Tàu thủy lưu trú du lịch
Khái niệm
Tàu thủy lưu trú du lịch trong tiếng Anh gọi là: Cruise ship.
Tàu thủy lưu trú du lịch là phương tiện thủy chở khách du lịch có buồng ngủ, trên hành trình có neo đậu cho khách ngủ qua đêm.
Buồng ngủ (bed room): Buồng cho khách du lịch có phòng ngủ và phòng vệ sinh.
Người quản lí và nhân viên các khu vực dịch vụ (managers and staffs in service areas):
Người làm việc theo các chức danh trực tiếp phục vụ khách lưu trú và các dịch vụ bổ sung khác trên tàu thủy lưu trú du lịch, bao gồm người quản lí, điều hành chung các khu vực dịch vụ, người quản lí từng khu vực dịch vụ và nhân viên phục vụ tại các khu vực dịch vụ.
Thuyền viên (operators): Người làm việc theo chức danh qui định trên phương tiện, bao gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ, thợ máy.
Xếp hạng tàu thủy lưu trú du lịch
Căn cứ vào thực tế về kiến trúc; điều kiện về an toàn kĩ thuật; trang thiết bị tiện nghi; dịch vụ và chất lượng phục vụ; người quản lĩ và nhân viên các khu vực dịch vụ, người điều khiển, vận hành tàu;
Thực trạng bảo vệ môi trường, an ninh, phòng chống cháy nổ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp theo 5 hạng:
Hạng 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao. Các tiêu chí để xếp hạng tàu thủy lưu trú du lịch được qui định tại Điều 4 và Điều 5 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372:2012 Tàu thuỷ lưu trú du lịch – Xếp hạng.
Yêu cầu chung
Về thiết kế kiến trúc
Thiết kế kiến trúc phù hợp với yêu cầu kinh doanh, các khu vực dịch vụ được bố trí hợp lí, thuận tiện.
Về trang thiết bị tiện nghi
Trang thiết bị tiện nghi các khu vực dịch vụ đảm bảo đầy đủ, hoạt động tốt, chất lượng phù hợp với từng hạng tương ứng; được móc hoặc gắn cố định, đảm bảo không bị xê dịch khi tàu di chuyển.
Có máy phát điện cung cấp điện 24/24 h để chiếu sáng đảm bảo yêu cầu của từng khu vực; có trang thiết bị chiếu sáng khi mất nguồn.
Có trang thiết bị chứa nước ngọt đảm bảo đủ phục vụ khách trong suốt hành trình.
Hệ thống thông gió trong các khu vực hoạt động tốt (thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức, đảm bảo thông thoáng).
Có đủ trang thiết bị về an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường.
Trang thiết bị y tế: có tủ thuốc, thuốc và dụng cụ y tế thông dụng.
Về dịch vụ và chất lượng phục vụ
Dịch vụ và chất lượng phục vụ theo qui định đối với từng hạng tương ứng trong Bảng 1 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372:2012 Tàu thuỷ lưu trú du lịch – Xếp hạng.
Về người quản lí và nhân viên các khu vực dịch vụ; thuyền viên
Người quản lí và nhân viên các khu vực dịch vụ:
– Được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, vi tính phù hợp với công việc;
– Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc, được kiểm tra định kì một năm một lần (có giấy chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp);
– Có khả năng bơi lội, cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm, sơ cứu và biết sử dụng các trang thiết bị chữa cháy cơ bản (có giấy chứng nhận bơi lội phổ thông; giấy chứng nhận qua lớp tập huấn về cứu sinh, cứu đắm, sơ cứu và phòng cháy chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp).
Số người biết sơ cứu tối thiểu là 50% trong tổng số người quản lí và nhân viên các khu vực dịch vụ.
Thuyền viên:
– Có đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn điều khiển, vận hành phương tiện phù hợp;
– Có đủ người theo định biên an toàn tối thiểu.
Mặc trang phục đúng qui định của tàu, có phù hiệu tên trên áo.
Về bảo vệ môi trường, an ninh, phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm
Đảm bảo tuân thủ các qui định về bảo vệ môi trường, an ninh, phòng chống cháy nổ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Tài liệu tham khảo: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9372:2012 Tàu thuỷ lưu trú du lịch – Xếp hạng)
>>>>>Xem thêm: 12 Cung hoàng đạo trong tiếng anh đầy đủ nhất