Bộ luật hình sự năm 2015 (Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi về những điểm mới cơ bản quy định về tự thú và đầu thú.
Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 thì tự thú và đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể: Người phạm tội tự thú được quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS; đầu thú được quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.
So với Bộ luật hình sự năm 1999 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009) chỉ quy định tình tiết giảm nhẹ tự thú quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS còn về đầu thú chưa quy định trong BLHS. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đã được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Công văn số 81 ngày 10/6/2002 giải đáp các vấn đề nghiệp vụ đã hướng dẫn về tự thú và đầu thú. Do vậy để phân biệt các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xử lý các vụ án hình sự nhằm đảm bảo các nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án được Bộ luật hình sự năm 2015 quy định cụ thể hoá trong luật.
– Thứ nhất, điểm giống nhau giữa tự thú và đầu thú:
Đầu thú và tự thú là hành động của người có những hành vi phạm tội tự mình đến trình diện và khai báo tại cơ quan chức năng để được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Mong muốn giải quyết vụ việc theo đúng pháp luật và chủ động chịu trách nhiệm pháp luật về hành vi sai phạm của mình đã gây ra.
Hành vi đầu thú và tự thú đều được xem là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015.
– Thứ hai, điểm khác nhau giữa tự thú và đầu thú:
Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
– Thứ ba, đặc điểm tự thú và đầu thú:
Tự thú là hành vi phạm tội chưa bị ai phát giác hoặc đã bị phát giác nhưng chưa xác định được ai là người thực hiện hành vi phạm tội.
Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với nhà chức trách là biểu hiện của sự ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình nên đáng được khoan hồng trước pháp luật.
Hành vi đầu thú cho thấy người có hành vi phạm tội có tư tưởng ăn năn hối cải, đã nhìn nhận ra lỗi lầm của mình đã gây ra./.
Nguyễn Văn Chuyên- VKSND huyện Lục Nam