, ngượng nghịu mà chỉ muốn làm cho nhau thấy hạnh phúc”.
Anh Nghĩa, chồng chị, lại nhận xét về đêm tân hôn của mình: “Bọn mình đã là của nhau trước đó nên đêm tân hôn tất nhiên không còn nguyên vẹn, nhưng bà xã lại là người rất hay xấu hổ nên đêm đó cô ấy cứ như thiếu nữ trinh nguyên vẫn xấu hổ khiến mình càng thấy yêu hơn”.
Ý nghĩa đích thực của đêm tân hôn là đánh dấu đêm đầu tiên hai người được ở bên nhau với danh nghĩa vợ chồng. Chính vì thế hãy đánh dấu nó bằng một đêm lãng mạn, chứ lần đầu hay không không phải là điều quan trọng, điều quan trọng là cả hai đều tôn trọng và thương yêu nhau.
Theo Đang yêu