Một con khỉ đột khổng lồ nhưng bên trong Kong lại có trái tim của một con người, một con quái vật mà khán giả có thể cảm thông được. Nhân dịp ra mắt bộ phim thứ 8 của King Kong – Kong: Skull Island, cùng điểm lại những sự thật độc đáo xoay quanh loạt phim này.
1. Bản phim đầu tiên từng bị phá hủy
Trước năm 1980, những bộ phim thường không có giá trị sử dụng sau khi rời rạp và phần lớn đã được nấu chảy để lấy kim loại trong thập niên 1950. Phần phim King Kong đầu tiên ra mắt năm 1933 cũng không ngoại lệ.
Từng có thời, không có một bản phim nào tồn tại ở Mỹ và bộ phim phải được hồi phục bằng những cảnh phim ở Anh, Bỉ và Pháp. Phim sau đó được làm đẹp và copy để tạo ra bản hiện nay chúng ta thấy. Cả quá trình tốn mất 2 năm.
2. Kong – Kẻ sát nhân
Cảnh Kong nằm chết trên vỉa hè của New York tả rõ hình ảnh của một con quái vật đáng thương hại khi bị hiểu nhầm và chỉ đang cố bảo vệ nhà của nó khỏi bom đạn Mỹ.
Tuy nhiên, bản phim năm 1933 thực tế có ý định miêu tả Kong rất dã man và tàn nhẫn. Những cảnh sau đã hoàn toàn biến mất trong những phiên bản sau này: Kong đạp lên những người bản địa của Skull Island, đẩy một thủy thủ té chết và ăn một người New York vô tội.
3. Bộ phim ưa thích của Hitler
Ai cũng thích phim ảnh cả, kể cả một tên độc tài khét tiếng như Hitler. Trong đó, một trong những bộ phim hắn thích nhất và đã coi đi coi lại rất nhiều lần là King Kong. Một bộ phim khác không liên quan mà hắn cũng rất thích là Bạch Tuyết và 7 Chú Lùn.
4. Cao to, đen và đẹp trai
Cảnh Fay Wray trong vòng tay của King Kong trên tòa nhà Empire State nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa Mỹ và đưa cô lên hàng minh tinh. Tuy nhiên, ban đầu cô cần phải được thuyết phục để đóng vai nữ chính Ann Darrow.
Quyết định chọn 1 diễn viên tóc vàng để tương phản Kong, đạo diễn Merian C.Cooper đã để mắt đến Wray. Để cô xiêu lòng, ông đã nói cô sẽ đóng cùng “người đàn ông cao nhất, đen nhất Hollywood”. Ban đầu, cô tưởng ông nói tới diễn viên Clark Gable, cho tới khi ông cho cô xem bạn diễn thực sự của mình: một con khỉ đột khổng lồ.
5. Kích thước Kong
Không có kích thước nhất định cho Kong. Ban đầu, đạo diễn của phần phim đầu tiên, Merian C. Cooper, muốn Kong cao tới 15m, nhưng người làm kỹ xảo Willis O’Brien đã giảm kích thước xuống còn 8m tại phân cảnh Đảo Đầu lâu. Tới New York, Kong tăng lên 24m, nhưng Cooper đã điều chỉnh cảnh quay sao cho Kong nhìn như một con quái vật 18m.
Khi qua Nhật, kích thước Kong được tăng tới 45m để đấu với Godzilla. Trong bản làm lại năm 1976, Kong giảm xuống còn 13m, và ở bản năm 2005 của Peter Jackson chỉ còn có 8m. Bộ phim Kong: Skull Island thay đổi kích thước Kong 1 lần nữa, trong cuộc phỏng vấn với The Hollywood Reporter, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts nói rằng “Đây sẽ là con Kong lớn nhất từng thấy. Không phải 3m, không phải 9m, mà là một con khỉ đột 30m”.
6. Tạo hình Kong
Từ bé, đạo diễn Cooper đã hứng thú với khỉ đột. Trong 1 lần quay phim ở Châu Phi, một gia đình khỉ đã cho ông ý tưởng về một con khỉ đột khổng lồ trèo lên tòa nhà Empire State đánh nhau với máy bay chiến đấu.
Willis O’Brien đã được thuê để tạo hình Kong và ông đã có nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa vì ông muốn Kong nhìn giống người hơn, còn Cooper lại muốn Kong nhìn hoang dã nhất có thể, thậm chí còn đưa hình khỉ đột lấy từ Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên để Willis dựa vào.
Bản vẽ Kong cuối cùng được tạo ra làm vừa lòng cả 2, rất hoang dã nhưng vẫn có đủ tính người. Tất cả còn lại chỉ là tạo tiếng cho con quái vật này bằng cách quay ngược tiếng hổ gầm trộn với tiếng sư tử gầm, thế là một huyền thoại đã được tạo ra.
7. Hoạt hình Kong
Không chỉ trên màn ảnh lớn, Kong còn được làm phim hoạt hình với bản đầu tiên năm 1966 The King Kong Show. Tới tận năm 2000 mới có phim hoạt hình Kong thứ 2, Kong: The Animated Series, với Kong là một con khỉ đột có DNA trộn với người. Bộ hoạt hình gần đây nhất về Kong có tên Kong: King of Apes chiếu trên Netflix và được đặt trong tương lai năm 2050 với Kong là một tội phạm đang trốn chạy.
Ngoài ra, Kong còn xuất hiện trên game, với một bản game dựa trên phim của Peter Jackson và một game nữa trên Gameboy.
8. Bản quyền
Có rất nhiều phiền phức quanh vấn đề bản quyền. Năm 1962, đạo diễn Cooper kiện RKO rằng ông chỉ cho phép họ sản xuất phim Kong ban đầu và phần sau của nó, không hơn. Vấn đề này lại nóng lên lần nữa vào thập niên 70 khi Universal Studios cãi nhau với nhà sản xuất phim người Ý Dino De Laurentiis về ai thực sự được RKO cho phép làm phim Kong.
Cuối cùng, năm 1982, Universal Studios đã kiện Nintendo về bản quyền game Donkey Kong.
9. Nguồn gốc tên
Những cái tên ban đầu đạo diễn Cooper nghĩ ra đều bị cho là quá nhàm chán. Cuối cùng, vì ông có hứng thú với những chữ bắt đầu bằng “K”, ông đã chọn tên “Kong”. Chữ “King” được thêm vào sau để không gây nhầm lẫn với các bộ phim tài liệu.
10. King Kong đã từng đánh bại Godzilla
Là 2 tượng đài của loạt phim quái vật, ai cũng muốn thấy Kong đánh nhau với Godzilla. Có khả năng chúng ta sẽ thấy điều đó trong năm 2020, sau 2 phim Kong: Skull Island và Godzilla: King of Monsters khi Warner Bros. và Legendary Pictures đang có ý định xây dựng một vũ trụ quái vật.
Tuy nhiên, mọi người vẫn quên là 2 con quái vật này đã từng đánh nhau trong phiên bản Nhật năm 1962, King Kong vs Godzilla. Mặc dù không có người thắng rõ ràng nhưng sau khi cả 2 rơi xuống biển, Kong là quái vật duy nhất trồi lên lại.
Nhân dịp Kong: Skull Island được chiếu tại Việt Nam, hãng phát hành dành tặng khán giả 5 đèn pin và 5 bình nước. Bạn hãy bình chọn xem King Kong phiên bản nào là ấn tượng nhất kèm lý do và gửi vào hòm thư [email protected] kèm thông tin cá nhân chi tiết. Chúc bạn may mắn!