Sâm cau rừng là một loại dược liệu quý mọc hoang phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về nhiều công dụng tuyệt vời của vị thuốc này. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu trên
Sâm cau rừng là gì?
Ngải cau, địa tông căn, độc cước tiên mao, hải nam sâm là những tên gọi khác nhau của sâm cau rừng. Vị thuốc Curculigo orchioides Gaertn thuộc họ Thủy tiên.
Mô tả toàn cây
Cây thảo sống lâu năm cao 10 đến 14 cm, đôi khi cao đến 30 cm. Lá hình mũi mác từ 3 đến 6 nhìn giống lá Cau.
Hoa màu vàng xếp 3 đến 5 hoa thành cụm, cuống hoa ngắn, ẩn trong bẹ lá. Quả nang chứa 1 đến 4 hạt.
Hoa nở vào mùa hè thu.
Thân rễ – Rhizoma Curculiginis, thường gọi là Tiên mao là bộ phận thường dùng làm thuốc của cây.
Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến
Sâm cau rừng là cây bản địa của Ấn Độ. Phân bố trải dài từ Nhật Bản, phía nam Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và các nước khác trong Đông Nam Á.
Sâm cau mọc hoang ở một số tỉnh ở miền Bắc Việt Nam như Lào Cai, Điện Biên, Hòa Bình và cũng tìm thấy trên vùng đồi núi cao ở Lâm Đồng. Địa hình chủ yếu của sâm thích hợp phát triển là từ 500 đến 1600 m.
Tác dụng của Sâm cau rừng
Thành phần hóa học
- Phenol và phenolic glycosides như: Curculigoside B-C, Orchioside A, Corchioside A, Curculigine D…
- Lignans và lignan glycosides như: (1S,2R)orchioside D, orchioside B; 3,3′,5,5′-tetramethoxy-7,9′:7′,9-diepoxyligan-4,4′-di-O-β-D-glucopyranoside…
- Triterpenes và triterpenoid glycosides như: các Curculigosaponin – A,B,C,D,E,F,G,H,I,J,K,L,M.
- Flavones như: 5,7-dimethoxmyricetin-3-O-α-L-xylopyranosyl-(4-1)-β-D-glucopyranoside….
- Eudesmanes.
- Polysaccharides.
- Alkaloids như: 1,3,7-trimethylxanthine, Lycorine, Methylacety(hydroxy)carbamate…
Trong đó Norlignans, triterpenoids và phenol glycosides là những hoạt chất chính mang lại hiệu quả dược lý cho Sâm cau.
Tác dụng dược lý
Qua các nghiên cứu cho thấy Sâm cau rừng có các tác dụng sau:
Điều hòa các chức năng cơ quan trong cơ thể: tăng ngưỡng chịu nhiệt và giảm oxy máu, có hiệu quả giống androgen, chống co giật,.
Kích thích miễn dịch: dịch chiết cồn rễ Sâm cau làm tăng số lượng bạch cầu, nhất là bạch cầu lympho ở lách.
Chống loãng xương: làm tăng số lượng các tạo cốt bào và hoạt tính alkaline phosphatase, tăng lắng đọng Canxi ở mô xương, tăng cường hoạt tính chống oxy hóa của tạo cốt bào. Giảm các vùng tái hấp thu xương của hủy cốt bào.
Kích thích vị giác và thèm ăn.
Hỗ trợ khả năng tình dụng vài bài tiết nội tiết tố: kích thích bài tiết estrogen, FSH, LH, testosterone, cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng.
Chống oxy hóa: làm giảm hoạt tính caspase-3 và biểu hiện gen p53 mRNA, là những yếu tố đóng vai trò chính trong apoptosis tế bào do hydroperoxy.
Ổn định tế bào mast, hoạt tính kháng histamin, hỗ trợ điều trị hen phế quản.
Bảo vệ tế bào gan: làm hạ men gan AST, ALT, GGT. Cải thiện lipid máu.
Curculigoside trong Sâm cau có tác dụng làm tăng biểu hiện protein procollagen type 1 và giảm protein tiêu chất nền ở nguyên bào sợi da người, điều này gợi ý tác dụng chống lão hóa da của Sâm cau.
Sâm cau rừng trong y học cổ truyền
Vị cay, tính ấm, hơi có độc. Có tác dụng bổ thận tráng dương, ôn trung táo thấp, tán ứ trừ tê, mạnh gân cốt.
Quy kinh Thận, Can, Tỳ.
Sâm cau ngâm rượu.
Cách dùng Sâm cau rừng
Sâm cau rừng thường được dùng chữa: nam giới tinh lạnh, liệt dương; phụ nữ tiểu đục, bạch đới, người già tiểu són lạnh dạ; thần kinh suy nhược, phong thấp, lưng gối lạnh đau, vận động khó khăn. Ngày dùng 6-12g phối hợp với các vị khác dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Ở Ấn Độ, người ta xem cây này có tính chất nhầy dịu, lợi tiểu, bổ, kích dục, được dùng chữa trĩ, vàng da, hen suyễn, tiêu chảy, lậu.
Theo dược điển của Trung Quốc, liều khuyến cáo cho người lớn là 3 – 9g/ngày. Độc tính lâu dài đã được ghi nhận trên chuột khi sử dụng liều rất cao 120g/kg trong vòng 6 tháng gây tổn thương gan thận .
Một số bài thuốc từ Sâm cau rừng
- Chữa liệt dương, nam giới tinh lạnh, phụ nữ tử cung lạnh:
6g sâm cau, 8g ba kích, thục địa, hồ đào nhục, 4g hồi hương. Sắc uống dùng hằng ngày.
- Chữa phong thấp, thần kinh suy nhược, lưng gối đau lạnh:
50g sâm cau, 150 ml rượu trắng. Ngâm dùng trong vòng 7 ngày, dùng mỗi ngày trước mỗi bữa chính.
- Chữa tiêu chảy, hen suyễn:
Rễ Sâm cau cắt lát mỏng, nhỏ, phôi khô, sao vàng. Nấu 12 – 16g sâm cau với 250 ml nước, khi nước cạn còn 50ml thì dùng, uống trong ngày, trước mỗi bữa ăn.
- Chữa đau nhức toàn thân, tê thấp:
20g rễ sâm cau, hy thiêm thảo (cỏ đĩ), hà thủ ô đỏ (chế đậu đen), 500ml rượu trắng. Xắt nhỏ dược liệu, ngâm với rượu trắng trong vòng 5 – 7 ngày (càng lâu càng tốt). Uống 2 lần/ ngày, mỗi lần 30 ml, dùng trước bữa ăn.
Chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng
Bài thuốc 1: 20g sâm cau, 12g trâu cổ (sung thằn lằn), sâm bố chính, câu kỷ tử, tục đoạn, ngưu tất, thạch hộc, ba kích thiên, hoài sơn; 8g ngũ gia bì, nữ trinh tử. Tất cả đem rửa sạch, xắt thành lát mỏng, nhỏ, dùng trong ngày, trước mỗi bữa ăn.
Bài thuốc 2: 20g sâm cau, 16g ba kích, hồ đào nhục (óc chó), phá cố chỉ, thục địa; 4g tiểu hồi hương. Đem các nguyên liệu trên sắc với 750 ml nước, khi lượng nước cạn còn khoảng 250 ml thì tắt bếp, chia thành 2 lần uống trong ngày, dùng trước mỗi bữa ăn.
Một số món ăn từ Sâm cau rừng
Thịt gà nấu sâm cau: Thực dưỡng từ gà và sâm cau có tác dụng bồi bổ khí huyết, trừ phong thấp và tăng cường sinh lực. Nam giới đang mắc phải vấn đề về sinh lý, rối loạn cương dương, đau lưng mỏi gối thì có thể cân nhắc bổ sung món ăn vào thực đơn điều trị.
Chuẩn bị: thịt gà 250g, dâm dương hoắc 15g, sâm cau 15g, gia vị các loại. Dược liệu rửa sạch. Thịt gà đem rửa sạch, tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút cho ngấm. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, nấu với lượng nước vừa phải cho đến khi gà chín mềm, nêm nếm gia vị, dùng khi còn nóng.
Rượu tiên mao: Rượu tiên mao có tác dụng trừ phong thấp, bổ thận tráng dương. Dùng rượu thuốc hợp lý mỗi ngày sẽ hỗ trợ cải thiện tình trạng liệt dương ở nam giới, trị chứng thần kinh suy nhược, phong thấp.
Chuẩn bị: 50g tiên mao phơi khô, xắt lát mỏng, sấy khô sao vàng hạ thổ, 500 ml rượu gạo. Ngâm tiên mao trong rượu khoảng 7 đến 10 ngày, đảo nhẹ. Mỗi lần uống khoảng 30ml, sau bữa ăn.
Lưu ý khi sử dụng
- Theo “Thần nông bản thảo”, những bệnh nhân Âm hư nội nhiệt, cảm nhiễn ngoại hàn không nên dùng.
- Rễ sâm cau rừng có thể gây nhầm lẫn với rễ cây Bồng.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác cần thông báo trước cho bác sĩ điều trị.
Sâm cau là một vị thuốc quý nhưng vẫn còn chưa được nhiều người biết tới. Bài thuốc từ vị sâm cau này có thể hỗ trợ điều trị liệt dương, phong thấp, đau lưng gối. Hi vọng với bài viết trên có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về tác dụng tuyệt vời của dược liệu này. Vị thuốc không phải là thần dược, tham khảo ý kiển chuyên gia trước khi sử dụng điều trị bất kỳ bệnh lý gì