Tự chủ đại học đã không còn là một khái niệm mới mẻ, song điều quan trọng là phải hiểu như thế nào cho nhất quán, cho đúng về tự chủ đại học.
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Đã có 23 trường đại học công lập được thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 77. Điều kiện để tự chủ là các trường cam kết tự đảm bảo kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư.
Năm 2018, tự chủ đại học với tất cả các trường đại học không phân biệt công hay tư, tự đảm bảo tài chính hay không, đã được luật hóa theo Luật 34/2018/QH14, và cụ thể hóa trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP, đồng thời được thể hiện qua hàng loạt những nghị quyết, các chỉ thị của Đảng, của Chính phủ. Thế nhưng, quá trình triển khai vẫn gặp không ít những vướng mắc.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, cần phải phân biệt đúng giữa tự chủ đại học và tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh: Thùy Linh)
Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nói rằng, sở dĩ chúng ta gặp những khó khăn trong việc thực hiện triển khai là vì đang có tình trạng nhận thức chưa thống nhất, chưa đầy đủ, thậm chí còn nhầm lẫn về khái niệm “tự chủ đại học”. Khi nhận thức khác nhau, không đi vào bản chất của tự chủ trong giáo dục đại học, thì triển khai có nhiều vướng mắc cũng là chuyện bình thường.
Hai khái niệm tự chủ
Theo ông Lê Trường Tùng, cần phải phân biệt hai khái niệm tự chủ: tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả các trường đại học) với tự chủ trong giáo dục đại học (cũng áp dụng cho các trường đại học công lập).
Tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học công lập được triển khai theo nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 và nghị định 16/NĐ-CP năm 2015, quy định mức độ tự chủ phụ thuộc vào mức độ tự túc tài chính trong chi thường xuyên và chi đầu tư. Trên cơ sở tự túc sẽ được tự chủ về chuyên môn nghiệp vụ, về tổ chức nhân sự và về tài chính tài sản.
Bởi lẽ đó, khi nói về tự chủ đại học thì nhiều người vẫn đồng nhất tự chủ là tự túc, khi không nhận ngân sách nhà nước thì được trao các quyền tự chủ.
Theo ông Lê Trường Tùng, việc thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP và nghị định 16/NĐ-CP không phản ánh đúng bản chất của tự chủ trong giáo dục đại học. Điều này dẫn đến tình trạng các trường thấy rằng trường mình đã tự túc được thì không cần đến chỉ đạo của các cơ quan có liên quan khác nữa, biến tướng mô hình tự chủ trên nền tảng tự túc trở thành mô hình tự trị.
Từ khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 được thông qua, tự chủ đại học trở thành quyền của các trường đại học cả công lập và tư thục. Các trường đại học công lập dù vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng từ 2018, khi nói đến tự chủ trong giáo dục đại học thì tự chủ không bao hàm ý phải “tự túc” nữa.
Luật Giáo dục Đại học quy định điều kiện để được tự chủ trong chuyên môn nghiệp vụ, về tổ chức nhân sự và về tài chính tài sản của các trường không còn liên quan đến mức độ tự túc, mà chỉ liên quan đến việc trường có được Hội đồng trường, đã được kiểm định chất lượng và ban hành được các quy định quản trị nội bộ phù hợp hay chưa.
Do nhầm tự chủ đại học là tự đảm bảo tài chính, nên nhiều người hiểu rằng tăng học phí ở các trường đại học là do phải tự chủ tự túc tài chính. Trong khi mục đích chính của việc tăng học phí là có được nguồn lực phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh chi phí đầu tư một sinh viên Việt Nam đang ở ngưỡng thấp nhất thế giới.
Nhà nước vẫn phải có nghĩa vụ cấp kinh phí hỗ trợ cho các trường đại học, do dịch vụ giáo dục đại học mang tính công ích, người học khi đi làm không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.
Tự chủ là không còn cơ chế xin – cho
Bản chất của tự chủ đại học là thiết lập được hành lang pháp lý phù hợp để các trường đại học được quyền tự quyết trong các hoạt động của mình, thay cơ chế dưới đề xuất – trên phê duyệt (cơ chế xin – cho) bằng cơ chế thực hiện – báo cáo – giải trình – hậu kiểm.
Mức độ tự chủ được xác định bằng việc số các hành lang pháp lý nhiều hay ít, mỗi hành lang rộng hay hẹp. Mức độ hợp lý của các hành lang pháp lý là không phải quá rộng để dẫn đến tự do vô chính phủ, nhưng phải đủ rộng, đủ thông thoáng.
“Khi tự chủ sẽ không còn việc các cơ quan quản lý cầm tay chỉ việc như trước đây, khiến các trường muốn làm gì cũng phải hỏi, phải xin phép, phải chờ phê duyệt. Bên cạnh đó, nhà nước vẫn cần hỗ trợ các trường khó khăn, chứ không phải trao quyền cho trường để đổi lấy việc cắt ngân sách” – ông Lê Trường Tùng cho biết.
Tự chủ trong giáo dục đại học cho các trường quyền tự quyết trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Ví dụ trong lĩnh vực chuyên môn, các trường được tự quyết định về chỉ tiêu tuyển sinh theo cách tính toán chỉ tiêu được quy định mà không cần phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường không cần xin mở ngành mà tự quyết theo quy định về điều kiện mở ngành. Hoặc các trường dựa vào hành lang pháp lý để quyết định liên kết với các trường nước ngoài.
Trước kia, các trường muốn làm những việc nêu trên đều phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn bây giờ thì đã có hành lang pháp lý để các trường đại học hoạt động, và các cơ quan quản lý nhà nước cũng dựa vào hành lang pháp lý này để kiểm tra, giám sát.
Cơ quan chủ quản?
Tự chủ trong giáo dục cần hiểu là không còn phải xin – cho, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải đóng vai Ban Tổng Giám Hiệu cầm tay chỉ việc cho các trường đại học nữa. Việc tự chủ không phải khi nào cũng liên quan đến cái gọi là có hay không cơ quan chủ quản.
Ví dụ như một trường đại học thuộc Bộ Công thương với cơ quan chủ quản là Bộ Công thương, nhưng nếu chưa tự chủ thì chỉ tiêu, mở ngành vẫn phải nộp hồ sơ chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt. Khi đó nếu như bỏ cơ quan chủ quản thì sẽ là bỏ sự quản lý của Bộ Công thương hay của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
“Trong môi trường tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học được chủ động triển khai các hoạt động theo hành lang pháp lý quy định, và trong hành lang pháp lý này quyền quyết định thuộc về trường, không cần phải xin – cho bất kỳ cơ quan nào khác.
Trong Luật Giáo dục Đại học không có khái niệm “cơ quan chủ quản”, mà chỉ còn khái niệm “cơ quan quản lý trực tiếp”, ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Trong thể chế xã hội tổ chức theo hình chóp thì nói chung, mỗi một tổ chức theo ngành dọc đều thuộc một tổ chức cao hơn quản lý trực tiếp. Tầm cỡ như các đại học quốc gia cũng có cơ quan quản lý trực tiếp là Chính phủ.
Cần phải hiểu rằng, tự chủ không có nghĩa là tự túc, mà tự chủ cũng không có nghĩa là tự trị. Quyền tự chủ giới hạn trong khung pháp lý, và sẽ không phải là quyền tự do tuyệt đối.
Trong các quy định quản lý nhà nước cũng đã từng có giai đoạn triển khai mạnh việc bỏ bộ chủ quản với các doanh nghiệp nhà nước nhằm 3 mục đích: nâng cao tính tự chủ, tránh ỷ lại; xóa bỏ tính khép kín, cát cứ, cục bộ; đồng thời nhằm tránh cơ quan chủ quản “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Mục tiêu thứ 3 rất quan trọng để tránh tình trạng các bộ ngành vừa quản lý nhà nước vừa có các tổ chức của mình hoạt động trong chính lĩnh vực đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay ngoài chức năng quản lý nhà nước thì cũng đang là chủ quản quản lý trực tiếp vài chục trường, và bỏ cơ chế chủ quản liệu có phải là bắt đầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không?
Ông Lê Trường Tùng cho rằng: “Trường nào cũng phải có cơ quan quản lý trực tiếp. Khi nói đến cơ chế chủ quản, việc quan trọng không phải là bỏ hay không cơ các quan quản lý cấp trên, mà có hành lang pháp lý phân định rõ đâu là thẩm quyền của trường, đâu là thẩm quyền của cơ quan quản lý trực tiếp, đâu là thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên tinh thần đảm bảo tự chủ cho các trường đại học, không còn cơ chế xin – cho như thời chưa tự chủ trước năm 2019”.
Tầm quan trọng của tự chủ
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chất lượng của giáo dục đại học được đo bằng việc có cung cấp được năng lực chất lượng cao để nâng cao ưu thế cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hay không.
Thời buổi kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0, không còn mạnh thắng yếu, mà là nhanh sẽ thắng chậm. Ưu thế đầu tiên của tự chủ giáo dục đại học là cho phép các trường ra quyết định nhanh hơn, năng động hơn khi được bỏ qua các thủ tục xin – cho gây tắc nghẽn như trước đây.
Cơ chế tự chủ cũng tạo điều kiện cho các trường đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong dạy và học, khi đổi mới sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cơ bản của xã hội, của nền kinh tế thông minh dựa trên chuyển đổi số hiện nay.
Ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh: “Trường đại học tự chủ thì sẽ có được tầng lớp cán bộ giảng viên tự chủ. Và cũng chỉ tự chủ thì các trường mới có thể hy vọng sinh viên đại học tốt nghiệp – chủ nhân tương lai của đất nước có được tư duy và kỹ năng tự chủ, đổi mới sáng tạo”.
Cuối cùng việc tự chủ không còn xin – cho cũng sẽ góp phần giảm bớt các tiêu cực xã hội do cơ chế xin – cho tạo nên, tạo môi trường giáo dục trong sạch hơn, tử tế hơn.