Thư bảo lãnh (Letter of Guarantee)
Thư bảo lãnh – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Letter of Guarantee.
Bạn đang đọc: Thư bảo lãnh (Letter of Guarantee) là gì? Nội dung của thư bảo lãnh
Thư bảo lãnh là văn bản cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.
Nhìn chung, không có một mẫu bảo lãnh thống nhất cho tất cả các loại bảo lãnh cũng như cho tất cả các ngân hàng. Việc soạn thảo thư bảo lãnh được thực hiện bởi các chuyên viên có kinh nghiệm, đặc biệt là về mặt pháp lí, và mỗi loại bảo lãnh thường có một mẫu riêng. (Theo Giáo trình Ngân hàng thương mại, NXB Thống kê)
Nội dung của thư bảo lãnh
Thông thường, một thư bảo lãnh gồm các nội dung sau:
Tên, địa chỉ… của các bên tham gia
Những bên tham gia hợp đồng bảo lãnh bao gồm: Người được bảo lãnh; Người thụ hưởng; Ngân hàng phát hành thư bảo lãnh; Ngân hàng thông báo (nếu có); Ngân hàng chỉ thị (nếu có).
Trong thư bảo lãnh tên, địa chỉ… của các bên tham gia phải là tên và địa chỉ kinh doanh, và phải ghi rõ ràng, đầy đủ, bởi vì bất cứ sự mơ hồ hoặc ẩn ý nào cũng có thể dẫn đến hậu quả rủi ro sau này.
Dẫn chiếu hợp đồng gốc
Thường mỗi loại bảo lãnh nhằm vào một loại rủi ro nhất định và do nội dung của hợp đồng gốc quyết định. Thông thường tên gọi của bảo lãnh luôn thống nhất với nội dung hợp đồng gốc, do đó, bảo lãnh bao giờ cũng có phần dẫn chiếu số hiệu và giá trị của hợp đồng gốc.
Số tiền bảo lãnh
– Vì số tiền bảo lãnh là số tiền tối đa mà ngân hàng thanh toán cho người thụ hưởng, do đó, cho dù tổn thất do vi phạm hợp đồng có thể lớn hơn số tiền bảo lãnh, nhưng người thụ hưởng vẫn không được bồi thường cao hơn mức bảo lãnh tối đa của ngân hàng.
– Số tiền bảo lãnh phải vừa ghi bằng số và ghi bằng chữ và thống nhất với nhau.
Các điều kiện thanh toán
– Là bảo lãnh thanh toán vô điều kiện.
– Nếu là bảo lãnh có điều kiện, thì phải xác định cụ thể những chứng từ nào cần phải xuất trình.
– Trước khi thanh toán, ngân hàng cần kiểm tra tính xác thực của các chứng từ được xuất trình.
Thời hạn hiệu lực của bảo lãnh
– Đây là khoảng thời gian mà ngân hàng phát hành cam kết thanh toán bất cứ khi nào cho người thụ hưởng khi xuất trình đủ các điều kiện thanh toán.
– Quá thời hạn hiệu lực của bảo lãnh, ngân hàng phát hành được miễn trách nhiệm bồi thường.
Địa điểm phát hành và hết hạn hiệu lực bảo lãnh
– Trong thực tế, nơi phát hành bảo lãnh ở đâu thì hết hiệu lực ở đó.
– Địa điểm phát hành bảo lãnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nguyên tắc định xứ qui định rằng: Nếu không có qui định khác, thì luật pháp của nước ngân hàng phát hành sẽ điều chỉnh quan hệ bảo lãnh.
Tuy nhiên, do luật pháp mỗi nước một khác cho nên trong nhiều trường hợp các bên thỏa thuận lấy luật của một nước thứ ba được biết đến một cách phổ biến để áp dụng.
– Địa điểm phát hành cần được qui định cụ thể. Ví dụ: trong bảo lãnh gián tiếp, ngày hết hạn hiệu lực là ngày cuối cùng người thụ hưởng được phép xuất trình yêu cầu đòi tiền cho ngân hàng phát hành (là ngân hàng phục vụ và ở cùng nước với người thụ hưởng). (Theo Giáo trình Ngân hàng thương mại, NXB Thống kê)
>>>>>Xem thêm: Chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp là gì? – JobsGO Blog