Để thu hút sự quan tâm của các thành viên khác, chủ những chủ đề này trên một số trang mạng xã hội đã đưa ra lý do các chất thức thần này không gây nghiện và là một loại chất hóa học có nguồn gốc từ thực vật, có tác dụng thức thần, giúp kết nối con người với các cảm xúc về tâm linh. Tuy nhiên sự thật liệu có đúng như vậy?
Giới trẻ chia sẻ hình ảnh sử dụng “thức thần” trên mạng (Ảnh: Internet)
Thức thần – thứ ma túy chết người
Chất thức thần – tên gọi được một số thành viên cộng đồng mạng sử dụng để chỉ những loại ma túy gây ảo giác. Trên thế giới phong trào trải nghiệm chất thức thần được biết đến từ khá lâu và thời gian gần đây được du nhập vào Việt Nam từ một số người từng có thời gian đi học tập, công tác tại nước ngoài. Một số loại chất thức thần thường được sử dụng nhiều trên thế giới đó là cần sa, LSD, psilocybin mushrooms (hay còn được gọi là Nấm thần kỳ), salvia, ayahuasca, và mạnh nhất là DMT.
Tại Việt Nam, những loại chất thức thần được giới trẻ nhắc đến thường là những dạng nhẹ như cần sa, LSD và nấm thần. Nếu như cần sa (tiếng lóng hiện nay gọi là “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin”…) là loại phổ biến nhất, được sử dụng chủ yếu dưới dạng hút thì LSD (viết tắt của Lysergic acid diethylamide) lại được giới trẻ khá chuộng bởi sự tiện dụng và kín đáo của nó.
LSD cũng là một trong những hoạt chất thông dụng nhất trong nhóm thuốc thức thần và nó còn được biết đến với nhiều tên gọi như: bùa lưỡi, tem hay viên giấy.
Hình ảnh LSD (Ảnh: Internet)
LSD được mô tả là không màu, không mùi, không vị, tồn tại ở dạng viên nhộng, viên nén và viên giấy. Là loại ma túy gây ảo giác cực kỳ mạnh này được tẩm vào miếng giấy nhỏ có in hình các nhân vật hoạt hình, hoặc hình thù ngộ nghĩnh có nhiều màu sắc vui mắt để hấp dẫn dân chơi và qua mặt cơ quan phòng chống ma túy. Mỗi miếng LSD chỉ có kích thước khoảng 1,5 x 1,5cm.
Người sử dụng sẽ xé một miếng và dán vào lưỡi, ngậm trong miệng hoặc mút. Khác với các loại ma túy tổng hợp khác, LSD có tác dụng trực tiếp vào cơ thể người sử dụng thông qua cơ quan vị giác trực tiếp là lưỡi. Thời gian tác dụng của bùa lưỡi xuất hiện trong vòng chưa đầy 5 phút, thời gian tan hết trong miệng thường là 2 – 3 tiếng và có tác dụng đến 12 giờ đồng hồ.
So với bùa lưỡi, nấm thần kỳ được coi là một loại ma túy gây ảo giác cao cấp hơn. Nấm thần kỳ chủ yếu mọc ở các vùng Bắc Mỹ, Nam Mỹ và một số nơi ở châu Á.
Hình ảnh nấm thần kỳ (Ảnh: Internet)
Theo nghiên cứu, trong thành phần của loại nấm này có một hoạt chất gây ảo giác mạnh có tên gọi là psilocybin. Nấm thần kỳ khi tiếp xúc với oxi sẽ chuyển sang màu xanh nước biển. Bấm nhẹ vào thân nấm hoặc cắt ngang thân, sau một lúc thịt nấm sẽ đổi màu. Tuy nhiên, trong giới sử dụng thì cần sa, LSD và nấm thần kỳ chỉ được coi là những chất dạng nhẹ và chỉ được những dân chơi sành điệu đánh giá là “vật dẫn đường đến giác ngộ”.
Những loại thức thần được dân trong giới đánh giá là đỉnh cao là Salvia, Ayahuasca và DMT. Đây là những chất thức thần được xếp vào hàng cực độc ở Việt Nam. Trong số này, Salvia là một loại lá cây được sử dụng bằng cách hút hoặc nhai và tác dụng của nó được mô tả là loại dược thảo có thể “áp đảo các giác quan” hay “phê gấp 100 cỏ Mỹ” hoặc “một khói có thể gặp được Chúa”.
Khác với Salvia, chất “thức thần” mang tên Ayahuasca được sử dụng dưới dạng uống. Nó được điều chế bằng cách pha trộn nhiều loại thảo dược có chứa các hoạt chất gây ảo giác để tạo ra một loại chất cực kỳ đặc biệt. Tuy nhiên có tác dụng mạnh nhất là một loại “chất thức thần” có tên gọi DMT.
Trào lưu trải nghiệm
Trong thời gian gần đây trào lưu trải nghiệm chất thức thần đang nổi lên như là một thú vui sành điệu của một bộ phận trong giới trẻ. Mỗi một lần trải nghiệm này được mô tả là một chuyến đi. Mỗi lần có thể cho ra những hiệu ứng khác nhau trên người sử dụng tùy theo liều lượng và chủng loại chất thức thần được sử dụng. Hiệu ứng cũng phụ thuộc vào trạng thái tâm lý, tình cảm của người sử dụng và môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trên một số diễn đàn mạng có lượng thành viên tham gia đông đảo, một số thành viên đã mở chủ đề liên quan việc chia sẻ các trải nghiệm khi lần đầu sử dụng các “chất thức thần” để cổ vũ cho việc sử dụng các chất ma túy này. Và chính điều này đã gây ra sự tò mò dẫn đến việc nhiều bạn trẻ phải tìm cách thử bằng được các “chất thức thần” để tìm hiểu cảm giác có thực sự giống như những gì mình đã được đọc.
Trên diễn đàn khá nổi tiếng của cộng đồng mạng Việt Nam, 1 thành viên đã lập một chủ đề chia sẻ lần đầu sử dụng chất thức thần với lời quảng cáo như sau: “Bạn sẽ trải nghiệm qua 1 cảm giác vi diệu cực kì khó tả bằng ngôn ngữ thông thường. Mọi thứ như từ chính bạn mà ra vậy, được vẽ nên từ tâm trí bạn”.
Hay như ở một trang Facebook khác có những lời kêu gọi chia sẻ trải nghiệm khi dùng các chất thức thần: “Những ai đã dùng LSD, nấm và DMT, các bạn có thể chia sẻ trải nghiệm của mình được không? Những bài học các bạn học được từ những cuộc trip đó là gì? Chất nào là chất đã giúp bạn đạt được giác ngộ?”.
Nhiều bạn trẻ sau khi đọc xong những chia sẻ không ngại ngần thể hiện những cảm xúc của mình kiểu như: “Sau khi đọc được bài về “chất thức thần” thì sự tò mò của mình như được kích động, dạo vài vòng trên mạng và tìm kiếm để hiểu thêm về psychedelics thì thực sự lúc này ở mình không chỉ còn đơn giản là một thứ tò mò nữa, mà đó thật sự là một khát khao… Sau một đêm thức trắng, tìm kiếm và hỏi vài ba người thì cuối cùng mình cũng đã tìm được chỗ mua…”.
Dạo một vòng internet có thể dễ dàng tìm thấy nhiều bài viết ghi lại cuộc trải nghiệm, hầu hết những cuộc trải nghiệm này đều kể về những ảo giác mà những người này đã trải qua sau khi đã sử dụng những chất ma túy đó. Không chỉ thể hiện bằng những bài viết mà còn có không ít những bạn trẻ còn chụp ảnh mình đang sử dụng, ảnh ngậm LSD trong miệng hay đang tận hưởng cảm giác “phê pha” như để chứng tỏ cho sự sành điệu của mình.
Tác hại của các chất gây ảo giác
Một điều đáng lo ngại là để đáp ứng nhu cầu được thưởng thức các chất thức thần không ít bạn trẻ đã có những hành vi phạm pháp khi gieo trồng những cây thực vật như cần sa hay nấm thần kỳ ở ngay tại nhà mình, và đồng thời cũng trở thành những người phân phối những loại chất ma túy này. Nhiều bạn trẻ vẫn vô tư cho rằng, do “chất thức thần” có nguồn gốc từ thực vật nên không gây nghiện như các loại ma túy khác, chỉ giống thuốc lá; tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua cho cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Tuy nhiên thực tế lại không như vậy.
Hình ảnh mô phỏng ảo giác khi sử dụng chất thức thần (Ảnh: Internet)
Theo một cán bộ của phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy – Công an TP Hà Nội, việc lạm dụng các chất gây ảo giác có thể dẫn tới những hậu quả hết sức nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần.
Các chất gây ảo giác là những chất khi đưa vào cơ thể, người sử dụng bị tác động mạnh trên hệ thần kinh trung ương. Người sử dụng sẽ rơi vào trạng thái không còn liên hệ với thế giới bên ngoài nhưng lại có cảm tưởng ảo giác là thật. Đây là một vấn đề rất nguy hiểm có thể dẫn đến việc người sử dụng chất gây ảo giác có thể tự sát hoặc giết người.
Ngoài ảo giác, người sử dụng những chất thức thần còn gặp phải những nguy hại như cảm giác bực bội, lo âu, sợ hãi, hoang tưởng, trầm cảm hay cuồng loạn. Thậm chí việc sử dụng lâu dài còn có thể dẫn đến việc rối loạn nhận thức, rối loạn hoang tưởng, tin rằng những suy nghĩ khi sử dụng chất gây ảo giác đều là sự thật. Đáng lo ngại là khi bị ảo giác người sử dụng có thể rất dễ bị kích động dẫn đến những hành động gây rối trật tự xã hội. Chỉ cần một lời nói, tội ác nào họ cũng dám làm, kể cả giết người.
Theo quy định của pháp luật, tất cả các chất gây ảo giác đều bị nghiêm cấm sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, không ít người trong giới trẻ có thể dễ dàng đặt mua trên một số trang bán hàng online trên mạng Internet, thủ tục thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế để có thể trải nghiệm cảm giác của mình. Các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.
Theo An ninh Thủ đô