Đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và trong nước về những loại vốn đóng vai trò nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội như vốn tự nhiên, vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn thể chế, vốn văn hóa và vốn xã hội, trong đó, vốn xã hội được nhận định là một nguồn lực có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho các bên tham gia và là nguồn lực vốn quan trọng trong phát triển du lịch. Vốn xã hội là gì? Khái niệm vốn xã hội (social capital) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Phần lớn các học giả cho rằng L.J. Hanifan (một quan sát viên quốc gia các trường học vùng nông thôn ở Tây Virginia – Mỹ) là người đầu tiên đưa ra khái niệm thuật ngữ này vào năm 1916 và từ những năm 1980 trở lại đây thuật ngữ này được các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách về kinh tế, chính trị, xã hội quan tâm nhiều hơn và trở nên phổ biến hơn. Theo Hanifan: “Vốn xã hội là những giá trị vô hình được tích lũy trong đời sống hàng ngày của con người, như thiện chí, sự đoàn kết, sự đồng cảm, quan hệ xã hội giữa các cá nhân và cộng đồng tạo nên một chỉnh thể xã hội. Mỗi cá nhân sẽ trở nên lạc lõng nếu làm việc đơn độc. Nhưng nếu họ giao tiếp với những người xung quanh, những giá trị xã hội sẽ được tích lũy, nó sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân mỗi người cũng như cho xã hội và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của toàn cộng đồng” [6]. Đến hiện tại, có những khái niệm khác nhau về vốn xã hội của nhiều chuyên gia, học giả cả trong và ngoài nước và thực tế khó có thể đưa ra một định nghĩa chung hài lòng mọi người, song đơn giản có thể hiểu vốn xã hội như nguồn lực tạo liên kết, các giá trị được chia sẻ và hiểu biết trong xã hội cho phép các cá nhân, các nhóm/tổ chức tin tưởng lẫn nhau và làm việc cùng nhau, giải quyết các việc chung và phát triển lan tỏa. Nó được tạo ra thông qua việc phát triển các quan hệ xã hội hay mạng lưới xã hội và các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng vốn xã hội để tìm kiếm lợi ích. Vốn xã hội cung cấp chất gắn kết tạo thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi và đổi mới. Nó có thể đem lại lợi ích kinh tế hoặc phi kinh tế và được đo lường bằng các yếu tố “vô hình”, yếu tố phi vật chất. Người ta dễ dàng nhìn thấy sự thịnh vượng về kinh tế, sự phát triển xã hội của một quốc gia, một địa phương qua sự biểu hiện của các nguồn vốn hữu hình (như đóng góp GDP, thu nhập, giá trị tiền tệ, trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống…). Đối với vốn xã hội, các yếu tố đo lường lại là những yếu tố vô hình, khó để có thể cân, đo, đong, đếm, khó nhìn thấy trực tiếp được. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều yếu tố đo lường khác nhau nhưng có thể tổng hợp 3 yếu tố chính đó là: Sự tin cậy; Sự trao đổi, hợp tác; Mạng lưới xã hội. Mặc dù khái niệm vốn xã hội được du nhập vào Việt Nam chưa lâu nhưng thực tế phát triển xã hội ở Việt Nam với sự tồn tại của nhiều hình thức tổ chức xã hội như hội, phường, họ… đã chứa đựng những nguồn vốn xã hội quan trọng và trong thực tế người ta đã biết sử dụng nguồn lực này để hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong nhiều hoạt động kinh tế – xã hội khác nhau. Vốn xã hội – nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam Xu thế phát triển du lịch tất yếu hiện nay là du lịch bền vững, có trách nhiệm, thay đổi từ khai thác phát triển du lịch chỉ dựa vào những tiềm năng sẵn có sang hướng tiêu dùng du lịch có trách nhiệm và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch là một hướng ưu tiên trong phát triển du lịch Việt Nam và đang được xem như là hướng đi, một điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm. Luật Du lịch (2017) đã xác định: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi” [1]. Như đã đề cập ở trên, có thể có và cần nhiều nguồn lực cho phát triển du lịch cộng đồng như vốn tài nguyên, vốn tài chính, vốn con người, vốn thể chế, vốn văn hóa và vốn xã hội. Hiện nay, vốn xã hội đang được nhìn nhận như một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội trong đó có phát triển du lịch cộng đồng. Vốn xã hội đóng vai trò quan trọng, giúp cho người dân có thể trực tiếp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm, tiếp cận khách du lịch, nâng cao năng lực, nhận thức, tăng cường sự tham gia vào hoạt động du lịch từ đó hưởng lợi từ hoạt động du lịch do mình tổ chức, quản lý, khai thác để nâng cao đời sống, bảo tồn các giá trị tự nhiên – văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội của chính cộng đồng địa phương.
Vốn xã hội trong phát triển du lịch du lịch cộng đồng và các bên tham gia
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Việc nghiên cứu vốn xã hội trong phát triển du lịch cộng đồng là một nhu cầu thực sự phù hợp và đáp ứng tích cực cho du lịch cộng đồng phát triển. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp cận nguồn lực vốn xã hội góp phần đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Việc phát triển nguồn lực vốn xã hội đồng nghĩa với việc gia tăng sự tin tưởng và các hoạt động chung. Hai yếu tố này có thể giúp xây dựng một mối quan hệ lâu dài bền vững giữa các thành viên trong cộng đồng. Một khi các mối quan hệ được thiết lập, cơ hội hợp tác phát triển sẽ được mở ra cho các bên. Tuy nhiên những mối quan hệ không tốt đẹp có thể tạo ra những thách thức, ví dụ như trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa qua đào tạo, các vấn đề về an ninh, sự lãnh đạo hạn chế hay sự thiếu hiểu biết trong việc quản lý các điểm đến du lịch. Tất cả những thách thức trên đều xuất phát từ việc thiếu sự hợp tác cũng như lòng tin giữa các bên có liên quan. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy các cộng đồng có vốn xã hội cao sẽ có sự tham gia sâu, rộng của người dân, của cộng đồng, của các bên tham gia trong phát triển du lịch. Chính vì vậy cải thiện nguồn lực vốn xã hội trong cộng đồng các điểm đến du lịch sẽ mang đến sự phát triển du lịch cộng đồng, tăng phúc lợi xã hội, phát triển bền vững cộng đồng.
Vốn xã hội và phát triển du lịch cộng đồng
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Sự tin cậy là chìa khoá cho việc phát triển vốn xã hội và được xem như là một yếu tố trong việc kết nối và tạo dựng các mối quan hệ trao đổi, hợp tác và mạng lưới. Từ sự tin tưởng, cộng đồng sẽ được trao thêm quyền, tăng cường năng lực trong phát triển du lịch và ngược lại cộng đồng sẽ tin tưởng vào các bên tham gia và tăng khả năng trao đổi, hợp tác cùng phát triển du lịch. Văn hoá hoạt động tập thể và sự trao đổi, quan hệ hợp tác có thể giúp tăng sự sáng tạo và hiệu quả, tạo ra nguồn năng lượng cho phát triển du lịch, tác động tích cực lên tình hình tài chính và trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh du lịch đang có những thay đổi nhanh chóng. Các hoạt động tập thể, sự trao đổi, hợp tác trong cộng đồng là các hoạt động chung trong các mối quan hệ ngang và dọc (với các bên tham gia như chính quyền địa phương, cộng đồng lân cận, quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch…). Mạng lưới xã hội là một yếu tố quan trọng của vốn xã hội, thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng. Có mạng lưới chính thức như các tổ chức hiệp hội du lịch, hiệp hội lữ hành, hiệp hội hướng dẫn viên, mạng lưới du lịch cộng đồng, câu lạc bộ du lịch cộng đồng… và mạng lưới không chính thức như họ hàng thân thích, bạn bè, người quen, đại lý du lịch… Vốn xã hội được phát huy trong phát triển du lịch cộng đồng có thể giúp cải thiện hoạt động du lịch như huy động nguồn lực cho phát triển du lịch từ tài chính đến đất đai đến nguồn nhân lực…, tạo nhiều ý tưởng sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và tăng khả năng tiếp cận thị trường cũng như hạn chế những lo ngại về vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vốn xã hội, cụ thể là về sự tin tưởng, các hoạt động chung trong cộng đồng cũng như phát triển qua mạng lưới xã hội có thể giúp tăng trưởng kinh tế thông qua những sáng tạo mới. Tuy nhiên, nghiên cứu về nguồn lực vốn xã hội tập trung vào xây dựng niềm tin, các hoạt động chung cũng như mạng lưới chính thức hay phi chính thức nhằm phát triển Du lịch cộng đồng ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, bài bản. Cần thiết có những nghiên cứu cụ thể hơn về vốn xã hội và vai trò của nó trong phát triển du lịch cộng đồng để giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng nói riêng như vấn đề về phát triển và phân phối sản phẩm, cơ chế và chia sẻ lợi ích nhất là sự vào cuộc của các bên tham gia trong phát triển du lịch cộng đồng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Quốc hội, Luật du lịch, Luật số: 09/2017/QH14. 2. Phùng Thị Hằng, Ảnh hưởng của vốn xã hội đến lợi ích của người dân địa phương trong phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải đông bắc, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. 3. The Asia Foundation, ViRi, Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng. 4. Doohyun Hwang, Luận án “Tác động của vốn xã hội đến hành động dựa vào cộng đồng trong phát triển du lịch: Nghiên cứu phân tích mạng lưới xã hội”, Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Hoa Kỳ. 5. Purwanti Dyah Pramanik, Rahmat Ingkadijaya, Mochamad Achmadi, Vai trò của vốn xã hội trong du lịch dựa vào cộng đồng, Sekolah Tinggi Pariwisata Trisakti, Jakarta, Indonesia. 6. sentayho.com.vn/wiki/Social_capital
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch