Chỉ số ROA là gì?
ROA (viết tắt của Return on Assets) – là tỷ số lợi nhuận trên tài sản, là một chỉ số thể hiện tương quan giữa mức sinh lợi của một công ty so với chính tài sản của nó. ROA sẽ cho ta biết hiệu quả hoạt động của công ty trong việc sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận.
Công thức tính ROA
ROA = Lợi nhuận sau thuế (Earnings)/ Tổng tài sản (Assets) *100%
VD: Một công ty có tổng tài sản là 70 tỷ và lợi nhuận ròng đạt 20 tỷ. Theo công thức trên ta tính được chỉ số ROA = 20/70 x 100% = 28,6%
Ý nghĩa chỉ số ROA trong lựa chọn cổ phiếu
- Đánh giá khả năng quản lý tài sản của doanh nghiệp
Chỉ số ROA sẽ phản ánh phần nào hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Cụ thể là khả năng doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu lợi nhuận từ mỗi đơn vị tài sản. Ví dụ, nếu công ty X có hệ số ROA = 10% trong năm 2020. Đồng nghĩa với mỗi 1 tỷ đồng tài sản, doanh nghiệp thu về 100 triệu lợi nhuận trong năm đó.
- Đánh giá chiến lược kinh doanh
Hai chỉ số ROA và ROE sẽ phản ánh bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp bao gồm khả năng sử dụng vốn chủ sở hữu và quản lý hệ thống tài sản. Nếu ROA và ROE cao và càng ngày càng tăng, đây là dấu hiệu tốt chứng minh doanh nghiệp đang đi đúng hướng, hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng.
- Giúp quyết định đầu tư chính xác hơn
Ngoài những khả năng trên, ROA còn giúp nhà đầu tư nhận biết được đâu là doanh nghiệp có tiềm năng phát triển trong tương lai khi đặt lên bàn cân so sánh. Việc đánh giá, so sánh cần đặt giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động, giữa các năm của một doanh nghiệp mới đưa ra góc nhìn tổng quát nhất. ROA càng cao thì tỷ lệ nợ phải trả càng thấp, lợi nhuận thu về cho nhà đầu tư càng cao và ngược lại.
Chỉ số ROA bao nhiêu là tốt?
Theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay, một doanh nghiệp được cho là hoạt động hiệu quả khi đạt mức ROE từ 15% trở lên và ROA từ 7.5% trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định chỉ số ROA bao nhiêu là tốt cho mỗi doanh nghiệp sẽ có sự khác nhau nhất định. Điều này phụ thuộc vào: lĩnh vực mà công ty đó đang hoạt động, so sánh ROA các đối thủ cùng ngành, so sánh ROA với kết quả trong quá khứ. Và một điều cần lưu ý, nhà đầu tư nên xem xét và phân tích chỉ số ROA của một doanh nghiệp trong ba năm liên tiếp để thấy rõ được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ, với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng như: sản xuất, chế biến thép, xi măng, lắp ráp ô tô…đòi hỏi tài sản cố định rất lớn. Vì thế, chỉ số ROA thường khá thấp. Ngược lại, với các công ty lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, truyền thông…yêu cầu về tài sản cố định thường thấp hơn, kéo theo ROA cao. Do đó nhà đầu tư không nên so sánh ROA giữa các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau.
Nhà đầu tư có thể tham khảo công thức sau đây để đánh giá chỉ số ROA của một doanh nghiệp:
ROA > 7.5% + ROA ngày càng tăng + Duy trì ít nhất 3 năm = Doanh nghiệp tốt.
Chỉ số ROA là một phương pháp đánh giá doanh nghiệp tương đối hiệu quả dành cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng thể về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thì nhà đầu tư nên kết hợp với những chỉ số khác và sử dụng phương pháp phân tích. Hy vọng với những kiến thức trên đã giúp nhà đầu tư có được những thông tin cần thiết cho chiến lược đầu tư của mình.
Nguồn: Tổng hợp
Chứng khoán Pinetree miễn phí hoàn toàn phí giao dịch trọn đời và công cụ lãi suất Margin 9%/năm không kèm điều kiện. Đây là mức phí tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.