Khả năng bẻ cong không – thời gian của sóng hấp dẫn có thể biến nhiều bảo bối của Doraemon thành hiện thực.
Việc tìm ra sóng hấp dẫn thời gian gần đây được ví như phát hiện bước ngoặt của thế kỷ, đánh dấu một kỷ nguyên nghiên cứu khoa học vũ trụ hoàn toàn mới.
Bạn đang xem: Bước nhảy alpha là gì
Về cơ bản, sóng hấp dẫn xuất hiện đã chứng minh quan điểm của Einstein là hoàn toàn chính xác: Vũ trụ là một khoảng không-thời gian (spacetime) có thể bị bẻ cong. Và bạn biết không, rất nhiều bảo bối của Doraemon cũng xuất phát từ ý tưởng này.
Vậy tóm lại, bảo bối nào của Doraemon có “nguy cơ” thành hiện thực với sự hiện diện của sóng hấp dẫn? Thử tìm hiểu nha.
1. Cỗ máy thời gian
Tất nhiên, với khả năng bẻ cong không – thời gian của sóng hấp dẫn, thứ chúng ta cần nghĩ đến đầu tiên chính là cỗ máy thời gian.
Cỗ máy thời gian là một trong những bảo bối kinh điển của Doraemon. Đó là một thiết bị tự như một tấm gỗ phẳng hình chữ nhật, được cất trong… ngăn bàn của Nobita.
Đây cũng chính là cỗ máy đã giúp Doraemon và nhóm bạn thực hiện những chuyến phiêu lưu vượt thời gian – không gian, rồi trở thành một phần của tuổi thơ tất cả chúng ta.
Còn thực tế thì sao? Với việc tìm ra sóng hấp dẫn, nhiều người tin rằng khả năng chế tạo cỗ máy thời gian giống Doraemon là hoàn toàn khả thi.
Theo lý thuyết của Einstein, bất kỳ vật nào có khối lượng trong vũ trụ đều có khả năng bẻ cong không gian, phát ra sóng hấp dẫn.
Trong đó, vật nào có khối lượng càng lớn, lực hấp dẫn phát ra càng mạnh và khả năng bẻ cong không-thời gian càng lớn.
Giờ hãy tưởng tượng như sau: có hai viên bi xanh và đỏ cùng lăn trên một mặt phẳng với cùng một tốc độ. Viên bi đỏ đột nhiên lọt vào một vết lõm – dẫn đến chuyển động xoay xung quanh với một tốc độ nhanh hơn rất nhiều, trong khi bi xanh vẫn chuyển động thẳng. Nhưng khi thoát ra, bi xanh do vẫn đi thẳng nên đã vượt lên trên rất nhiều đúng không?
Mặt phẳng đó chính là vũ trụ – là không-thời gian. Viên bi xanh chính là thời gian thực, còn bi đỏ là chúng ta.
Stephen Hawking – nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng giải thích rằng chỉ việc tăng tốc độ lên cực nhanh, ta sẽ kéo thời gian xung quanh chậm lại, trong khi thời gian thực vẫn tiếp tục di chuyển. Đó chính là lúc ta du hành đến tương lai.
Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta sẽ phải chế ra một cỗ máy có thể di chuyển đến gần một nơi có khối lượng cực nặng – gấp cả ngàn lần Mặt trời.
Đó sẽ là nơi không gian bị kéo giãn cực mạnh, còn chúng ta di chuyển cực nhanh, đến mức sống ở đó vài giây thôi là thế giới bên ngoài đã trải qua vài năm. Sau đó với một động cơ đủ mạnh, cỗ máy đó sẽ lôi bạn ra thế giới thực, và bạn đã thấy mình ở tương lai rồi.
Trên thực tế, trong Dải Ngân Hà của chúng ta có tồn tại một nơi như vậy: một hố đen nằm chính giữa trung tâm của Dải Ngân Hà, cách chúng ta 26.000 năm ánh sáng. Hố đen này nặng gấp 4 triệu lần Mặt trời, do đó không thời gian xung quanh nó chạy chậm hơn bất kỳ vật thể nào trong vũ trụ. Có thể nói, đây là một cỗ máy thời gian rất… tự nhiên.
Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Đến gần hố đen vũ trụ ở khoảng cách đủ để bẻ cong không thời gian, đó cũng là lúc bạn không bao giờ thoát ra được nữa vì lực hút tại đó siêu siêu mạnh, đến mức ánh sáng cũng phải chào thua. Và theo như khoa học hiện tại, vật thể có tốc độ nhanh hơn ánh sáng chưa ra đời, và có thể không bao giờ ra đời. Nhưng biết đâu đấy, tương lai không nói trước được điều gì.
Ngoài ra, cần có một lưu ý rằng theo lý thuyết, việc du hành đến tương lai thì có thể, nhưng khả năng quay được trở lại quá khứ thì còn bỏ ngỏ. Einstein cho rằng thời gian chỉ có một chiều duy nhất – tiến về phía trước (hay tương lai). Chúng ta có thể điều chỉnh tốc độ của thời gian bằng sóng hấp dẫn, nhưng không thể đảo ngược nó. Do đó nếu bạn có muốn leo lên một cỗ máy thời gian thì cũng nên cân nhắc kỹ, vì đó chắc chắn sẽ là chuyến đi một chiều.
2. Cánh cửa thần kỳ
Bảo bối tiếp theo chúng ta sẽ bàn đến là Cánh cửa thần – Dokodemo Door. Đó là một chiếc cửa cho phép đi tới bất kỳ đâu bằng cách đơn giản chỉ cần bước qua cánh cửa.
Và hãy xem nó khả thi đến mức nào. Như đã nêu trên, không-thời gian có thể bẻ cong. Chính vì thế thay vì đi đường thẳng từ điểm A đến điểm B, ta có thể bẻ cong không gian, chập hai điểm đó lại làm một và rút ngắn khoảng cách đi rất nhiều.
Thậm chí theo như lý thuyết, việc di chuyển giữa hai đầu vũ trụ trong tích tắc cũng hoàn toàn khả thi. Đó cũng chính là lý thuyết về bước nhảy Alpha ta vẫn thường gặp trong các câu chuyện du hành vũ trụ của Doraemon.
Duy chỉ có một điểm khúc mắc, đó là chúng ta sẽ cần đến một vật nặng – rất nặng, cỡ vài chục tỷ lần Trái đất.
Phải như vậy, lực hấp dẫn mới đủ để bẻ cong không gian và duy trì trạng thái đó một cách ổn định. Tất nhiên, công nghệ hiện nay thì bó tay rồi, nhưng hãy đợi xem tương lai loài người có thể làm được gì nhé.
3. Ống bơ sáng tác
Trong một tập, Chaien vì quá thương em gái nên đã nài nỉ Doraemon cho mượn “ống lon sáng tác”. Đó là một bảo bối đưa người dùng vào một không gian yên tĩnh, phù hợp để đưa ra ý tưởng sáng tạo. Nhưng thứ đáng chú ý ở đây là thời gian: 1 ngày ở căn phòng này chỉ dài bằng một giờ bên ngoài.
Và với sóng hấp dẫn, điều này hoàn toàn khả thi. Lúc này thay vì kéo giãn thời gian, bằng cách nào đó chúng ta sẽ nén chiều không gian thứ 4 này lại.
Khi đó, bên trong hộp tốc độ sẽ chậm đi rất nhiều, và ta sẽ điều chỉnh mức độ sao cho một ngày bên trong sẽ chỉ bằng 1 giờ bên ngoài. Nghe quá tuyệt vời phải không?
Và không chỉ vậy, một số bảo bối khác liên quan đến thời gian cũng có thể thành hiện thực, như súng điều chỉnh tốc độ. Đó là khẩu súng khiến người bị bắn di chuyển chậm hơn rất nhiều, và lý thuyết thì cũng tương tự như chiếc lon sáng tác vừa nêu.