Vành móng ngựa đã trở thành một hình ảnh biểu tượng khi nói đến các phiên tòa hình sự. Vành móng ngựa là chỗ dành cho người phạm tội đứng vào để Tòa án phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay hình ảnh chiếc vành móng ngựa chỉ còn là quá khứ, bởi lẽ chỗ dành cho bị cáo tại phiên tòa sẽ được thay thế bằng bục khai báo. Đây là một cải cách đột phá trong hoạt động pháp lý, mang tính nhân văn, đề cao nguyên tắc “suy đoán vô tội” và phù hợp với quy định “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ảnh: minh hoạ
Như chúng ta đã biết trong phiên tòa hình sự, các bị cáo đứng trước vành móng ngựa để khai báo. Vậy, lý giải như thế nào về vành móng ngựa ?
Từ lâu vành móng ngựa ở tại các phiên tòa xét xử án hình sự đã trở nên phổ biến không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Nó có xuất xứ từ đâu, vào thời điểm nào… đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giới khoa học pháp lý nghiên cứu, xem xét nhưng vẫn chưa đưa ra được một giải đáp chính xác.
Trong đó, có quan điểm cho rằng, vành móng ngựa có nguồn gốc từ thời kỳ La Mã. Đây là một trong những Nhà nước cổ đại đầu tiên ở châu Âu, tồn tại suốt 13 thế kỷ (từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ VI sau công nguyên). Những thành tựu nổi bậc nhất của La Mã là Nhà nước điều hành xã hội qua một bộ luật hoàn chỉnh và có ảnh hưởng đến hầu hết đến luật pháp các nước Châu Âu. Lúc đó, Nhà nước La Mã thường xử tội phạm mắc án tử bằng cách buộc chặt chân tay phạm nhân bằng dây, mỗi chân, tay hoặc cả đầu được buộc nối với một con ngựa. Sau đó, quân lính sẽ thúc ngựa phi nước đại khiến các bộ phận của phạm nhân bị xé toạc. Người ta thường gọi hình thức này là “tứ mã phanh thây” hay “ngũ mã phanh thây”. Ngoài việc dùng ngựa phanh thây thì còn hình thức khác là phạm nhân bị trói chặt, sau đó binh lính dùng ngựa hoặc voi giày xéo lên thân thể của phạm nhân cho đến chết. Cách xử tội bằng phanh thây, voi giày, ngựa xéo này thể hiện sự nghiêm minh và cực kỳ hà khắc của pháp luật thời kỳ cổ đại.
Đến thời kỳ các Nhà nước phong kiến trên khắp thế giới cũng sử dụng hình thức xét xử này để hành hình kẻ phạm tội. Nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây cũng có áp dụng đến hình thức “tứ mã phanh thây” để thi hành án đối với người mắc tội chết. Những hình phạt kiểu này đã gây nên nỗi khiếp đảm cho nhân dân và được duy trì trong một thời gian rất dài. Về sau, trước sự tiến bộ của xã hội, sự đấu tranh vì quyền con người, nên hình thức xử phạt phạm nhân này đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, vì phải giữ tính răn đe của pháp luật nên người ta vẫn giữ lại hình tượng móng ngựa bằng cách làm một chiếc khung gỗ cong cong như một chiếc vành móng ngựa và người phạm tội phải đứng vào khai báo trước Tòa án nhằm đề cao tinh thần nghiêm minh của luật pháp.
Có lý giải lại cho rằng, ở Châu Âu, tập quán người dân nhiều nước sử dụng chiếc móng ngựa, khi treo trên tường hoặc phía trước cửa ra vào nhà sẽ là công cụ linh thiêng bảo vệ gia chủ khỏi sự xâm phạm của cái ác và cái xấu. Một truyền thuyết công giáo cho biết, Thánh Dunstan đã giam giữ một con quỷ nhỏ vào chiếc móng ngựa và treo nó lên cửa nhà, từ đó các tín đồ sử dụng chiếc móng ngựa như một công cụ để xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu.
Lại có ý kiến khác cho rằng, lúc đầu để đảm bảo an toàn, người ta đã làm một hàng chấn song bằng gỗ ngăn cách giữa những người làm nhiệm vụ xét xử và người phạm tội. Sau đó, do việc vận chuyển khó khăn, bất tiện nên người ta đã thu ngắn lại. Qua nhiều giai đoạn, thời kỳ, đến khi nó có hình giống như chiếc vành móng ngựa nên người ta gọi nó là “vành móng ngựa”…
Vậy, còn ở Việt Nam, vành móng ngựa có từ bao giờ cũng chưa ai xác định chắc chắn nhưng đều cho rằng nó du nhập vào nước ta từ khi bị thực dân Pháp xâm lược. Pháp chính thức áp đặt bộ máy thống trị tại Việt Nam và sử dụng vành móng ngựa trong những vụ án xét xử người phạm tội.
Thực tiễn xét xử ở nước ta cho thấy, có người định kiến rằng bất cứ ai đứng trước vành móng ngựa đều bị hiểu là có tội và phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc nên đối xử với họ như với người có tội. Trong khi đó, bị cáo trước khi bị tuyên án thì vẫn được coi như vô tội để Toà án có thái độ hoàn toàn khách quan.
Từ đó, quá trình cải cách tư pháp, nguyên tắc “suy đoán vô tội” được đề cao và “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Để hiện thực hóa với nguyên tắc suy đoán vô tội, tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án, cụ thể tại Điều 5 quy định trang thiết bị trong phòng xử án có “bục khai báo” của bị cáo (thay thế cho vành móng ngựa) nhằm thể hiện tính nhân văn, tạo thuận lợi cho bị cáo trong việc đối đáp, tranh tụng.