Triết học mác – xit trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những di sản lý luận trước đó và những thành tựu của khoa học tự nhiên, xuất phát từ con người hiện thực và hoạt động thực tiễn để xem xét bản chất con người.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu luận điểm của C.Mác về bản chất con người và ý nghĩa trong phát huy nguồn lực con người Việt Nam hiện nay
Các Mác (1818-1883)
Trong quan niệm của triết học mác – xít, con người là một thực thể trong sự thống nhất biện chứng giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Con người sinh ra từ tự nhiên, tuân theo các quy luật tự nhiên, đồng thời con người tồn tại và phát triển gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Luận điểm nổi tiếng về con người được C.Mác viết trong Luận cương về Phoi-ơ-bắc (1845): “Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng, cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” (1).
Với quan niệm đó, C.Mác chỉ ra rằng bản chất con người không phải là trừu tượng mà là hiện thực, không phải tự nhiên mà là lịch sử. Con người là một thực thể thống nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội, nhưng yếu tố xã hội mới là bản chất đích thực của con người.
Ở đây, cá nhân được hiểu với tư cách là những cá nhân sống, là người sáng tạo các quan hệ xã hội; sự phong phú của mỗi cá nhân tuỳ thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ xã hội của nó. Hơn thế, mỗi cá nhân là sự tổng hợp không chỉ của các quan hệ hiện có, mà còn là lịch sử của các quan hệ đó.
Thông qua hoạt động thực tiễn, con người làm biến đổi tự nhiên, xã hội, biến đổi chính bản thân mình và đã làm nên lịch sử của xã hội loài người. Vạch ra vai trò của mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành bản chất của con người, quan hệ giữa cá nhân và xã hội là một cống hiến quan trọng của triết học mác – xit.
Kế thừa và quán triệt tư tưởng lý luận của C.Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến con người. Theo Người “chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” (2).
Với ý nghĩa đó, khái niệm con người mang trong nó bản chất xã hội, con người xã hội, phản ánh các quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng trong đó con người hoạt động và sinh sống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt mỗi cá nhân con người trong mối quan hệ ba chiều: Quan hệ với một cộng đồng xã hội nhất định trong đó mỗi con người là một thành viên; quan hệ với một chế độ xã hội nhất định trong đó con người được làm chủ hay bị áp bức bóc lột; quan hệ với tự nhiên trong đó con người là một bộ phận không thể tách rời.
Con người trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất giữa thể lực, tâm lực, trí lực và sự hoạt động. Đó là một hệ thống cấu trúc bao gồm sức khoẻ, tri thức, năng lực thực tiễn, đạo đức, đời sống tinh thần…
Người cho con người là tài sản quý nhất, chăm lo, bồi dưỡng và phát triển con người, coi con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội, nhân tố quyết định thành công của cách mạng.
Nhận thức đúng đắn và khơi dậy nguồn lực con người chính là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, xem con người với tư cách là nguồn sáng tạo có ý thức, chủ thể của lịch sử.
Việc đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển là tư tưởng nhất quán của Đảng ta, trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo ra cơ sở vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú. Lợi ích cá nhân ngày càng được chú ý, tạo cơ hội mới để phát triển cá nhân.
Tuy nhiên, cơ chế này có thể dẫn tới tuyệt đối hóa lợi ích kinh tế, dẫn đến phân hóa giàu nghèo trong xã hội, chứa đựng những khả năng đối lập giữa cá nhân và xã hội. Do đó, chúng ta cần khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường, phát huy vai trò nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người của Đảng ta là một mục tiêu có ý nghĩa quyết định để giải quyết tốt mối quan hệ cá nhân – xã hội: Xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm cao trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp, có ý thức cộng đồng, tôn trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Đặc biệt, quán triệt sâu sắc tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030) bổ sung, làm sâu sắc, phong phú hơn quan điểm về nguồn lực con người: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”(3).
Có thể khẳng định, Luận điểm của C.Mác về bản chất con người đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, đó là những bài học hết sức quý báu trong việc phát huy nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (4).
ThS. Nguyễn Thị Duyên (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa)
*Ghi chú:
[1]. C.Mác – Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [2]. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.[3], [4]. Hội đồng Lý luận Trung ương, “Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, Nxb Lý luận chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội – 2021, tr 83, 84; 27.
>>>>>Xem thêm: Kinh nghiệm trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng