Tín dụng thương mại (Trade Credit)
Định nghĩa
Tín dụng thương mại trong tiếng Anh là Trade Credit hay Business Credit. Tín dụng thương mại là quan hệ sử dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp thông qua mua bán chịu hàng hóa.
Bản chất
– Trong hình thức bán chịu hàng hóa, người bán chịu là người cho vay chuyển nhượng tạm thời quyền sử dụng lượng giá trị hàng hóa cho người mua chịu – người đi vay. Người mua chịu được phép sử dụng số vốn đó, sau một thời gian mới hoàn trả cho người bán chịu.
– Tín dụng thương mại ra đời và phát triển là yêu cầu khách quan trong nền kinh tế hàng hóa, xuất phát từ nhu cầu cần vốn tạm thời trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
– Đối với bán chịu hàng hóa, người bán có hàng cần bán, người mua chưa có tiền hoặc chưa đủ tiền, cho nên họ cần tín dụng thương mại.
Người bán chịu có lợi là đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa, thu được lợi tức tiền vay, chuyển nhượng thương phiếu để thu hồi vốn trước hạn. Người mua chịu có được hàng hóa để đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh tiến hành liên tục.
Nội dung hoạt động của tín dụng thương mại
– Một là, tín dụng thương mại cho vay bằng hàng hóa. Hàng hóa cho vay là một bộ phận của vốn sản xuất chuẩn bị chuyển hóa thành tiền (H’ – T’)
– Hai là, người cho vay và người đi vay đều là những doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong quan hệ này, người cho vay là người bán chịu. Còn người vay là người mua chịu.
– Ba là, quá trình vận động và phát triển của tín dụng thương mại gắn liền với sự vận động của tái sản xuất xã hội. Bởi lẽ, vốn cho vay là một bộ phận vốn sản xuất kinh doanh.
Cho nên, trong thời kì hưng thịnh của chu kì sản xuất, khối lượng tín dụng thương mại tăng, còn thời kì khủng hoảng khối lượng tín dụng thương mại giảm.
Công cụ lưu thông
– Công cụ lưu thông của tín dụng thương mại là thương phiếu.
– Thương phiếu là một loại giấy nhận nợ xác định quyền đòi nợ của người sở hữu thương phiếu và nghĩa vụ phải hoàn trả của người mua khi đến hạn.
Ưu điểm
– Tín dụng thương mại góp phần đấy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp, đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh được thực hiện liên tục, chu kì sản xuất được rút ngắn và do đó tăng nhanh vòng quay vốn của doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.
– Thông qua tín dụng thương mại để điều tiết vốn một cách trực tiếp giữa các doanh nghiệp, do đó đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn kịp thời, giảm nhẹ sự lệ thuộc về vốn của các tổ chức tín dụng.
– Tín dụng thương mại làm giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông và nhờ đó giảm chi phí lưu thông xã hội.
– Sự phát triển của tín dụng thương mại tạo điều kiện mở rộng hoạt động của tín dụng ngân hàng thông qua nghiệp vụ chiết khấu và cầm cố thương phiếu.
Đồng thời, nghiệp vụ chiết khấu, tái cầm cố thương phiếu là một trong các công cụ để Ngân hàng Trung ương điều hành chính sách tiền tệ.
Hạn chế
– Tín dụng thương mại bị giới hạn về qui mô, nghĩa là bị giới hạn bởi khối lượng hàng hóa bán chịu.
– Thời hạn cho vay của tín dụng thương mại là ngắn hạn.
– Tín dụng thương mại chỉ đầu tư một chiều, chứ không có quan hệ cho vay ngược lại.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính tiền tệ, NXB Tài chính)