Bạn có nhớ lần đầu tiên mình tập đi xe đạp là khi nào không?
Bạn có thể đếm số chuyển động lặp lại cần thiết để thực hiện hoàn hảo một điệu nhảy không?
Bạn đã bao giờ cố gắng thành thạo một loại nhạc cụ mới chưa?
Khi lần đầu thực hành những hành vi mới, ai trong chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một khi bạn đã thành thạo hơn, quá trình này bắt đầu đòi hỏi ít nhận thức hơn – cho đến khi cuối cùng, bạn có thể làm mọi thứ một cách “mượt mà” và hoàn toàn tự nhiên.
Tất cả những hành vi tự nhiên này được hướng dẫn bởi một trong những nguồn nội lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy hành vi của con người – sức mạnh tiềm thức (hay còn được gọi là tâm trí phi ý thức).
Sức mạnh tiềm thức là gì?
Bạn có biết một thực tế là con người thường chỉ sử dụng một phần não bộ của họ? Nguyên nhân chính bắt nguồn từ phần tâm trí tiềm thức (subconscious mind) – phần tâm trí này luôn hoạt động và ảnh hưởng đến mọi điều ta làm hằng ngày.
Lấy ví dụ như khi ta tập thiền định. Một khi bắt đầu kiểm soát được hơi thở của mình, sức mạnh của tiềm thức sẽ trỗi dậy và nắm quyền kiểm soát tâm trí có ý thức của bạn. Bạn bắt đầu thở sâu hơn bằng bụng. Sau đó, bạn không cần phải suy nghĩ về nó nữa – tâm trí tiềm thức sẽ thay bạn điều khiển hơi thở, cho đến khi bị tác động bởi một kích thích khác (ví dụ: căng thẳng). Mọi thứ đều được kiểm soát từ ngay trong đầu của bạn.
Mỗi giây, não bộ phải xử lý hàng trăm luồng thông tin tới từ các giác quan – và nó sẽ “bùng nổ” nếu phải xem xét và xử lý toàn bộ thông tin này một lúc. Đây là lý do tại sao cần đến một “rào cản” ở giữa – tâm trí tiềm thức. Tiềm thức đóng vai trò tiếp nhận, và sẽ chỉ chuyển đi những thông tin quan trọng đối với bạn tại thời điểm hiện tại.
Sức mạnh tiềm thức là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc sống và công việc. Theo quy luật hấp dẫn (Law of Attraction), suy nghĩ của con người – dù ý thức hay vô thức – đều ảnh hưởng đến trải nghiệm thực tế hiện tại, bao gồm mức độ thành công trong các lĩnh vực (công việc, tài chính, mối quan hệ, sức khỏe, hạnh phúc…). Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải biết lựa chọn cách suy nghĩ cho phù hợp.
Sức mạnh tiềm ẩn của con người
Lý thuyết về năng lực của tiềm thức
Hành động của con người – ý thức cũng như vô thức – có mối quan hệ rất chặt chẽ với não bộ. Cụ thể, khả năng kiểm soát suy nghĩ, đồng bộ hóa các chuyển động, trải nghiệm cảm xúc… đều chịu ảnh hưởng bởi độ sâu của quy trình xử lý thông tin.
Ý tưởng về các cấp độ xử lý thông tin chuyên sâu được phát triển bởi nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo Sigmund Freud (1856 – 1939), tác giả mô hình tâm trí 3 cấp độ. Theo đó, tâm trí con người có thể được chia thành những cấp độ như sau:
- Ý thức (Conscious): Xác định mọi suy nghĩ và hành động trong nhận thức của chúng ta. Ý thức bao gồm nhận thức về môi trường xung quanh, suy nghĩ và cảm xúc hiện tại, các giác quan, cảm giác đói hay không, v.v…
Ví dụ: Nhận thức về vẻ đẹp và mùi hương dễ chịu của hoa hồng.
- Tiềm thức (Subconscious): Quyết định định tất cả phản ứng và hành động tự nhiên mà ta có thể nhận thức được nếu chủ đích suy nghĩ về chúng. Tiềm thức con người bao gồm trong đó những ký ức, niềm tin, nỗi sợ hãi, đánh giá chủ quan về thực tế. Tác động của tâm trí vô thức là rất mạnh mẽ và có thể định hướng hành động của bạn trong cuộc sống – dù bạn có nhận thức về điều đó hay không.
Ví dụ: Một khi đã lái xe hơi thành thạo, chúng ta sẽ không cần phải suy nghĩ nên đạp thắng như thế nào, nhìn vào gương ra sao. Thay vào đó, hành động của bạn sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên, mặc dù bạn vẫn có thể nhận thức được những gì đã làm khi chủ tâm suy nghĩ về nó. Đây là một ví dụ về tiềm thức và cách thức ảnh hưởng của nó đến hoạt động của chúng ta.
Mô hình 3 cấp độ vô thức, tiềm thức và ý thức
- Vô thức (Unconscious): Xác định tất cả các sự kiện và ký ức trong quá khứ mà đôi khi, chúng ta không thể nhớ được dù rất cố gắng.
Ví dụ: Từ ngữ đầu tiên bạn phát ra trong đời, hoặc cảm giác của bạn khi lần đầu tiên có thể tự đi lại được.
Sau này, nhiều tác phẩm khác nhau đã đi sâu hơn trong việc tóm tắt và giải mã sức mạnh tiềm thức. Một ví dụ điển hình là cuốn The Power of your Subconscious Mind (dịch nghĩa: Sức mạnh tiềm thức) của Joseph Murphy.
Sức mạnh tiềm thức có thật không?
Cho đến ngày nay, nghiên cứu về ảnh hưởng của sự tương tác giữa các cấp độ suy nghĩ đến hành vi con người vẫn là một trong những đề tài “nóng hổi” nhất của tâm lý học và khoa học thần kinh. Về vấn đề này, một trong những yêu cầu lớn nhất với các nhà khoa học là khám phá ra những chiều sâu khác nhau của tâm trí.
Trong phần lớn trường hợp, việc phân tích các cấp độ xử lý thông tin có thể được thực hiện thông qua mô hình hóa. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra cách các tín hiệu tâm lý không liên quan định hình quá trình học tập, cũng như việc tác động của suy nghĩ có ý thức, tiềm thức và vô thức có thể được mô hình hóa dựa trên thời gian biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt.
Trong thí nghiệm này, những người tham gia được cho xem một bộ ảnh các khuôn mặt. Sau đó, họ được yêu cầu xác định xem biểu cảm khuôn mặt trong bức ảnh trước đó có cùng một cảm xúc với bức ảnh sau không.
Thật thú vị, kết quả cho thấy các tình nguyện viên có thể nhận thức chính xác sự khác biệt giữa các biểu cảm trên khuôn mặt nếu hình ảnh được hiển thị ít nhất 0,047 giây. Khi thời lượng này giảm xuống còn 0,027-0,033 giây, tỷ lệ phản hồi chính xác giảm xuống khoảng một nửa. Khi xuống còn 0,020 giây, mọi người không còn phân biệt được các biểu hiện trên khuôn mặt nữa.
Kết quả trên đã chứng minh sự khác biệt rõ ràng về ảnh hưởng có ý thức và vô thức của suy nghĩ. Những người tham gia chỉ có thể đưa ra câu trả lời đúng nếu thời gian hiển thị ảnh đủ để đạt đến mức độ nhận thức có ý thức. Đáng chú ý hơn, thời lượng ảnh từ 0,027-0,033 giây không thể đủ để kích thích lời nói ở cấp độ ý thức, nhưng lại đủ gây ảnh hưởng có thể đo lường được đối với hành vi.
Cụ thể, tỷ lệ câu trả lời đúng giảm chỉ còn một nửa, đồng nghĩa với việc những người tham gia vẫn có thể đưa ra một phần câu trả lời chính xác – đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hiện diện của sức mạnh tiềm thức.
Tri thức là sức mạnh
Quá trình kích hoạt tiềm thức
Bạn có thể thắc mắc: Liệu kích thích não bộ dưới ảnh hưởng của tiềm thức có khác so với ý thức hay không? Tại sao suy nghĩ có ý thức thường được xử lý chậm hơn suy nghĩ vô thức?
Cho đến gần đây, chúng ta không thể nắm bắt được vị trí xảy ra các quá trình tư duy trong não – cũng như hình dung các vùng kích hoạt não cụ thể. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ chụp ảnh não đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu quy trình xử lý suy nghĩ – bằng cách hình ảnh hóa những thay đổi trong cấu trúc thần kinh của não bộ.
Ngày nay, nghiên cứu mô hình tâm trí cho thấy chiều sâu của suy nghĩ phụ thuộc vào lộ trình xử lý. Cụ thể, khoa học đã có thể phân biệt rõ ràng quá trình xử lý suy nghĩ có ý thức và vô thức.
Ngược lại, hoạt động của tiềm thức lại rất khó xác định. Trên thực tế, những suy nghĩ trong tiềm thức dường như không có mô hình xử lý riêng biệt – nhưng thường chia sẻ một số đặc điểm của tư duy có ý thức cũng như vô thức.
Bí mật sức mạnh tiềm thức
Tiềm thức đóng vai trò là nơi lưu trữ và truy xuất dữ liệu. Vai trò của nó là đảm bảo phản hồi chính xác theo cách thức được “lập trình” từ trước. Nói cách khác, nhờ vào tiềm thức, lời nói và hành động của bạn luôn thống nhất với một khuôn mẫu phù hợp với quan niệm về bản thân. Vì lý do này, việc lặp lại những khẳng định tích cực (positive affirmations) có ý nghĩa rất quan trọng – bạn hoàn toàn có thể “lập trình” lại khuôn mẫu suy nghĩ của mình, bằng cách thực hành tư duy tích cực và định hướng thành công.
Đây là lý do tại sao các hoạt động truyền cảm hứng (ví dụ: đọc những câu danh ngôn nổi tiếng) mang lại tác động rất lớn trong thực hành suy nghĩ tích cực. Bằng cách tập trung vào những ý tưởng thăng hoa, tiềm thức của bạn sẽ bắt đầu hình thành một mô hình tích cực trong cách suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống.
Sức mạnh tiềm thức được đặc trưng ở tính chủ quan cao. Nó không suy nghĩ hay lập luận một cách độc lập; nó chỉ tuân theo các mệnh lệnh từ tâm trí có ý thức của bạn. Nếu ví tâm trí có ý thức như người làm vườn gieo hạt, tâm trí tiềm thức sẽ như khu vườn để hạt giống nảy mầm và phát triển. Do đó, việc khai thác sức mạnh của suy nghĩ tích cực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền tảng tư duy.
Tâm trí ý thức ra lệnh, và tâm trí tiềm thức tuân theo
Tiềm thức chúng ta luôn hoạt động ngày đêm, làm sao để hành vi của bạn theo một khuôn mẫu phù hợp với những suy nghĩ, hy vọng và mong muốn trong ta. Tùy vào việc bạn “gieo” hạt giống gì trong suy nghĩ, tiềm thức sẽ trả lại cho bạn những “hoa quả” hoặc “cỏ dại” tương ứng.
Sức mạnh tiềm thức hoạt động như thế nào?
Liên quan đến tiềm thức, có một khái niệm được biết đến với tên gọi xung cân bằng nội môi (homeostatic impulse). Vai trò của nó là điều chỉnh các chức năng như: nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, hơi thở. Brian Tracy giải thích như sau:
“Thông qua hệ thống thần kinh tự chủ, xung động nội môi duy trì trạng thái cân bằng giữa hàng trăm chất hóa học trong hàng tỷ tế bào của bạn – nhờ đó, toàn bộ “bộ máy thể lý” luôn hoạt động hài hòa hoàn toàn trong phần lớn thời gian.”
Vai trò của tiềm thức là đảm bảo “cân bằng nội môi” về tinh thần, bằng cách giữ cho bạn suy nghĩ và hành động theo cách phù hợp với những gì bạn đã làm và nói trong quá khứ.
Tất cả thói quen suy nghĩ và hành động của bạn đều được lưu giữ trong tiềm thức. Tiềm thức ghi nhớ tất cả các vùng an toàn (comfort zones) của bạn, và đảm bảo rằng bạn luôn hành động trong khu vực đó. Đây là lý do tại sao chúng ta cần thường xuyên viết ra các mục tiêu THÔNG MINH (SMART). Sau một thời gian, việc duy trì năng suất và tập trung vào mục tiêu sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong vùng an toàn của bạn.
Tiềm thức là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy không thoải mái – cả về mặt tinh thần và thể chất – mỗi khi cố gắng làm điều gì mới, hoặc thay đổi thói quen hành động. Cảm giác sợ hãi, khó chịu là dấu hiệu tâm lý cho thấy tiềm thức của bạn đã được kích hoạt.
Đây là lý do tại sao chúng ta thường gặp khó khăn khi tìm cách thay đổi thói quen cũ. Tuy nhiên, thông qua việc học cách kiểm soát có chủ đích những khuôn mẫu trên đây, bạn sẽ có thể tạo ra những vùng an toàn mới mà tiềm thức có thể thích nghi theo.
Vận dụng sức mạnh tiềm thức
Bạn sẽ nhận thấy tiềm thức luôn cố gắng “níu kéo” bạn trở lại vùng an toàn mỗi khi muốn thử điều gì mới. Chỉ đơn thuần suy nghĩ về việc đó cũng đã đủ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và bất an. Điều này giải thích cho những khó khăn khi ta áp dụng các chiến lược quản lý thời gian (time management) lần đầu.Thế nhưng, một khi trở thành thói quen, tiềm thức sẽ được “lập trình” lại theo hướng có lợi cho bạn.
Những người thành đạt luôn sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn của họ. Họ hiểu rõ việc hành động trong khuôn khổ vùng an toàn sẽ đẩy họ theo “lối mòn” – rằng sự tự mãn là kẻ thù lớn nhất của tư duy sáng tạo và phát triển.
Để phục vụ mục tiêu phát triển bản thân, bạn phải sẵn sàng cảm thấy lúng túng và không thoải mái khi làm điều gì mới trong vài lần đầu tiên. Hãy chấp nhận thất bại cho đến khi hình thành được một vùng an toàn mới – ở một cấp độ năng lực cao hơn.
Đối với những ai muốn mở rộng phạm vi an toàn của mình, lời khuyên là bạn nên tìm hiểu thói quen của những người thành công – đó chính là những hình mẫu suy nghĩ của các nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng vĩ đại. Việc “giải phóng” sức mạnh của những hành vi này sẽ giúp bạn tiến gần hơn trên hành trình trở nên giống như họ.
Bạn chính là những gì bạn nghĩ
Nẵm rõ những bí quyết lập trình lại tiềm thức sẽ giúp bạn tin tưởng vào bản thân hơn, không còn bị thử thách bởi nỗi sợ hãi trước những điều chưa biết. Nhưng quan trọng hơn, điều này sẽ rèn luyện não bộ sẵn sàng theo đuổi mong muốn, ước mơ và mục đích sống thực sự của bạn.
Hiểu rõ và biết cách ứng dụng sức mạnh tiềm thức là nền tảng tiến gần đến thành công. Ví dụ, bạn có thể có ý tưởng viết một cuốn sách trong nhiều năm qua. Bằng cách làm chủ tiềm thức để có được sự tự tin, bạn sẽ lên kế hoạch học cách viết sách, thay vì chỉ mơ ước nhưng không bao giờ hành động.