TNV – Đường Cách mệnh là một trong số các tác phẩm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá trị của tác phẩm được khẳng định trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lúc bấy giờ, mà còn được vận dụng đúng đắn vào giai đoạn hiện nay, trở thành một trong những “quốc bảo” của dân tộc Việt Nam.
Mỗi câu chữ trong tác phẩm, đều hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc, bao quát cả mục tiêu, con đường của cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến hai từ “Cách mệnh”, Người từng nhắn nhủ rằng: “Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh”[1]. Vậy nội hàm và ý nghĩa nó như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu.
- Khái niệm “cách mệnh”
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, nếu tính cả tên bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến hai chữ “Cách mệnh” 240 lần, Người còn dành hẳn một phần để lý giải về “cách mệnh”, trong phần này, hai từ “cách mệnh” được Người nhắc đến 57 lần. Đối với Người, có nhiều sách về lý luận và lịch sử cách mệnh, nhưng dân ta bị Thực dân Pháp sử dụng chính sách ngu dân, cấm dân học, cấm dân xem, nên nhân dân ta lúc bấy giờ “đối với hai chữ cách mệnh còn lờ mờ lắm”[2]. Do đó, Người “muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ” rằng: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt”[3].
Từ quan điểm của Người, chúng ta thấy, đối với hai từ “cách mệnh” có rất nhiều định nghĩa và cách giải thích khác nhau, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cách nói ngắn gọn, dễ hiểu nhất, vì đối tượng mà Người muốn hướng đến là đông đảo nhân dân Việt Nam, những người là nguyên nhân trực tiếp và sẽ trở thành lực lượng cách mạng đông đảo, trung thành nhất. Tuy nhiên, cách định nghĩa ngắn gọn này lại cho chúng ta thấy tầm nhìn chiến lược của một nhà lý luận cách mạng lỗi lạc, vì “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt” tức cách mạng là một giai đoạn phát triển hợp với quy luật của xã hội, sẽ mở ra bước ngoặt căn bản trong đời sống xã hội, bước ngoặt này sẽ chuyển chính quyền từ giai cấp này sang giai cấp khác tiến bộ hơn, đưa tới sự lật đổ chế độ đã lỗi thời và thiết lập một chế độ mới, tiến bộ… Định nghĩa này cũng cho thấy tính nhất quán và tài phán đoán chiến lược của Hồ Chủ tịch: dù ở đâu, trong trường hợp nào thì cách mạng là phải luôn luôn đổi mới, ngay trên cái mới đã cũ, cái tốt cũ đang dần dần xấu đi… chứ cách mạng không phải chỉ làm một lần đánh đổ đế quốc, phong kiến là xong.
Có thể thấy, hai chữ “Cách mệnh” tuy ngắn gọn nhưng ý nghĩa rộng, sâu; chứa đựng vận mệnh của cả một dân tộc, thay đổi cuộc sống của toàn thể dân tộc Việt Nam, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân dân các nước, nhất là nhân dân các nước dân tộc thuộc địa trên thế giới.
- Cách mệnh theo Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nói về “Cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia ra thành các cách mệnh như:
Một là, xét về thực tiễn cách mệnh có các loại như:
“Khoa học cách mệnh”: như ông Galilê (1633) phát hiện ra trái đất tròn và chạy chung quanh mặt trời.
“Cơ khí cách mệnh”: như ông Stêphenxông (1800) phát minh ra xe lửa.
“Cách vật cách mệnh”: như ông Đácuyn (1859) nghiên cứu ra vì sao mà có sự sinh hoá của vạn vật.
“Kinh tế học cách mệnh”: như Ông Các Mác nhiên cứu và chỉ rõ tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tranh đấu, vân vân ở đâu mà sinh ra; lịch sử nó thế nào, hiện tượng nó thế nào, và kết quả nó sẽ ra thế nào.[4]
Hai là, xét về tư tưởng cách mệnh, dân chúng cách mệnh thì có 3 loại cách mệnh là: Tư bản cách mệnh; Dân tộc cách mệnh; Giai cấp cách mệnh[5]. Và Người giải thích rõ nguyên nhân của các loại cách mệnh này:
Tư bản cách mệnh sinh ra là do tư bản mới (tức tư bản ở thành phố) có lò máy và làm ra hàng hoá. Do đó, họ muốn có nhiều thợ làm công và nhiều người mua hàng, giao thông tiện lợi để bán hàng. Còn địa chủ (chính là tư bản ở hương thôn) lại muốn giữ những chế độ phong kiến, thổ địa nhân dân để có thể bóc lột nhân dân, vơ vét của cải… nên làm nhiều cách trở ngại cho việc buôn bán của tư bản mới. Điều này dẫn đến mâu thuẫn là: Địa chủ hết sức ngăn trở tư bản mới, tư bản mới hết sức phá địa chủ, hai bên xung đột nhau làm thành ra tư bản cách mệnh.
Dân tộc cách mệnh sinh ra là do một nước cậy có sức mạnh đến cướp một nước yếu, lấy võ lực cai trị dân nước ấy, và giành hết cả quyền kinh tế và chính trị. Dân nước ấy đã mất cả tự do độc lập, lại làm ra được bao nhiêu thì bị cường quyền vơ vét bấy nhiêu; họ còn bị bắt dân đi lính thế mạng. Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh.
Giai cấp cách mệnh sinh ra là do trong thế giới có 2 giai cấp: Tư bản (không làm công mà hưởng lợi) và Công và nông (làm khó nhọc mà chẳng được hưởng). Khi công nông không chịu nổi, đoàn kết nhau đánh đuổi tư bản đi, như bên Nga, ấy là giai cấp cách mệnh; nói tóm lại là giai cấp bị áp bức cách mệnh để đạp đổ giai cấp đi áp bức mình.
Ba là, xét về phạm vi cách mệnh có hai thứ:[6]
Dân tộc cách mệnh: như An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình.
Thế giới cách mệnh: tất cả dân cày, người thợ trong thế giới bất kỳ nước nào, nòi nào đều liên hợp nhau lại như anh em một nhà, để đập đổ tất cả tư bản trong thế giới, làm cho nước nào, dân nào cũng được hạnh phúc, làm cho thiên hạ đại đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến: “cách mệnh” tinh thần, “cách mệnh” kinh tế, “cách mệnh” chính trị…[7]
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết đầy đủ lịch sử các loại cách mệnh trên thế giới, chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra những dẫn chứng một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Người nắm rõ đặc điểm nhân dân ta lúc bấy giờ, đại đa số không biết chữ nhưng lại là lực lượng cách mạng lớn nhất. Do đó, muốn làm cho họ có thể hiểu và thực hành cách mạng một cách mau chóng, đúng đắn, thì không thể sử dụng kiểu viết dây cà dây muống, vừa dài dòng lại vừa khó hiểu, mà phải “nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”[8], từ đó giúp nhân dân đối với hai chữ cách mệnh không còn “lờ mờ”, cũng không thấy xa lạ hay trừu tượng khó hiểu; trái lại hiểu một cách đúng đắn, “mau mắn”, đồng thời sẵn sàng hăng hái thực hành, cùng nhau đoàn kết làm cách mạng để xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới.
- Nội hàm của hai từ “cách mệnh”
3.1. Cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ[9]
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bọn tư bản và đế quốc chủ nghĩa đã dùng tôn giáo để mị dân, dùng chính sách dân ngu để làm cho dân mù chữ, lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham… Tất cả những mưu mô này đều xoay quanh mục đích là “làm cho dân nghe đến 2 chữ cách mệnh thì sợ rùng mình”[10]. Do đó, cách mệnh trước hết phải dùng các biện pháp để giác ngộ cho dân, phải nói cho đồng bào ta biết rõ: “(1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?”[11]
Người còn chỉ rõ: vì bị áp bức mà sinh ra cách mệnh, cho nên ai càng bị áp bức nặng nề thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Trong điều kiện tư bản áp bức công nông thì công nông là người chủ cách mệnh, là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông, vì: công nông bị áp bức nặng hơn; công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết; công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. [12]
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng tác phẩm Đường cách mệnh để làm cho “đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”[13].
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội hàm đầu tiên của “Cách mạng” chính là tuyên truyền nhằm làm cho mỗi người dân đều tỉnh ngộ, thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi, nhận thức trách nhiệm của mình đối với tổ quốc. Khi đã giải thích cho toàn thể đồng bào hiểu rõ, hiểu đúng về cách mạng, thì sẽ kêu gọi, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân đứng lên đồng lòng làm cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại.
3.2. Cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu[14]
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giác ngộ cho nhân dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của cách mạng rồi, còn phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu, nếu không dân khổ quá hay làm bạo động, không có chủ nghĩa, không có kế hoạch dẫn đến thất bại mãi. Do đó, “Cách mệnh” phải chỉ rõ cho nhân dân thấy rằng: cách mạng Việt Nam phải làm thành hai giai đoạn trên một nền tảng chung: Cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mục đích của cuộc cách mạng dân tộc là giải phóng dân tộc, và Người nhấn mạnh, trước hết chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh” để “giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình”, đồng thời khẳng định: Cuộc cách mạng dân tộc chuẩn bị những tiền đề cho cuộc cách mạng thế giới về chính trị, tổ chức, kinh tế, văn hoá. Để đồng bào có thể hiểu rõ về cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rõ đối tượng của “dân tộc cách mệnh” là đánh đổ chính quyền thuộc địa của Pháp. Chủ thể là toàn dân tộc, lấy quần chúng công nông làm nền tảng. Làm rõ vấn đề lực lượng cách mạng và mối liên minh chiến lược giữa công nhân – nông dân và bầu bạn của họ trong khi thực hiện nhiệm vụ “dân tộc cách mệnh”, … Tóm lại, để nhân dân hiểu và đồng lòng thì mục tiêu cách mệnh phải vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, chính là giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc.
Cách mệnh còn phải vận động quần chúng, tổ chức đấu tranh cách mạng, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng…; thông qua đó tuyên truyền, giảng giải lý luận chủ nghĩa cho dân hiểu, để mọi người đồng chí, đồng đích, đồng lòng. Cách mệnh là phải làm cho nhân dân nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của thời đại và nắm bắt được tinh thần của học thuyết Mác – Lênin để giải quyết một cách triệt để nhiệm vụ cách mạng, từ đó tập hợp nhân dân cùng đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, để giải phóng dân tộc và giải phóng con người bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin.”[15]
3.3. Cách mệnh phải hiểu phong triều thế giới, phải bày sách lược cho dân[16]
Nhận thấy dân vì không hiểu tình thế trong thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chưa hiểu được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”,… nên lúc chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành phân tích các cuộc cách mạng trên thế giới như cách mạng Mỹ, cách mạng tư sản Pháp, và chỉ rõ “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi”[17]. Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản; “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[18]. Người cũng đã tiến hành phân tích cuộc cách mạng Nga năm 1917, khẳng định đây là cuộc cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi đầu tiên trên thế giới. Cuộc cách mạng này, về căn bản khác với tất cả các cuộc cách mạng trước, vì nó không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác, mà trái lại, nó chủ trương xoá bỏ mọi hình thức bóc lột, thủ tiêu mọi giai cấp bóc lột. Nhận xét về cuộc cách mạng này, Người từng đã viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[19] . Và Người khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải đi theo con đường của cách mạng tháng Mười Nga.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mệnh không chỉ tuyên truyền, vận động quần chúng, mà còn phải xây dựng các tổ chức quần chúng và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì muốn tập hợp lực lượng của toàn dân tộc trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội thì phải tổ chức và phát huy vai trò của các tổ chức đó; nếu không phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, không huy động được sức mạnh của toàn dân tộc thì đội tiền phong của cách mạng sẽ không thể lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản, nhằm thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân, chính là con đường: Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với phương pháp vận động quần chúng, phương pháp tổ chức đấu tranh cách mạng, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng. Người còn chỉ rõ các vấn đề đoàn kết dân tộc, giai cấp và quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, vì “muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”[20]; và khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả”[21]
3.4. Sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có Đảng cách mệnh[22]
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: dân thường chia rẽ phái này phái khác, vì thế mà mất đoàn kết, làm suy yếu lực lượng. Do đó, cách mệnh phải “đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được”[23]. Để có thể đoàn kết toàn dân, tập hợp tất cả các tầng lớp trong nước, cần phải có một tổ chức thống nhất tất cả các lực lượng là Đảng cách mệnh. Đây là yêu cầu đầu tiên và cần kíp của cách mệnh, vì “Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công”[24], “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. ”[25] Ở đây, Đảng thể hiện là một tổ chức đoàn kết sức mạnh dân tộc vào một khối thống nhất, vì Đảng thu phục được đại bộ phận giai cấp mình, làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng và trở thành đội tiên phong của giai cấp vô sản; thu phục được đại bộ phận dân cày và dựa vào họ để làm thổ địa cách mạng đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến; đồng thời biết liên lạc với các lực lượng khác để kéo họ đi vào phe giai cấp vô sản; lôi cuốn được giai cấp vô sản, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức đi theo cách mạng, hình thành nên khối liên minh công – nông – trí, nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, Đảng vừa là đội tiên phong của giai cấp công nhân, vừa là đội tiên phong của nhân dân lao động, trong đó nòng cốt là công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức.
Có thể thấy, từ định nghĩa và nội hàm của hai từ “Cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những vấn đề lý luận cần thiết cho nhân dân Việt Nam làm cách mạng. Người đã giảng giải những vấn đề cách mạng to lớn, dựa trên quan điểm Mác- Lênin, bằng những lời “văn chương cụt quằn”, “giản tiện”, nhưng xúc tích, đúng đắn, do đó giúp cho nhân dân Việt Nam hiểu được cách mệnh là gì, biết rõ lý do vì sao phải làm cách mệnh, nắm bắt được mục tiêu của cách mệnh, nhiệm vụ của cách mạng, lực lượng cách mệnh… Từ đó tạo ra sự chuyển biến căn bản, nhanh chóng trong nhận thức và hành động cách mạng cho tất cả người dân Việt Nam, chuẩn bị tiền đề cho cuộc cách mạng lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới. Do đó, hai chữ “Cách mệnh” đã trở thành nội dung xuyên suốt trong tác phẩm, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Cho đến nay, vẫn có ý nghĩa to lớn: đối với một dân tộc đó là vận mệnh dân tộc trong việc giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đối với mỗi cá nhân, dù là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý hay quần chúng nhân dân, đều có thể học tập, rèn luyện để làm “cách mệnh” chính mình, “xoá bỏ cái xấu, cái cũ” trong bản thân mỗi người, xây dựng và bồi đắp “cái tốt, cái mới”, từ đó hoàn thiện mình hơn, để không ngừng phát triển lên mãi.
Đỗ Công Tiến
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 283[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 282
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 284
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 284
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 284-285
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 287
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 341
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 283
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 288
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 288
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 283
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 288
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 283
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 296
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 292
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 304
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 312
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 329
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 299
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 297
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289