Mới lạ nhưng thân quen
Cũng như các thể loại âm nhạc phổ biến khác như rock hay jazz, world music không có tên tiếng Việt tương ứng và có nhiều cách định nghĩa. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, world music là thể loại âm nhạc không biên giới, khai thác các chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền, không bó buộc trong phong cách thể hiện mà có thể pha trộn các thể loại âm nhạc với nhau. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng từ “world music” được hiểu rộng là bất kỳ sự kết hợp nào, trong đó sự kết hợp giữa những nét giai điệu phương Đông và nền hòa thanh, tiết tấu của phương Tây là cách giải thích dễ hiểu nhất về world music hiện nay.
Tuy còn khá lạ lẫm với phần đông khán giả nhưng trên thực tế, world music đã được nhiều nghệ sĩ Việt Nam theo đuổi từ nhiều năm qua với những sản phẩm nghệ thuật chất lượng được giới thiệu đến công chúng. Nhạc sĩ Quốc Trung được biết đến là người tâm huyết và đam mê theo đuổi world music cũng đã thực hiện được 2 dự án gây tiếng vang là Đường xa vạn dặm (2004) và mới đây là Nguồn cội – dự án được mở đầu bằng đêm nhạc Khởi nguồn hồi tháng 9-2012 với sự tham gia của ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ – nghệ sĩ quốc tế người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, nghệ sĩ Dhafer Youssef người Tunisia, nghệ sĩ bộ gõ Rhani Krija người Đức gốc Morroco và ca nương trẻ Kiều Anh.
Nói về mối “lương duyên” với world music, nhạc sĩ Quốc Trung giải thích: “Tôi không chọn world music mà chỉ lựa chọn phong cách mình yêu thích cũng như nghĩ mình sẽ thể hiện nó tốt nhất. Sau này, tôi mới biết nó được gọi là world music. World music cho phép tôi thể hiện được khả năng và cá tính mình nhiều nhất. Nét quyến rũ của nó là dù mới và hiện đại nhưng lại rất đỗi thân quen”.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cũng là người thường xuyên sáng tác và biểu diễn cùng ban nhạc Sài Gòn Big Band những nhạc phẩm có sự pha trộn giữa âm nhạc dân gian Việt Nam với jazz. Trần Mạnh Tuấn sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nên world music của anh sử dụng rất nhiều nét âm nhạc dân gian Bắc Bộ, những giai điệu của người H’Mông cùng một số giai điệu hát xẩm. Nhưng không phải tất cả các nét dân gian đều sử dụng được mà phải tìm đến một sự phù hợp để phát triển, thậm chí có thể thêm vào nhạc điện tử, những sự ngẫu hứng của jazz hay những tiết tấu châu Phi. Nếu biết cách làm thì tác phẩm sẽ rất phong phú.
Cầu nối với thế giới
Vì đặc điểm cho phép người làm nhạc thỏa sức sáng tạo nên có thể thấy các ca khúc world music hiện nay hội đủ cả yếu tố truyền thống dân tộc và nền hòa thanh hiện đại của thế giới, thậm chí có thể kết hợp cả ngoại ngữ.
Chẳng hạn, tác phẩm world music Ngồi tựa song đào mà Kiều Anh thể hiện ở bán kết Tìm kiếm tài năng Việt vừa qua chính là phiên bản từng được nhạc sĩ Quốc Trung mang đi biểu diễn tại Roskilde Festival ở Đan Mạch năm 2006. Ngồi tựa song đào vốn là một bài dân ca quan họ Bắc Ninh nhưng với mong muốn tác phẩm không chỉ dừng lại ở một bài hát dân gian mà sẽ trở thành một tác phẩm mới có tính toàn cầu hơn, nhạc sĩ Quốc Trung đã cùng nhạc sĩ Xinh Xô phát triển thêm một đoạn nhạc và nhờ nhạc sĩ Xinh Xô đặt phần lời tiếng Anh.
Nếu lùi xa hơn về quá khứ thì từ năm 1996, 2 nghệ sĩ Pháp gốc Việt là Nguyên Lê và Hương Thanh cũng từng ra mắt thành công album Tales from Vietnam (Những chuyện kể từ Việt Nam) bao gồm những bài dân ca quen thuộc như Người ở đừng về, Lý cây đa, Lý ngựa ô… được phối với nền nhạc jazz và đã giành được những giải thưởng âm nhạc của Pháp như Diapason d’Or, Choc du Monde de la Musique… Không chỉ gây tiếng vang lớn với thính giả phương Tây, Tales from Vietnam cũng đã góp phần giới thiệu các làn điệu dân ca quen thuộc của Việt Nam đến với họ.