Ruộng bậc thang – vốn tri thức dân gian của miền núi cao

Khác hoàn toàn với các quốc gia có chung nền văn minh lúa nước ở vùng Đông Nam Á, ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc Việt Nam thể hiện tri thức và cách ứng xử của con người với nguồn nước tự nhiên. Hơn nữa, đó là phương thức canh tác lâu đời, một loại kỹ thuật được truyền dạy theo thế hệ và là sản phẩm trí tuệ, sức chinh phục thiên nhiên và thái độ sống thuận tự nhiên của người miền núi.

Bạn đang đọc: Ruộng bậc thang – vốn tri thức dân gian của miền núi cao

Nếu các quốc gia khác canh tác ruộng bậc thang phải có hệ thống bơm nước lên cao, bố trí rất phức tạp thì ruộng bậc thang ở miền núi Việt Nam hoàn toàn được làm thủ công. Các vùng tập trung ruộng bậc thang còn góp phần giúp miền núi thoát khỏi nạn phá rừng làm nương rẫy, thay đổi tập quán canh tác, tiếp cận với văn minh lúa nước. Giống lúa nương bản địa cũ dùng cho các vùng rừng sâu, gieo khô và phụ thuộc vào nước mưa dần không còn nữa. Cùng với đó, nạn phá rừng để canh tác lúa nương cũng dần được đẩy lùi. Các khoảnh nương cũ có cơ hội tái sinh lại rừng tự nhiên trong một mặt bằng nhận thức mới về tập quán cư trú và cách canh tác lương thực.

Đồng bào miền núi hiện nay có nhiều dân tộc nắm giữ kỹ thuật làm ruộng bậc thang. Điển hình đặc sắc là người Mông, Dao, Hà Nhì, La Chí, Nùng… Các chân ruộng cũ được nhiều thế hệ trong gia đình truyền lại. Việc khai phá thêm khu ruộng mới đòi hỏi kỹ thuật và địa hình thích hợp. Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) và Mù Cang Chải (Yên Bái) hầu hết ở địa hình dốc đứng, có nơi dốc 45 độ trở lên. Các dòng suối đều ở dưới chân ruộng và mạch nước thì nằm ở trên đỉnh hoặc ngang núi. Các dụng cụ để khai phá và làm ruộng bậc thang như cuốc, xẻng, xênh, trang… phải dài, thẳng và mảnh để dễ cân đo độ cân bằng. Khi khai khẩn các chân ruộng mới, nước là một dụng cụ đo thích hợp. Đường viền ruộng đắp đất và đá theo mặt địa hình tự nhiên và cân bằng. Ruộng bậc thang tiêu chuẩn là mặt ruộng phải phẳng, dù đất có địa hình phức tạp gồ ghề. Các cửa mở nước để bậc ruộng trên chảy xuống bậc dưới cũng phải đặt hợp lý, khoa học để các chân ruộng đều nhau.

Chính vì vậy, vào mùa đổ nước (dẫn nước vào chân ruộng để cấy lúa), các vùng ruộng bậc thang trở thành cảnh quan đặc sắc. Hệ thống ống tre dẫn nước từ trên núi xuống các chân ruộng đan như mắc cửi nhưng không xâm phạm đến nhau. Mặt ruộng loang loáng nước như mặt gương tự nhiên soi rõ nền trời. Mây và sương bảng lảng trên các vùng ruộng bậc thang là cảnh sắc đặc trưng miền núi làm say mê các nhiếp ảnh gia và tranh ảnh sáng tác đề tài này đã gặt hái nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Trong bối cảnh miền núi vận động nhiều chiều để thích ứng với thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, kỹ thuật canh tác ruộng bậc thang là vốn quý chứng minh khả năng vượt trội của con người trong việc chinh phục tự nhiên và tư duy thông suốt, có năng lực đáp ứng với biến đổi khí hậu và áp dụng khoa học kỹ thuật mới.

Một vấn đề nữa đối với canh tác ruộng bậc thang trong các bản làng miền núi hiện tại là mối quan hệ qua lại giữa các loại nhu cầu, sự phân chia ảnh hưởng và tính tập thể trong mỗi cộng đồng. Để dẫn nước về các ruộng bậc thang, người ta phải đào rãnh, tạo dòng chảy dẫn nước từ trên cao xuống thấp đi kèm hệ thống rãnh thoát nước khi có mưa lũ. Phía trên ruộng bậc thang, phải đào giao thông hào để phòng trừ mưa lớn nước tràn từ đỉnh nương xuống ruộng làm gẫy lúa, trôi chất đất màu trên ruộng, đồng thời đây cũng là hàng rào ngăn cản trâu bò, dê vào ruộng phá hoại lúa. Như vậy, hệ thống tưới tiêu ruộng bậc thang được coi là hệ thống thủy lợi sơ khai nhất nhưng rất hợp lý, khoa học.

Vào những tháng chưa có mưa, các mạch nước nhỏ chảy xuống chân ruộng đồng thời là hệ thống nước sinh hoạt được dẫn về các thôn bản. Nếu nước bị chặn dòng thì các bản làng sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước dùng. Phân chia dòng nước nguồn cho nhiều nhu cầu của đời sống đang là bài toán đòi hỏi năng lực bao quát của cán bộ địa phương. Kể cả việc sử dụng và quản lý nước ở các ruộng bậc thang cũng được những người cùng sử dụng chung nguồn nước thống nhất với nhau sao cho ruộng trên và ruộng dưới đều có đủ nước.

Giống lúa được trồng trên những ruộng bậc thang được chọn lọc tự nhiên. Giống lúa bền bỉ nhất phải ưa đất đồi cao, chịu hạn, thích ứng với thời tiết lạnh sương mù trên núi và có chu kỳ sinh trưởng phát triển trong khoảng từ tháng 3 âm lịch đến tháng 7 âm lịch. Các mảnh ruộng đều có lều trông coi lúa. Người dân trong suốt những tháng lúa sinh trưởng đều thăm lúa thường xuyên và sinh hoạt, giao tiếp giữa các lều này với nhau. Những chiếc lều này cũng để thóc đã thu hoạch hoặc để coi lúa phơi khô ngay trên mặt ruộng. Hệ thống nước dùng cho ruộng bậc thang, nước sinh hoạt và nước dẫn vào ao thả cá, tưới tiêu cây trồng, tạo ra một vòng tròn khép kín trong phong cách lối sống của người miền núi.

Các khu vực ruộng bậc thang đã và đang tạo ra sản phẩm du lịch cho vùng núi. Vài năm gần đây, các lễ hội ruộng bậc thang, bay dù trên vùng di sản, bay trên mùa vàng và chơi hội mùa lúa chín được tổ chức thường xuyên thu hút khách du lịch. Ruộng bậc thang là quỹ vốn văn hóa phát triển cho miền núi, đã tạo ra môi trường thích hợp để bảo tồn tri thức dân gian đặc biệt này.

Thụy Văn

>>>>>Xem thêm: Vâu Là Gì Khiến Dân Mạng Cười Té Ghế, Dân Mạng Hỏi Đồng Âm Là Gì

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *