NHẬN DIỆN NGUỒN GỐC “BỆNH GIỮ GHẾ”
Ở nước ta, việc từ chức khó là do một bộ phận những người làm quan vì đức mọn nên phải mua chức, chạy quyền. Với số tiền bỏ ra để “mua” một chức quan thì người ta phải bằng mọi cách ở lại để bù vào số tiền đó, đồng thời lại phải “tái sản xuất”, làm cho số vốn bỏ ra phải được thu về gấp hàng trăm lần.
Một bộ phận quan chức ở ta không chuyên nghiệp, tức trình độ năng lực quản trị đất nước kém, trình độ chuyên môn thấp, thuộc dạng tài hèn. Số quan chức này rất sợ khi “mất ghế”, không còn giữ chức vụ thì không biết sẽ làm gì, sống bằng cách nào ngoài số tiền kiếm được thời làm quan. Ở các nước phát triển, việc từ chức khá dễ dàng vì không làm quan thì họ làm nhiều việc khác mà thu nhập lại cao, uy tín lớn. Tổng thống một số nước khi thôi giữ chức vụ có thể viết hồi ký, làm diễn giả. Bộ trưởng một số nước sau khi từ chức có thể tham gia giảng dạy, làm chủ tịch cho một tập đoàn kinh tế nào đó đem lại thu nhập có khi bội phần.
Truyền thống phi văn hóa “một người làm quan cả họ được nhờ” ở ta ăn sâu, bén rễ, thâm căn cố đế trong tâm lý một bộ phận không nhỏ quan chức. Giữ một chức vụ cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước, nếu không có lương tâm, có thể tham nhũng, nuôi được cả dòng họ; lợi dụng chức quyền để cho người thân, gia đình, vợ con vụ lợi bằng nhiều cách khác nhau.
Nền kinh tế thị trường của ta chưa hoàn thiện nên cũng khó tạo cơ hội cho người thôi giữ chức vụ. Thật ra, không phải quan chức nào cũng chỉ biết làm quan. Họ có thể làm được những việc khác. Nhưng sau khi từ chức thì tìm một việc làm chỗ khác không dễ dàng. Cái khó này do nhiều nguyên nhân từ môi trường xã hội, hệ thống quản lý, tâm lý tiểu nông, khu vực kinh tế – xã hội tư nhân chưa phát triển trong một nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện.
Lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng giảm sút, mờ nhạt. Số quan chức này chỉ biết đặt cái lợi cá nhân lên trên hết, trước hết. Họ sẵn sàng bỏ ra ngoài tai mọi dư luận xã hội, miễn là giữ được ghế, thậm chí chạy tuổi để thêm nhiệm kỳ. Không có liêm sỉ thì mấy ai có thể dễ dàng “cởi áo từ quan”, tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ. Ở nước ta, quan chức nhiều bổng lộc, vừa lương vừa “lậu”. Từ cấp Vụ trở lên đi đâu đã có xe và nếu chức vụ cao hơn nữa thì như Tổng Bí thư dẫn ca dao, hò vè: “Họp thì có người ghi, đi thì có người chở, ở thì có người chăm, nằm có người bóp”(1). Vậy thì ai còn muốn từ chức? Phải là những cán bộ thật sự vì nước, vì dân, dám hy sinh quyền lợi cá nhân, luôn luôn đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết, trước hết thì mới làm được điều đó.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo công tác cán bộ. Đảng có trách nhiệm bố trí, phân công cán bộ trong hệ thống chính trị. Một quan chức muốn từ chức trong tình hình hiện nay, không phải cứ muốn từ chức là được mà phải qua nhiều khâu. Quy định của Bộ Chính trị, ngoài chương “Quy định chung” là các chương “Căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức”. “Quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức”
Vấn đề đặt ra là phải bằng mọi cách, cùng với việc dỡ bỏ các rào cản về tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị, kinh tế, thì câu chuyện “quy định” cũng không đơn giản. Bài học cho thấy các lĩnh vực khác nhau, chúng ta đều có các quy định chuẩn. Ví dụ, năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm mười năm trước. Hơn mười năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không tuân thủ quy định, phải vào vòng lao lý. Việc ban hành các quy định, chỉ thị, nghị quyết nào được ban hành đều rất cần thiết, rất quan trọng, rất có ý nghĩa, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là các chỉ thị, nghị quyết, quy định đó đi vào cuộc sống như thế nào. Thực tiễn là thước đo chân lý. Khi nói về Đại hội XIII, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ thành công đến đâu phải lấy thực tiễn, hiệu quả thực hiện nghị quyết làm thước đo.
Theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, “từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”. Việc tự nguyện này đã xuất hiện với rất ít cán bộ trong vài nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây. Sự hiếm hoi trong tự nguyện xin thôi giữ chức vụ là chuyện có thật, phổ biến. Đó là một khó khăn trong việc thực hiện quy định.
Quy định của Bộ Chính trị đề cập đến “cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miến nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng. Nhưng thực tiễn vừa qua cho thấy, có những tổ chức đảng, cấp ủy tê liệt, mất sức chiến đấu. Nhiều tỉnh, thành phố lớn toàn bộ cấp ủy, người đứng đầu bị kỷ luật.
Trong Quy định của Bộ Chính trị có đề cập căn cứ xem xét từ chức. Chẳng hạn, đó là hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Quy định căn cứ như vậy là rõ, nhưng khi đi vào thực tiễn không đơn giản. Bởi vì không cán bộ nào tự nhận mình hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí “một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”(2). Còn việc lấy phiếu tín nhiệm nhiều khi vẫn mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý.
Trong khi thế giới bàn và thực hiện văn hóa từ chức từ sớm thì ở nước ta, mấy từ “văn hóa từ chức” mới xuất hiện khoảng mươi năm trở lại đây. Lúc đầu còn khá dè dặt, thậm chí có người còn cho đó là sự xúc phạm những người làm quan. Dần dần, văn hóa từ chức được nói đến nhiều hơn, nhưng vẫn chưa trở thành văn hóa, tức là chưa thật sự thấm sâu vào mỗi người; chưa trở thành suy nghĩ và hành động thường trực của quan chức. Nhiều diễn đàn đã nói đến phải có tư duy và hành động bằng văn hóa từ chức để đoạn tuyệt với điệp khúc xin lỗi suông và sợi dây dài rút kinh nghiệm.
TỪ CHỨC PHẢI TRỞ THÀNH VĂN HÓA
Từ chức là một nét đẹp của văn hóa chính trị. Phải bằng mọi cách đưa được văn hóa từ chức vào đời sống xã hội và chính trị của đất nước. Ở nước ta, từ xưa các cụ đã coi việc “treo ấn từ quan”, “cáo quan hồi hương” là một cách giữ tiết tháo, thuộc đạo làm quan của những ông quan thật sự vì dân vì nước. Tổng Bí thư Trường Chinh, người có công lớn trong Cách mạng Tháng Tám, đã nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất 1956 và từ chức, để rồi ba mươi năm sau trở lại cương vị Tổng Bí thư với sự đón nhận và tin yêu, kính phục của toàn dân, toàn Đảng. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”(3). Tuyên bố trước Quốc hội, Người nói: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”(4). Quan điểm của Hồ Chí Minh là thông điệp về văn hóa từ chức.
Văn hóa từ chức là một xu thế tiến bộ trong nền kinh tế tri thức của kỷ nguyên toàn cầu gắn với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của thế giới hiện đại. Trong xã hội văn minh, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là một đặc trưng bản chất, khẳng định quan chức là đầy tớ của dân và phải chịu trách nhiệm trước dân. Văn hóa từ chức mang tính quy luật. Một xã hội văn minh theo xu hướng tiến bộ và phát triển thì cơ chế quyền lực phải “mở” và “động”, không thể “giữ nguyên ghế” khi tài, đức không xứng với vị trí, chức vụ; hạn chế về năng lực, không đủ uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Văn hóa từ chức nhằm sàng lọc, loại bỏ một trong những cản lực lớn nhất của xã hội là cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực mà vẫn đường hoàng giữ ghế một cách “văn hóa”; đồng thời để có điều kiện sử dụng người tài, bố trí đúng người, đúng việc. Phải coi văn hóa từ chức là một mắt khâu cần thiết và quan trọng trong quá trình vận hành của xã hội văn minh, thể hiện tính hợp lý trong xã hội.
Phải có một cái nhìn nhân văn, nhân bản hơn về văn hóa từ chức. Quan chức trước hết phải luôn luôn thấu triệt quan điểm của Hồ Chí Minh, mình là công bộc, đày tớ của nhân dân, làm việc với ý thức văn hóa công bộc, theo tinh thần “giàu sang không thể quyến rũ”, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(5). Quan điểm đó phải là nếp nghĩ, nếp hành thường trực trong suy nghĩ và hành động của cán bộ. Chỉ có như vậy thì đất nước này mới còn, chế độ này mới đứng vững, mới thịnh. Bởi vì nếu làm quan mà lại nghĩ đến điều ngược lại, “đè đầu dân”(6), “vác mặt làm quan cách mạng”(7), vơ vét của dân, vô cảm trước đời sống nhân dân, cố gắng giữ lấy cái ghế để thu vén cho gia đình, người thân thì đó là nguy cơ đối với Đảng, với chế độ và dân tộc. Đó là biểu hiện phản văn hóa, dẫn tới suy vong của đất nước.
Pháp lý và đạo lý đều vô cùng quan trọng và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật bao giờ cũng là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức nào đó và biến nó thành thói quen. Chuẩn mực đạo đức càng khó bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Trong mối quan hệ đó, có khi phải coi pháp luật là tối thượng, nhưng cũng có lúc phải đặt đạo lý cao hơn pháp lý. Sống trong một xã hội hiện đại, nhưng với truyền thống của một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến mà xem nhẹ đạo lý làm người thì không thể chấp nhận được. Đạo đức là cái gốc của con người. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nêu gương chủ yếu thuộc phạm trù nhận thức và thực hành đạo lý chứ không phải theo pháp lý. Chỉ có văn hóa phương Đông mới nói đến “đạo làm quan”, “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “pháp luật tối thượng nhưng nhân văn cũng rất quan trọng. Pháp trị nhưng phải có đức trị. Người Á Đông ta là thế! Thời Bác Hồ thì bao nhiêu luật, nhưng một tấm gương của Bác, một động tác, một việc làm của Bác thôi nó có sức lan tỏa biết bao nhiêu! Thiêng liêng biết bao nhiêu! Có chiều sâu xa biết bao nhiêu!”(8).
Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là một luồng gió mới, một bước tiến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rất đáng trân trọng, hoan nghênh, cần được kịp thời đưa vào thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hiến pháp và pháp luật có thể sửa đổi, bổ sung, nhưng đạo lý có nhiều khía cạnh bền vững từ thời đại này sang thời đại khác. Liêm sỉ, chính tâm của con người là một ví dụ. Người làm quan phải nhận thức được những điều căn cốt đó để có văn hóa ứng xử cho phù hợp, cái gì thuộc phạm trù đạo lý và coi đạo lý là cao nhất, cái gì là pháp lý, và cái gì phải kết hợp cả đạo lý và pháp lý.
Với nhận thức đó, phải coi văn hóa từ chức thuộc cả phạm trù đạo lý và pháp lý. Cuộc sống đa dạng, phong phú hơn nhiều những điều trong sách vở, trong nghị quyết và luật pháp. Thực tiễn cho thấy không phải cái gì thành luật, thành chỉ thị, quy định là mọi việc đều xong xuôi và tốt đẹp. Nhớ lại thời điểm trước và sau khi có Luật Phòng chống tham nhũng, ai cũng kỳ vọng và tin tưởng khi luật được ban hành thì tình trạng tham nhũng sẽ giảm. Nhưng sự phong phú của đời sống thực tiễn cho thấy có chỗ có lúc, câu trả lời ngược lại. Chúng ta có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng chưa bao giờ Đảng ta lại bị tổn thất nhiều về cán bộ, cả cán bộ chiến lược như ngày nay.
Phân tích như vậy để thấy rằng câu chuyện từ chức tất nhiên phải thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị, nhưng đây là “cái đạo”, “cái văn hóa” nên quan chức phải đặt lên hàng đầu cái đạo lý làm quan, cái đạo lý công bộc. “Mục đích của người cách mạng là để làm đầy tớ cho nhân dân, một người đầy tớ xứng đáng, trọng sạch, trung thành chứ không phải là mục đích thăng quan phát tài”(9) thì đó là văn hóa chính trị, văn hóa Đảng. Đã gọi là văn hóa mà lại để “lấy phiếu tín nhiệm”, “bỏ phiếu tín nhiệm” rồi bãi nhiệm thì quá nặng nề. Đó là chưa nói đến chuyện “chạy” phiếu. Điều đó đã từng xảy ra. Văn hóa mà để dẫn đến tình trạng “chạy” thì đó là phản văn hóa, là tha hóa.
Cần phải chú trọng biện pháp hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt phát triển các lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội tư nhân. Đây là mảnh đất thuận lợi, là cơ hội tạo việc làm cho mọi người, trong đó có các quan chức. Họ từ chức hôm trước, hôm sau có thể làm việc khác vẫn bảo đảm chuyên môn mà thu nhập có khi lại cao hơn, đóng góp được nhiều hơn cho xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ Chính trị khi đề cập tới việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức.
Những biện pháp nêu trên phải đi liền với tạo dựng, nuôi dưỡng tâm lý cho cán bộ về văn hóa từ chức. Các phương tiện truyền thông phải làm cho mọi người hiểu, nhận thức một cách có văn hóa rằng từ chức không phải là làm mất thể diện của con người, ngược lại đó là một hành động có văn hóa, là đạo lý của người làm quan. Phải xây dựng và nuôi dưỡng tâm lý từ chức cũng hồ hởi như nhận chức, thậm chí còn vui vẻ, hồ hởi hơn vì đây là điều kiện để quan chức sống đúng với con người mình hơn, có “chất người” hơn, không phải suy tư, trăn trở, thủ đoạn, che chắn, tính toán thiệt hơn.
Phải coi văn hóa từ chức thuộc cả phạm trù đạo lý và pháp lý.
Nếu hiểu “văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả” (Edouard Herriot) thì chỉ khi nào từ chức thật sự trở thành văn hóa – văn hóa từ chức – thì câu chuyện từ chức mới thành hiện thực, bền vững, mới có được một thành tố quan trọng góp phần cho xã hội văn minh, tiến bộ, phát triển, cùng nhịp bước với thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu.
sentayho.com.vn Bùi Đình Phong
–
(1) (8) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017, tr.78, tr.82-83.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lầm thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.22.
(3) (4) (6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr.187, 478, 65, 66.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.2.