Tổ chức thực hiện kế hoạch
Khái niệm
Tổ chức thực hiện kế hoạch là quá trình biến kế hoạch thành thực tế thông qua việc xác lập các kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động này.
Tổ chức thực hiện kế hoạch trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội
Khi những người đứng đầu quốc gia, ngành hoặc địa phương đã phê duyệt kế hoạch phát triển KT-XH, quá trình triển khai sẽ bắt đầu. Quá trình thực hiện kế hoạch thường được chú trọng hơn ở các cấp địa phương và cấp ngành, càng đi xuôi xuống cấp dưới càng đòi hỏi tính cụ thể cao hơn.
Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH là khâu quan trọng, nó góp phần thực hiện các mục tiêu kế hoạch đã xác định và biến các kế hoạch của quốc gia, địa phương, của ngành thành những kết quả thực tế. Việc thực hiện kế hoạch cũng quan trọng hoặc thậm chí quan trọng hơn việc xây dựng kế hoạch.
Một bản kế hoạch tốt, trong đó xác định một cách hợp lí các mục tiêu mong đợi, những định hướng phát triển phù hợp và các giải pháp kế hoạch khả thi, sẽ là điều kiện cần cho việc đạt được các kết quả kinh tế – xã hội mong muốn.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng mọi kế hoạch tốt đều dẫn đến những thành quả kinh tế – xã hội tốt.
Các mục tiêu kinh tế – xã hội trong kì kế hoạch sẽ chỉ có thể đạt được nếu chúng ta tổ chức thực hiện kế hoạch tốt, trong đó các định hướng phát triển được tuân thủ, các chương trình dự án được triển khai, và các hoạt động dự kiến được thực hiện.
Nói một cách khác, chìa khóa thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch nằm ở công tác tổ chức thực hiện.
Nhiệm vụ
Việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH bao gồm việc thực hiện một hoặc nhiều phương án phát triển được thiết lập trong kế hoạch.
Tùy thuộc vào mục đích và thời hạn, một kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội có thể được thực hiện thông qua việc thực hiện các kế hoạch hoạt động bao gồm các chương trình, dự án và chuỗi hành động.
Thực tế, trong quá trình thực hiện kế hoach, một số vấn đề nhất định (đôi khi, rất nghiêm trọng) có thể xảy ra và ngăn cản không cho phép đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra trong thời gian dự kiến.
Nguyên nhân của các vấn đề nhiều khi đến từ yếu tố chủ quan trong quá trình thực hiện kế hoạch, chẳng hạn như:
Việc không xác định một cách cụ thể hoạt động cần thực hiện, thiếu sự phối hợp giữa các hoạt động được triển khai, không bố trí đủ nguồn lực cho việc thực hiện các hoạt động, hoặc đơn giản hơn là không xác định được thời hạn hoặc trách nhệm của việc triển khai các hoạt động cụ thể này.
Nếu như lập kế hoạch phát triển KT-XH chủ yếu dừng lại ở việc xác định mục tiêu và các giải pháp (cái gì), thì nhiệm vụ của tổ chức thực hiện kế hoạch là tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp (cái gì), đồng thời làm rõ các câu hỏi khi nào?, như thế nào, ai và bao giờ.
Cụ thể, nhiệm vụ của tổ chức thực hiện kế hoạch bao gồm: (i) lập kế hoạch hành động; và (ii) tổ chức thực thi kế hoạch hành động.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)
>>>>>Xem thêm: Đá kim sa là gì? Có nên sử dụng đá kim sa không?