Misthy và PewPew trở thành một trong những streamers hot nhất giới trẻ hiện nay. Nếu bạn cũng đã từng xem qua những videos của họ chắc không khó bắt gặp họ thường xuyên “đéo”, “đéo”…như một điều gì đó rất bình thường trong lời nói của mình.
Không chỉ Misthy và PewPew, bạn hoàn toàn nghe được cách nói này ở công ty, công viên, công sở…và đến giờ thì nó phổ biến đến nỗi gần như nhiều người “quên” mất nó là một từ ngữ tục tĩu trong tiếng Việt.
Nếu có ai đó muốn nỗ lực để dẹp bỏ “văn hóa chửi” của một dân tộc thì chỉ có kẻ điên, và đó sẽ là kẻ bị chửi nhiều nhất trên đời. Bất cứ một nền văn hóa nào đều có một góc phong phú những ngôn từ thô lỗ như thế, nó phản ánh một góc cạnh trong đời sống con người nói chung. Nó trở thành một phương tiện để bày tỏ sự phẫn uất, hay thái độ xem thường một sự việc hay đối tượng nào đó.
Về chữ “đéo”, nghĩa đen chỉ về hành vi giao hợp với đàn bà. (Ở đây không có ý nói tình dục là xấu, tình dục rất đẹp trong hôn nhân và tình yêu, nhưng ngoài hôn nhân và tình yêu đều là xấu).. Tương đương như chữ “đụ”, “địt”…mà bạn có thể thấy “đéo mẹ!”, “địt mẹ”, “đụ mẹ!” đều bằng nghĩa nhau, chỉ khác nhau ở vùng miền sử dụng.
Nếu bóc tách các lớp nghĩa ra thì quả là tục hết chỗ nói! Ví dụ ai đó nói “Địt con mẹ mày!” hay “đéo má nó!”, “đéo mẹ mày!” thì có nghĩa là “tao tà dâm với người sinh ra mày“, một ý nghĩa thể hiện sự khinh bỉ và xem thường đến tột độ như để thỏa mãn cái tôi tức tối của chính họ mà thôi.
Cuốn Từ điển Việt – Bồ – La, do Alexandre De Rhodes biên soạn, ấn hành tại Roma năm 1651, có thể thấy một số mục từ được chú thích dòng chữ “lời nói phải tránh”. Có thể điểm qua mục từ đéo, vẫn trong Từ điển Việt – Bồ – La: “Đéo: giao hợp với đàn bà, tiếng tục. Đéo mẹ thằng cha: Hỡi thằng con của con đĩ, hỡi thằng con của đứa quê mùa xấu xa, ta sẽ làm tà dâm với mẹ mày”. Hiện sách này là sách hiếm.
Thế nhưng, “đéo” về sau này được sử dụng với một ý nghĩa khác nhẹ nhàng hơn là thể hiện sự phủ định, nghĩa là thay vì nói “không” thì người ta dùng “đéo”. Ví dụ, “không biết” thì nói thành “đéo biết!”.
Ngôn ngữ có một tính chất đặc thù, kiểu như người ta cứ đi mãi thì thành đường thôi. Dân số Việt Nam vốn trẻ, một thế hệ 8x trở về trước thì “đéo” là một từ khó mà chấp nhận được để sử dụng thường xuyên, thế hệ 9x cho đến 2k thì gần như đa phần đang cảm thấy nó bình thường, không đến nỗi để đem ra đánh giá tư cách hay phẩm giá.
Khi xung quanh bạn có quá nhiều người sử dụng thì mặc nhiên bạn cảm thấy nó cũng tương đương như ai đó nói chữ “không” vậy, và quan niệm của bạn “thế nào mới là tục?” tự nhiên nó cũng thay đổi so với thế hệ trước. Cái xung đột của chúng ta đang đối diện là xã hội tồn tại nhiều thế hệ với nhiều hệ quy chiếu trong nhân sinh quan rất khác nhau, cha mẹ bạn sẽ khó mà chấp nhận con mình cứ hễ mở miệng là “đéo này đéo nọ”, nhưng bạn thì không vấn đề.
Có những trường hợp mà biết cách sử dụng nghe rất “đã”, thõa mãn được cảm xúc hay mong mỏi của người nói, ví dụ “HS và TS là của Việt Nam, ĐÉO phải của TQ!”. Nói như thế vừa thể hiện sự khinh thường, vừa cho thấy sự phẫn uất của người nói, lại mang đậm chất bình dân đơn sơ của người Việt. Tuy nhiên, cách mà giới trẻ và các influencers trên mạng xã hội hay sử dụng ngày nay làm lệch lạc đi quan niệm văn hóa của đại bộ phận các bạn trẻ trong xã hội. Vì sao? Vì bạn không thể thay đổi nguồn gốc ngữ nghĩa của chính ngôn từ, “đéo” vẫn luôn luôn là từ chỉ về hành vi giao hợp với đàn bà, thô thiển và cần tránh.
Nếu trả lời thật lòng, bạn có muốn những đứa con mình sinh ra, cứ hễ mở miệng là “đéo này đéo nọ”?