Viêm gân là tình trạng gây đau cấp tính, thường xảy ra sau chấn thương hoặc lạm dụng quá mức. Hầu hết các trường hợp tình trạng này không nghiêm trọng và có thể được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, vật lý trị liệu và sử dụng thuốc giảm đau.
Viêm gân là gì?
Gân là những sợi mô dày liên kết giữa cơ và xương. Viêm gân là tình trạng viêm hoặc kích ứng ở gân, có thể gây đau, tổn thương các khớp và khó cử động.
Viêm gân có thể ảnh hưởng đến bất cứ gân nào trong cơ thể. Tuy nhiên, nguy cơ viêm thường cao hơn ở vai, đầu gối, khuỷu tay, gót chân hoặc cổ tay.
Hầu hết các trường hợp, viêm gân thường nhẹ và người bệnh có thể tự điều trị các chấn thương tại nhà trong 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cần được phẫu thuật điều trị để tránh các rủi ro liên quan.
Các dạng viêm gân phổ biến
Viêm gân có thể ảnh hưởng đến bất cứ gân nào trong cơ thể. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bệnh ảnh hưởng đến các gân dễ bị kích ứng. Các loại thường gặp bao gồm:
1. Viêm gân gót chân
Gân gót chân (gân Achilles)là gân nối gót chân và cơ bắp chân. Viêm gân gót chân (viêm gân Achilles) là một chấn thương thể thao phổ biến. Đi giày không vừa vặn hoặc lực nâng đỡ bàn chân không phù hợp cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Viêm gân gót chân thường phổ biến ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Người bệnh có thể cảm thấy đau đớn liên tục ở gót chân, cứng khớp hoặc cảm thấy có khối u ở phía sau khớp mắt cá chân.
Cơn đau do viêm gân gót chân thường có xu hướng được cải thiện khi người bệnh thực hiện một số hoạt động nhẹ nhàng và trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh tăng cường các hoạt động.
Hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá, vật lý trị liệu hoặc sử dụng thuốc giảm đau.
2. Viêm điểm bám gân xương chày
Viêm điểm bám gân xương chày dẫn đến tình trạng đau ở mặt trong của mắt cá chân. Tình trạng này có thể gây đau khi đi lại và khiến người bệnh không thể đứng dậy từ các ngón chân. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến hội chứng bàn chân bẹt.
Các phương pháp điều trị phổ biến cho tình trạng này bao gồm hạn chế vận động tạm thời và vật lý trị liệu. Ngoài ra, các thay đổi về giày dép, sử dụng nẹp chỉnh hình hoặc hỗ trợ có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
3. Viêm gân bánh chè
Viêm gân bánh chè là tình trạng gây đau và sưng ở ngay bên dưới xương bánh chè. Tình trạng này thường phổ biến ở các vận động viên bóng rổ hoặc người chơi các môn thể thao có hoạt động nhảy liên tục.
Nghỉ ngơi và sử dụng thuốc chống viêm là cách tốt và hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để cải thiện các triệu chứng hiệu quả.
4. Viêm gân chóp xoay
Viêm gân chóp xoay (Rotator Cuff Tendonitis) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đau vai gáy. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do gân bị kích thích khi người bệnh thường xuyên đưa cánh tay ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm quanh khớp vai cũng có thể làm tăng khả năng viêm gân chóp xoay.
Tình trạng này thường được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau và phẫu thuật cho các trường hợp cần thiết.
5. Viêm gần cầu lồi ngoài xương cánh tay
Viêm gần cầu lồi ngoài xương cánh tay (Lateral Epicondylitis) hay khuỷu tay quần vợt (Tennis Elbow) xảy ra khi các gân liên kết cơ cẳng tay với xương cánh tay bị rách hoặc tổn thương. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến người chơi quần vợt hoặc các môn thể theo có hoạt động lặp lại ở cổ tay và khuỷu tay liên tục.
Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần tránh các hoạt động có thể gây áp lực cho khuỷu tay, cổ tay và thực hiện các bài tập tăng cường đề cải thiện khả năng vận động. Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ các trường hợp, người bệnh có thể cần phẫu thuật để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
6. Viêm gân cổ tay
Viêm gân cổ tay là một tình trạng phổ biến có thể gây đau và sưng quanh khớp cổ tay. Tình trạng này thường xảy ra khi các gân bị viêm hoặc do tích tụ các chất lỏng ở vỏ bọc gân.
Hạn chế cử động cổ tay bằng cách nẹp cố định tay ngắn hạn thường là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể cần được phẫu thuật để giải phóng gân và tăng phạm vi chuyển động của cổ tay.
Dấu hiệu nhận biết viêm gân
Viêm gân được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các cơn đau và viêm ở vị trí bị tổn thương. Các triệu chứng có thể xuất hiện dần dần, liên quan đến các hoạt động quá sức và không có dấu hiệu nhận biết cụ thể. Ngoài ra, các triệu chứng có thể nghiêm trọng theo thời gian.
Các đặc trưng và dấu hiệu nhận biết phổ biến của chứng viêm gân bao gồm:
- Sưng gân
- Da bên trên gân bị ảnh hưởng trở nên mềm hơn
- Đau khi cử động khu vực bị ảnh hưởng
- Có cảm giác nứt hoặc ma sát khi cử động khớp
- Căng cứng khớp hoặc gân do sưng
- Xuất hiện một khối u hoặc nốt sần trên gân
Các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Nếu không được điều trị, gân có thể bị căng quá mức, dẫn đến đứt gân. Nếu gân bị đứt, người bệnh có thể sờ thấy một khoảng trống trên gân và gây khó khăn khi cử động.
Nguyên nhân gây viêm gân
Nguyên nhân phổ biến nhất có thể khiến gân bị viêm là các hoạt động lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, tư thế không đúng hoặc ảnh hưởng của một số bệnh lý cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm gân. Cụ thể các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chính bao gồm:
1. Nguyên nhân cơ bản
Chức năng chính của gân là giúp các khớp thực hiện một số hoạt động lặp lại nhất định. Tuy nhiên gân có thể bị viêm hoặc tổn thương khi người bệnh liên tục thực hiện một số chuyển động lặp lại liên tục. Nguy cơ tổn thương thường tăng lên nếu người bệnh thực hiện các chuyển động không chính xác, đặc biệt là khi chơi thể thao.
Có nhiều hoạt động có thể gây ra viêm gân, bao gồm:
- Làm vườn hoặc nhân viên cảnh quan
- Làm mộc
- Tạp vụ hoặc làm công việc dọn dẹp nhà cửa
- Họa sĩ
- Vận động viên quần vợt, đánh golf, trượt tuyết
- Nha viên pha chế
- Người ném bóng hoặc ném biên
2. Các yếu tố nguy cơ
Tư thế làm việc không đúng, ảnh hưởng của một số bệnh lý hoặc điều hòa không tốt trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm gân. Cụ thể, các nguy cơ bao gồm:
- Xương và khớp ở vị trí bất thường, chẳng hạn như tình trạng thoái hóa khớp hoặc chênh lệch chiều dài ở chân. Tình trạng này có thể gây áp lực lên cấu trúc gân, mô mềm và dẫn đến các tổn thương liên quan.
- Căng thẳng do các tình trạng liên quan khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp vẩy nến, rối loạn tuyến giáp hoặc phản ứng với một số loại thuốc.
- Lạm dụng quá mức hoặc tập luyện với cường độ cao khi gân chưa quen với các di chuyển mới. Tình trạng này thường gặp ở những người chỉ chơi thể thao và tập thể dục vào cuối tuần hoặc vài lần mỗi tháng.
- Nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng từ vết cắn của động vật đến ngón tay hoặc bàn tay, có thể làm tăng nguy cơ viêm gân.
3. Các nguy cơ khác
Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm tuổi tác, tính chất công việc hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi các thao tác lặp lại thường xuyên.
- Độ tuổi: Viêm gân thường phổ biến hơn ở những người trên 40 tuổi, khi gân kém linh hoạt và dễ bị tổn thương.
- Tính chất nghề nghiệp: Viêm gân phổ biến hơn ở những người có công việc liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại, công việc đòi hỏi sự gắng sức hoặc làm việc ở các tư thế xấu.
- Các môn thể thao: Tham gia một số môn thể thao liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại. Đặc biệt là khi chuyển động không đúng có thể gây viêm gân. Các môn thể thao liên quan có thể bao gồm bóng chày, bóng rổ, bowling, golf, chạy bộ, bơi lội hoặc quần vợt.
- Tình trạng sức khỏe: Những người bị bệnh tiểu đường và viêm khớp dạng thấp có nguy cơ viêm gân cao.
Viêm gân có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, viêm gân thường nhẹ và có thể được cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Tuy nhiên nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng có thể làm tăng nguy cơ đứt gân, là một tình trạng nghiêm trọng và cần phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Ngoài ra, tình trạng viêm kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng mà không được chăm sóc phù hợp, có thể dẫn đến thoái hóa gân và sự phát triển bất thường của các mạch máu mới.
Do đó, để ngăn ngừa các rủi ro liên quan, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Chẩn đoán viêm gân
Thông thường viêm gân có thể được chẩn đoán thông qua các đặc trưng, thói quen hoạt động của người bệnh hoặc các tiền sử y tế, chẳng hạn như bệnh viêm khớp. Bác sĩ cũng có thể di chuyển gân tại vị trí tổn thương để xác định tình trạng dày lên của vỏ bọc gân hoặc âm thanh lạ ở gân bị ảnh hưởng.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra một số vấn đề liên quan, chẳng hạn như:
- Chấn thương gần đây hoặc trong quá khứ ảnh hưởng đến khu vực bị đau
- Các hoạt động thể dục thể thao trong quá khứ và hiện tại
- Các tình trạng y tế đã được chẩn đoán trước đây
- Các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc theo toa, không thể toa hoặc các loại sản phẩm bổ sung
Nếu nghỉ ngơi, chườm đá và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn không mang lại hiệu quả giảm đau, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chuyên môn.
- Chụp X – quang có thể giúp bác sĩ quan sát thấy cặn canxi ở xung quanh gân và hỗ trợ quá trình chẩn đoán.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như MRI hoặc siêu âm có thể giúp bác sĩ quan sát tình trạng viêm và sưng tấy ở bao gân.
Biện pháp điều trị viêm gân
Các biện pháp điều trị viêm gân thường nhằm mục đích giảm đau và giảm viêm. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị như:
1. Nghỉ ngơi
Dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ có thể giảm viêm và cải thiện các triệu chứng viêm gân hiệu quả. Đôi khi người bệnh có thể cân nhắc băng hoặc nẹp vị trí bị ảnh hưởng để hạn chế cử động.
Nếu không nghỉ ngơi đầy đủ, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng không mong muốn.
2. Chườm nóng và chườm lạnh
Chườm đá trong vòng 48 giờ sau khi bị thương có thể làm giảm viêm. Có thể chườm đá trong 10 – 15 phút mỗi lần và một hoặc 2 lần mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng. Điều quan trọng là không chườm trực tiếp đá lên da để tránh gây bỏng lạnh. Người bệnh nên bọc đá trong một chiếc khăn mỏng và chườm lên da.
Tắm nước ấm hoặc chườm ấm cũng có thể hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh nên chườm đá sau 48 giờ kể từ lúc bị viêm gân hoặc đau đớn.
3. Sử dụng thuốc
Trong các trường hợp nghỉ ngơi và chườm nóng – lạnh không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc điều trị, chẳng hạn như:
- Thuốc giảm đau chẳng hạn như aspirin, naproxen sodium hoặc ibuprofen có thể hỗ trợ làm giảm sự khó chịu liên quan đến viêm gân. Các loại thuốc mỡ, kem bôi ngoài da cũng có thể hỗ trợ chống viêm và giảm đau hiệu quả mà không dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Thuốc corticoid: Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid vào xung quanh gân để giảm viêm và đau. Tiêm corticosteroid có thể giảm đau hiệu quả và có tác dụng kéo dài. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được chỉ định cho trường hợp viêm gân kéo dài hơn 3 tháng và không đáp ứng các biện pháp điều trị khác. Ngoài ra, tiêm corticosteroid lặp lại nhiều lần có thể gây yếu gân và tăng nguy cơ đứt gân.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu của người bệnh, sau đó tách tiểu cầu và các yếu tố chữa bệnh khác. Dung dịch sau khi bóc tách sẽ được tiêm vào vùng bị viêm gân và cải thiện các triệu chứng liên quan.
4. Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu hoặc thể dục dụng cụ khác có thể hỗ trợ kéo căng và tăng cường sức mạnh ở gân. Điều này có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm gân trở nên nghiêm trọng hơn.
Vật lý trị liệu được xem là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đối với tình trạng viêm gân mãn tính và không đáp ứng các biện pháp điều trị khác.
5. Phẫu thuật
Nếu vật lý trị liệu và các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu viêm gân. Các loại phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật siêu âm: Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu có thể loại bỏ các sẹo ở gân và cải thiện tình trạng viêm gân.
- Phẫu thuật cải thiện các triệu chứng: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các chấn thương gân, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng, đặc biệt là khi gân bị rách ra khỏi xương.
Phòng ngừa viêm gân
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ viêm gân, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp phòng ngừa như:
- Tránh các hoạt động gây căng thẳng quá mức cho gân, đặc biệt là trong một thời gian dài. Nếu cảm thấy đau đớn khi luyện tập, người bệnh nên dừng lại và nghỉ ngơi.
- Kết hợp các bài tập để tăng tính linh hoạt và tăng cường khả năng chịu đựng của gân. Người bệnh có thể tập luyện xen kẽ các bài tập như đi xe đạp, chạy bộ hoặc bơi lội.
- Cải thiện kỹ thuật để tránh kỹ thuật xấu gây ảnh hưởng đến gân. Người tập nên trao đổi với huấn luyện viên trước khi thực hiện một môn thể thao mới.
- Dành thời gian căng giãn gân để tăng phạm vi chuyển động của khớp và giảm nguy cơ chấn thương khi thực hiện các động tác lặp lại. Thời gian tốt nhất để căng gân là sau khi tập thể dục, khi các gân đã được làm ấm.
- Áp dụng tư thế tốt tại nơi làm việc chẳng hạn như điều chỉnh ghế, bàn phím, máy vi tính để tránh các căng thẳng ở gân và khớp.
Viêm gân là tình trạng phổ biến, thường ảnh hưởng đến khuỷu tay, cổ tay, ngón tay, đùi. Tình trạng này có thể gây khó chịu nhưng thường không nguy hiểm.
Thường xuyên vận động, tập thể dục và tránh các chuyển động lặp lại thường xuyên có thể giảm nguy cơ viêm gân. Tuy nhiên nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Tham khảo thêm: Ngón tay lò xo (viêm gân gấp ngón tay): Thông tin cần biết