Trường Hữu nghị T78 được thành lập từ năm 1958, tiền thân là Khu học xá miền núi Trung ương, là cơ sở giúp nước bạn Lào đào tạo cán bộ trong thời kì chiến tranh. Trường đã trải qua 4 lần đổi tên, 9 lần thay đổi địa điểm qua 7 huyện, 6 tỉnh, thành phố khác nhau. Năm 1980 chuyển về thường trú tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
Bạn đang đọc: Trường Hữu nghị T78: Địa chỉ giáo dục tin cậy cho con em đồng bào các dân tộc | Báo Dân tộc và Phát triển
Ngày 31/7/1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 2563/QĐ-GDĐT, giao cho trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị nhiệm vụ giảng dạy chương trình bổ túc văn hóa cho học sinh DTTS Việt Nam, theo mô hình trường dân tộc nội trú (DTNT). 85 học sinh đầu tiên chính thức nhập trường ngày 20/10/1995. Năm học 1995 – 1996 là khóa đầu tiên của học sinh DTTS Việt Nam học tại trường… mở ra khởi đầu mới ổn định và bền vững hơn trong những năm về sau. Từ đây nhà trường chính thức thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc.
Những năm đầu tiếp nhận học sinh các dân tộc theo mô hình đào tạo Bổ túc văn hóa trình độ cấp 2-3, số lượng học sinh còn ít, độ tuổi của học sinh rất đa dạng, phần lớn là học sinh lớn tuổi đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Những khác biệt về tính cách, văn hóa, độ tuổi, khả năng của học sinh là thách thức không nhỏ đối với cán bộ giáo viên nhà trường. Hơn thế nữa, do số lượng học sinh còn ít, nguồn chi ngân sách phân phối dựa theo quy mô học sinh nên chưa cải thiện được cơ sở vật chất cho dạy học và chưa bảo đảm được đời sống cho đội ngũ cán bộ giáo viên.
Ngoài giờ lên lớp, nhiều giáo viên phải tăng gia, làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống. Khó khăn là vậy, nhưng tập thể giáo viên và học sinh nhà trường vẫn không ngừng cố gắng. Ngoài việc, đảm bảo bổ túc những kiến thức cần thiết cho học sinh, các thầy cô chủ nhiệm còn quan tâm sát sao mọi mặt tới đời sống của học sinh nội trú, từ việc ăn, ở, sinh hoạt…Từ sự tận tụy của thầy cô đã mang đến tình cảm ấm áp, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ học sinh. Khi nói về mái trường này, những cựu học sinh đều thể hiện sự trân trọng những năm tháng đã từng học tập nơi đây.
Sau hơn 10 năm thực hiện mô hình bổ túc văn hóa cho học sinh, nhận thấy yêu cầu của giáo dục đã có nhiều thay đổi. Theo thời gian, mô hình đào tạo cũ dần trở nên lạc hậu và bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, tập thể lãnh đạo nhà trường quyết định chuyển nhiệm vụ đào tạo hệ từ Bổ túc văn hóa sang giảng dạy THPT.
Sau 3 năm, thực hiện thí điểm dạy học Bổ túc văn hóa 11 môn sát với chương trình THPT, đến tháng 8/2008, Trường chính thức được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa vào hệ thống các trường trung học phổ thông diện “Hiệp quản”. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao cho Phòng Phổ thông thực hiện quản lý, hướng dẫn về chuyên môn thay vì Phòng Giáo dục Thường xuyên trước đây. Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của Trường ở những năm tiếp theo. Từ đó đến nay, trường chính thức tuyển sinh, đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông.
Ngay sau khi chuyển hóa về chức năng nhiệm vụ, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp vào hệ thống các trường Phổ thông DTNT và giao chỉ tiêu tuyển sinh bằng các văn bản giao nhiệm vụ hàng năm. Từ đó, trường tiếp tục mở rộng phạm vi tuyển sinh, ngoài khu vực miền núi phía Bắc còn mở rộng xuống Bắc Trung Bộ và một số tỉnh Tây Nguyên, số lượng học sinh dần tăng lên và đối tượng mở rộng ra, từ năm 2008-2010, mỗi năm có khoảng 500-600 học sinh DTNT theo học, thuộc 20-27 dân tộc khác nhau đến từ 22 tỉnh, trong đó có học sinh đến từ những dân tộc DTTS rất ít người.
Với phương châm: “Lấy chất lượng để duy trì số lượng”, nhà trường tập trung vào việc phát triển đội ngũ giáo viên, thường xuyên cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn chuyên môn, chỉ đạo tăng cường áp dụng các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Nhà trường có kế hoạch rà soát phân loại học sinh, thực hiện mũi nhọn bồi dưỡng học sinh giỏi; đồng thời tăng cường phụ đạo học sinh yếu kém, đặc biệt đối với các môn học được coi như khó khăn truyền thống của học sinh như môn tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên.
Từ sự thay đổi này, kết quả dạy học có nhiều tiến bộ, giảm nhanh tỷ lệ học sinh yếu kém, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 99%, một số năm đạt 100%, tăng tỷ lệ đỗ đại học, đều đặn hàng năm đều có học sinh giỏi cấp thành phố. Giáo viên tích cực tham gia và đạt giải trong các kỳ thao giảng xuân, thi giáo viên giỏi cấp trường – cấp cụm, thi thiết kế đồ dùng dạy học,…
Ngày 14/5/2010, sau sự kiện Kỷ niệm 52 năm ngày truyền thống của Trường, cùng sự thay đổi về chương trình giảng dạy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1922/QĐ-GDĐT đổi tên Trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị thành Trường Hữu nghị T78 để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mở hướng đi mới cho trường.
Từ đây, Trường có nhiều thay đổi cả về chất và lượng, từ quy mô gần 800 học sinh năm 2010, đến nay đều đặn nhiều năm có quy mô trên 1.000 học sinh, mỗi năm tuyển mới từ 350 – 400 học sinh. Trường mở rộng hình thức tuyển sinh, kết hợp nhiều kênh tuyển sinh theo các sở giáo dục, các phòng giáo dục, các huyện và các trường THCS DTNT ở các tỉnh, nhờ đó mà tiêu chuẩn đầu vào được nâng lên rõ rệt.
Cùng với sự tăng lên nhanh chóng về số lượng học sinh, chất lượng đào tạo cũng được nâng lên đáng kể. Kết quả học tập của học sinh có tiến bộ rõ nét, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh xuất sắc tăng hơn so với giai đoạn trước, tỷ lệ đỗ đại học – cao đẳng mỗi năm đều tăng lên. Nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao trên 27 điểm/3 môn, một số em đạt thủ khoa của các trường đại học.
Năm 2020, sau quá trình đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường tuyển sinh đối tượng mới, là con em người Kinh trên địa bàn Hà Nội, với số lượng ban đầu là 70 học sinh thuộc diện tự túc kinh phí. Đây có thể coi là cánh cửa mở thêm một hướng đi khác nhằm đảm bảo duy trì bền vững nhiệm vụ giáo dục đào tạo của nhà trường…
>>>>>Xem thêm: Giao lưu và hội nhập văn hóa là gì? – sentayho.com.vn